| Hotline: 0983.970.780

Thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trách nhiệm trong sản xuất cà phê

Thứ Sáu 13/12/2024 , 13:39 (GMT+7)

Chủ động quản lý và giảm tần suất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học trong sản xuất cà phê sẽ giúp tăng chất lượng, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

Ngày 12/12, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) tại Việt Nam tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện năm 2024 và kế hoạch hoạt động năm 2025 của phi dự án “Đánh giá tác động của việc trồng xen trong vườn cà phê đến sinh vật gây hại chính và thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm để phát triển sản xuất cà phê bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên, Việt Nam”.

Phi dự án được Bộ NN-PTNT phê duyệt và triển khai trên địa bàn 3 tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk và Lâm Đồng, thời gian thực hiện từ tháng 1/2024 đến tháng 6/2025.

Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung điều tra, khảo sát tình hình sử dụng thuốc BVTV trong vườn cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh: A.T.

Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung điều tra, khảo sát tình hình sử dụng thuốc BVTV trong vườn cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh: A.T.

Theo ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, trong năm 2024, đơn vị đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật 3 tỉnh thực hiện 5 hoạt động hỗ trợ kỹ thuật: Điều tra, xác định thành phần sinh vật gây hại chính và thiên địch trên một số mô hình cà phê trồng xen; xây dựng danh mục thành phần sinh vật gây hại chính và thiên địch trên một số mô hình cà phê trồng xen cây sầu riêng, cây hồ tiêu để đưa ra biện pháp quản lý, giám sát và phòng trừ hiệu quả.

Đồng thời điều tra, khảo sát việc sử dụng thuốc BVTV và đánh giá tác động ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc BVTV trên mô hình cà phê trồng xen; đánh giá tác động ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc BVTV đối với cà phê và các cây trồng xen khác; rà soát, đối chiếu các hoạt chất được phép và cấm/hạn chế sử dụng theo các quy định liên quan để đề xuất các hoạt chất BVTV sử dụng an toàn trên vườn cà phê trồng xen.

Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung cũng đã tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng thanh kiểm tra cho cán bộ, công chức ngành BVTV ở các tỉnh Tây Nguyên; tập huấn nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho 250 người sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV ở 3 tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng.

Kiểm tra sinh vật gây hại trên vườn cà phê trồng xen. Ảnh: A.T.

Kiểm tra sinh vật gây hại trên vườn cà phê trồng xen. Ảnh: A.T.

Ngoài ra, 90 nông dân nòng cốt (các thành viên HTX, khuyến nông viên cơ sở, hội nông dân...) cũng được tập huấn nâng cao năng lực quản lý sinh vật gây hại và sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả trên cây cà phê theo IPHM (quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp). Từ đó, nông dân tự tập huấn cho nông dân để mở rộng áp dụng IPHM vào sản xuất ở các tỉnh tham gia phi dự án.

Tại buổi sơ kết, các bên đã đưa ra bàn thảo một số vấn đề khác mà các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế quan tâm, đó là việc sử dụng thuốc BVTV và quản lý mức tồn dư tối đa cho phép thuốc BVTV (MRL) trong ngành hàng cà phê ở khu vực Tây Nguyên.

Theo ông Lương Anh Tuấn, việc áp dụng kết quả nghiên cứu này sẽ làm tăng hiệu quả phòng trừ sinh vật gây hại và tăng hiệu quả kinh tế so với tập quán canh tác cũ. Do vậy đã khích lệ được nông dân trồng cà phê trên địa bàn làm theo; giúp nông dân chủ động trong việc quản lý vườn trồng hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí và giảm tần suất sử dụng thuốc hoá học, từ đó tăng chất lượng, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

Việc sử dụng hợp lý và bền vững các vật tư nông nghiệp đầu vào trong tất cả các bước sản xuất cà phê là chìa khóa để đảm bảo năng lực sản xuất lâu dài về mặt kinh tế, làm giảm nguy cơ tác động xấu và có tác động trực tiếp đến môi trường và nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như giảm ô nhiễm, tăng hiệu quả, ngăn ngừa rủi ro, giảm việc khai thác tài nguyên quá mức...

“Đây là chìa khóa hướng đến mục tiêu tránh được các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người lao động và đảm bảo được sản phẩm cuối cùng tốt hơn mà không có dư lượng cho người tiêu dùng. Nhờ vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam được bảo vệ, thu nhập và mức sống của người trồng cà phê được đảm bảo nhờ đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như các yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu chính của cà phê Việt Nam như châu Âu và Hoa Kỳ”, ông Tuấn cho biết.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.