| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi cây trồng ngày càng mạnh mẽ

Thứ Sáu 17/04/2020 , 09:36 (GMT+7)

Việc chuyển đổi cây trồng tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ đem lại đa lợi ích. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt. Ảnh: Kim Sơ.

Những năm qua, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ luôn bị thiếu nước sản xuất, do vậy việc chuyển đổi từ đất lúa sang cây trồng cạn rất cấp bách. Xin ông cho biết công tác chuyển đổi tại các địa phương này ra sao?

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn là mục tiêu và cũng là yêu cầu cấp thiết để thích ứng trong sản xuất trồng trọt của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ canh tác trong điều kiện thường xuyên phải cân đối nguồn nước cho sản xuất trồng trọt và các sinh kế khác của nông dân.

Từ thực tế luôn bị thiếu nước nên những năm qua, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ luôn quan tâm chuyển đổi cây trồng trên đất lúa do hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa.

Theo thống kê của các địa phương, diện tích chuyển đổi mỗi năm đạt trên 10 nghìn ha và ngày càng tăng, chủ yếu là chuyển đổi sang cây trồng hằng năm như ngô, lạc, vừng, rau màu các loại và một số diện tích chuyển sang các loại cây ăn quả...

Ví như năm 2018 các địa phương đã chuyển đổi được trên 10 nghìn ha, trong năm 2019 đạt trên 12 nghìn ha và dự kiến năm nay diện tích chuyển đổi cao hơn nữa.

Việc chuyển đổi này đã đem lại khá nhiều lợi ích. Thứ nhất làm đa dạng hóa sản phẩm, phần lớn các cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thứ hai việc chuyển đổi giúp sử dụng hiệu quả nước tưới trong điều kiện cân đối nước cho sản xuất và sinh kế khác cho người dân ngày càng khó khăn do hạn hán.

Thứ nữa là luân canh mùa vụ, cải tạo đất và hạn chế sâu bệnh. Đồng thời việc chuyển đổi góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt, thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng giá trị của các địa phương.

Nhóm cây trồng chuyển đổi hiệu quả cao

Là người trực tiếp theo dõi tình hình sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, xin ông cho biết những nhóm cây trồng nào chuyển đổi bền vững và hiệu quả cao thời gian qua?

Qua đánh giá, chúng tôi thấy các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều có hiệu quả cao và bền vững trong những năm gần đây, gồm 2 nhóm cây ngắn ngày và cây dài ngày, trong đó cây dài ngày có hiệu quả kinh tế rất cao.

Đối với cây hằng năm như cây lạc lợi nhuận 35 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 20 triệu đồng; cây vừng lợi nhuận 40 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 23 triệu đồng; cây ớt lợi nhuận 100 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 84 triệu đồng; cây rau lợi nhuận 88 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 72 triệu đồng; cây đậu lợi nhuận 27 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa 10 triệu đồng.

Đối với cây ăn quả lợi nhuận rất cao và đây là hướng chuyển đổi rất bền vững, ví như cây bưởi da xanh lợi nhuận 260 triệu đồng/ha; xoài Úc lợi nhuận 240 triệu đồng/ha; thanh long lợi nhuận 540 triệu đồng/ha...

Chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Ảnh: Kim Sơ.

Chuyển đổi đất lúa sang trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Ảnh: Kim Sơ.

Chuyển đổi đem lại hiệu quả cao như vậy nhưng tại một số địa phương người dân chỉ chuyển đổi khi thiếu nước tưới, còn khi đảm bảo nguồn nước thì người dân quay sang sản xuất lúa. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?

Thực tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo hướng hiệu quả kinh tế sử dụng đất và tránh rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp hiện nay, cụ thể: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa trên những mùa vụ thiếu nước tưới không có hiệu quả kinh tế và rủi ro thiệt hại khi thiếu nước tưới.

Luân canh cây trồng trong những mùa vụ mà cây trồng chuyển đổi có nhiều lợi thế so sánh trong sản xuất vào những thời điểm giá bán cao, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa như cây lạc, vừng, rau màu các loại…

Việc chuyển đổi qua lại trong sản xuất lúa và các cây trồng khác là phù hợp với mục tiêu chuyển đổi và thích ứng trong sản xuất trồng trọt hiện nay, góp phần điều tiết sản xuất và nông sản theo từng mùa vụ, chủ động và tăng khả năng tiêu thụ.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng những năm qua còn tình trạng mỗi tỉnh làm một kiểu, chưa tạo thành liên kết chuỗi giữa các vùng miền, thưa ông?

Thực tế mỗi địa phương đều hình thành cho mình các chích sách khuyến khích riêng biệt, kế hoạch và lộ trình chuyển đổi nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Mặt khác cây trồng chuyển đổi từng tỉnh lại tùy thuộc vào lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, khả năng thích ứng của loại cây trồng đó, có thị trường tiêu thụ ổn định và tập quán canh tác của người dân, bên cạnh đó còn do việc liên kết xây dựng vùng nguyên liệu của doanh nghiệp ở các địa phương.

Ngoài ra việc chưa hình thành liên kết chuỗi giữa các vùng miền là do việc đầu tư công nghệ chế biến của các doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa hình thành các vùng nguyên liệu tập trung giữa các tỉnh và thiếu chính sách liên kết giữa các vùng miền.

Chuyển đổi sang trồng măng tây xanh, cây trồng cho thu nhập rất cao. Ảnh: KS.

Chuyển đổi sang trồng măng tây xanh, cây trồng cho thu nhập rất cao. Ảnh: KS.

Để chuyển đổi bền vững, được người dân đồng thuận, theo ông Nhà nước và các địa phương cần có chính sách gì?

Thước đo của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nói riêng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung là hiệu quả kinh tế mang tính bền vững, do đó để chuyển đổi bền vững thì Nhà nước và các địa phương cần có chính sách hỗ trợ cho người nông dân về giống, kỹ thuật, kết nối bao tiêu sản phẩm đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp vào địa phương đầu tư về ưu đãi thuê đất, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng về giao thông, điện nước...

Nhà nước hỗ trợ chính sách về vốn vay và tín dụng cho việc phát triển các công nghệ chế biến sâu, các cây trồng có lợi thế so sánh của quốc gia đã gia tăng thị trường xuất nhập khẩu...

Ngoài ra để góp phần đánh giá đúng giá trị của chuyển đổi cơ cấu cây trồng các địa phương cần thống kê, tính toán sự đóng góp chi tiết, cụ thể của cây trồng chuyển đổi đã góp phần trong tăng trưởng của ngành trồng trọt trong từng mùa vụ và từng năm.

Xin cảm ơn ông!

Vụ hè thu tới đây dự báo tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ tình trạng khô hạn sẽ diễn ra trên diện rộng. Vậy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được Cục Trồng trọt chỉ đạo thế nào?

Trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa những năm qua của các địa phương đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và có những chuyển biến tích cực, đây là những tín hiệu tốt để các địa phương phát huy, đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng trong thời gian tới.

Đối với vụ hè thu dự báo tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới cho trồng lúa trên diện rộng thì việc chuyển đổi cần phải được tiếp tục quan tâm triển khai, thực hiện nhằm giảm áp lực về nước tưới đồng thời không bị bỏ hoang đồng ruộng.

Đối với các địa phương, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Lựa chọn các giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng vùng, khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng.

Kết nối và tổ chức mời gọi các doanh nghiệp tích cực tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm ổn định cho các hộ dân trong vùng chuyển đổi cây trồng.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.