Hệ thống thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu đang hiện diện rõ ở khu vực ĐBSCL, đặc biệt là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô. Hậu Giang, tỉnh giáp biển Tây cũng không nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Theo ông Mai Hoàng Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, các số liệu ghi nhận cho thấy, trước khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động, nồng độ mặn tại Hậu Giang có lúc đạt mức cao kỷ lục (19,7‰ trong năm 2015-2016 và 18,6‰ trong năm 2019-2020).
Tuy nhiên, nhờ sự hoạt động hiệu quả của hệ thống này, nồng độ mặn giảm đáng kể, xuống chỉ còn 4,6‰ vào năm 2022. Mặc dù năm 2024, nồng độ mặn không gây áp lực lớn đến tình hình sản xuất nông nghiệp cho Hậu Giang, tuy nhiên tình trạng xâm nhập mặn ở những năm tiếp theo vẫn khó lường và đòi hỏi các giải pháp phòng chống linh hoạt và bền vững.
Hệ thống Cái Lớn - Cái Bé được đánh giá là một trong những công trình thủy lợi quan trọng bậc nhất tại ĐBSCL. Với diện tích phục vụ lên tới 384.120ha, công trình này mang lại lợi ích trực tiếp cho nhiều tỉnh ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha. Các khu vực như thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và huyện Vị Thủy được hưởng lợi trực tiếp từ việc kiểm soát mặn và điều tiết nguồn nước.
Ông Mai Hoàng Tâm nhấn mạnh, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé không chỉ giảm thiểu tác động của xâm nhập mặn mà còn đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, việc kiểm soát mặn ở mức dưới 1‰ tại cầu Cái Tư giúp thành phố Vị Thanh duy trì nguồn nước ngọt ổn định, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, các công trình thủy lợi trong tỉnh còn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thông qua việc chủ động tưới tiêu, kiểm soát lũ và triều cường. Điều này góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; thuận tiện lưu thông hàng hóa, từ đó cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân.
Hướng tới một hệ thống thủy lợi bền vững
Mặc dù các công trình thủy lợi mang lại lợi ích lớn, nhưng theo ông Mai Hoàng Tâm, vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình vận hành. Đối với các công trình thuộc cấp tỉnh và huyện quản lý, việc thiếu kinh phí, công nghệ vận hành lạc hậu và nhân lực thiếu chuyên môn là những trở ngại chính. Đặc biệt, các công trình thủy lợi cấp xã thường không có đội ngũ chuyên trách, gây khó khăn trong việc duy tu và vận hành hiệu quả.
Ngoài ra, với đặc điểm thủy triều phức tạp tại ĐBSCL, Hậu Giang chịu ảnh hưởng của cả bán nhật triều từ biển Tây, dẫn đến tình trạng ngập úng khi xảy ra triều cường và mưa lớn. Do đó, ông Tâm kiến nghị các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu và đề xuất đầu tư thêm các công trình thủy lợi phù hợp để đối phó với điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Trong bối cảnh nguồn lực địa phương còn hạn chế, ông Mai Hoàng Tâm nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và cộng đồng trong việc hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Các nguồn vốn vay ưu đãi hoặc hỗ trợ không hoàn lại từ quốc tế có thể giúp Hậu Giang và các tỉnh ĐBSCL xây dựng thêm nhiều công trình thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống người dân.
Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình cũng là yếu tố then chốt trong ứng phó với hạn mặn. Ông Tâm đề xuất đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân chủ động trữ nước trong ao, mương, bồn chứa, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên nước.
Hậu Giang, với vai trò là một trong những tỉnh trung tâm của ĐBSCL, đang nỗ lực vượt qua thách thức hạn mặn nhờ sự hỗ trợ từ các công trình thủy lợi lớn ở ĐBSCL do Bộ NN-PTNT đầu tư, như thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển bền vững, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, người dân và các tổ chức quốc tế. Việc đầu tư đúng hướng vào hệ thống thủy lợi không chỉ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà còn là nền tảng để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng và bền vững cho Hậu Giang và cả ĐBSCL.