Chiều ngày 12/11, Hội thảo "Định hướng chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, bền vững gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đã diễn ra tại Hà Nội đồng thời bằng hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam; Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26; nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26, cùng lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Trường thuộc Bộ; các chuyên gia, nhà khoa học…
Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định nông nghiệp thể hiện vai trò vô cùng to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, kể cả trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 hiện nay; đã góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững; năm 2020 sản lượng lúa gạo bình quân đầu người đạt 438,2 kg, cao hơn Thái Lan và gấp 3,5 lần Ấn Độ.
Nghị quyết 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành rất kịp thời, đi ngay vào cuộc sống, nhưng trong bối cảnh mới cả trong nước và quốc tế đòi hỏi cần tổng kết sâu sắc việc thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW; đồng thời đề xuất ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để định hướng sự phát triển của lĩnh vực này trong thời gian tới, giúp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nông nghiệp gắn chặt hơn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, gắn với đô thị hóa; hướng tới mục tiêu và xoay quanh ba trụ cột: Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), chia sẻ góc hiểu về khái niệm “chuyển đổi nông nghiệp” bằng việc trích dẫn quan điểm của ông Perter Timmer (Giáo sư Danh dự Đại học Harvard, nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn): "Chuyển đổi nông nghiệp là quá trình mà một hệ thống lương thực thực phẩm chuyển đổi từ tự cung tự cấp, canh tác nông nghiệp là chủ yếu sang hệ thống lương thực thực phẩm hàng hóa, năng suất cao hơn và kinh tế phi nông nghiệp là trọng tâm".
Trong thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam có mức tăng trưởng cao, đảm bảo tính ổn định nền kinh tế quốc gia. Nền nông nghiệp giúp đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, giữ ổn định mức sống dân cư và đảm bảo sự ổn định xã hội, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Khoa học - công nghệ (KHCN) ngày càng có nhiều đóng góp cho quá trình chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam. Nhờ áp dụng nhiều giải pháp canh tác, thay đổi cơ cấu giống cây trồng mà các sản phẩm nông - lâm - thủy sản đã có sự tăng trưởng vượt bậc về năng suất và sản lượng, vươn lên hàng đầu thế giới (lúa, cà phê, tiêu, điều nhân,...). Chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng được cải tiến thông qua áp dụng giống mới, các tiêu chuẩn kỹ thuật và cấp mã vùng trồng, vùng nuôi cho các vùng sản xuất trọng điểm.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam vẫn còn một số hạn chế. Nền nông nghiệp tuy đã bước vào giai đoạn “công nghiệp hóa, đô thị hóa” nhưng tốc độ chuyển đổi tương đối chậm. Nền tảng phát triển nông nghiệp chưa vững chắc, thể hiện ở việc sản xuất chưa bền vững, tăng trưởng còn dựa vào việc thâm hụt đầu vào tài nguyên, rủi ro cao, còn phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài.
Hệ thống nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và công tác đào tạo còn yếu, công nghệ còn phụ thuộc nguồn ngoài, thiếu nhà khoa học đầu ngành. Thị trường bị phụ thuộc vào các nước nhập khẩu dẫn đến thiếu chủ động trong thương mại quốc tế.
Chuyển đổi lao động chưa gắn với chất lượng. Xu hướng chuyển đổi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã kéo theo tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm, trong khi đào tạo lao động nông thôn chưa đáp ứng được xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này dẫn đến thực trạng di cư lao động đang hút đi nguồn lực thể chất và chất xám ra khỏi khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Hơn nữa, bản thân tiến trình chuyển đổi chưa gắn chặt với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này được thể hiện ở việc chất lượng lao động chuyển đổi chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nguyên liệu cho chế biến chưa được tổ chức tốt, quy mô sản xuất nhỏ lẻ; chênh lệch giữa nông nghiệp và phi nông nghiệp còn cao, chưa tạo tiết kiệm cho thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Mặt khác, công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp (cơ khí, đầu vào) còn kém phát triển. Khâu bảo quản, sơ chế, hậu cần chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Khoa học công nghệ 4.0 mới chập chững những bước đầu, thương mại điện tử cũng chưa phát triển mạnh.
Trong bối cảnh mới song hành thách thức và cơ hội, TS. Trần Công Thắng cho rằng chuyển đổi nông nghiệp cần gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với hai trọng tâm: hiện đại và bền vững.
Một nền nông nghiệp hiện đại cần theo hướng kết hợp hợp lý, hài hòa và liên tục củng cố các yếu tố cấu thành nền nông nghiệp, phù hợp với các xu hướng chuyển đổi nông nghiệp và tiến trình phát triển nền kinh tế quốc gia.
Nông nghiệp “hiện đại” lấy tổ chức lại sản xuất, đặc biệt là phát triển kinh tế hợp tác là nền tảng, lấy áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và phù hợp và gia tăng hàm lượng tri thức trong các sản phẩm nông sản làm động lực cho quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp quốc gia.
Đáp ứng nhu cầu thị trường được xem là mục tiêu của quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Theo đó, cần đánh giá các tiềm năng và định hướng phát triển để kết hợp hài hòa giữa phát triển thị trường xuất khẩu với phát triển thị trường nội địa.
Phát triển nông nghiệp bền vững đặt trọng tâm là nông nghiệp sinh thái theo cách tiếp cận tổng hợp, áp dụng đồng thời các nguyên tắc đảm bảo lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường nhằm tối ưu hóa quan hệ giữa cây trồng - vật nuôi - con người - môi trường.
Phát triển nông nghiệp sinh thái cần đa dạng kết hợp khoa học hiện đại với kiến thức truyền thống bản địa, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy các giá trị văn hóa bản địa nâng cao giá trị nông sản qua đó nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng quan hệ cộng đồng, đảm bảo công bằng xã hội ở nông thôn.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Cao Đức Phát cho rằng xu thế của thời đại là kinh tế phát triển bao trùm tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đảng ta đã có chủ trương thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chủ trương và chính sách phát triển như một đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong giai đoạn “lồng ghép nông nghiệp vào nền kinh tế vĩ mô”, một số giải pháp chính bao gồm:
Tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số; chuyển từ nền nông nghiệp với sản lượng cao sang nền nông nghiệp hiệu quả, giá trị cao; xây dựng các vùng sản xuất (chuyên canh lúa, rau hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, rừng sản xuất....) an toàn dịch bệnh, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đạt chứng nhận sản xuất bền vững (VietGAP, GlobalGAP...); phát triển công nghiệp, dịch vụ tại nông thôn gắn với đào tạo lao động nông nghiệp nông thôn; tập trung phát triển thị trường đất nông nghiệp để tích tụ sản xuất, tăng quy mô thúc đẩy cơ giới hóa trong các khâu và chuỗi sản xuất;
Hoàn thiện hệ thống chính sách: đất đai, đầu tư, thu hút doanh nghiệp, khoa học công nghệ, tăng đầu tư công cho nông nghiệp. Tăng cường kết nối về mặt không gian giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và giữa nông thôn với phát triển đô thị.