| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi số nông nghiệp cần làm căn cơ, bài bản

Thứ Tư 04/05/2022 , 18:50 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng chuyển đổi số nông nghiệp có những nét đặc thù, đòi hỏi cách làm bài bản, căn cơ theo đúng lộ trình.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT ngày 4/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT ngày 4/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Chiều 4/5, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT họp bàn Dự thảo Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo làm rõ các vấn đề liên quan tới thực trạng ngành trong dự thảo. Ông nhấn mạnh, những đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT phải tự xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số, trước khi báo cáo Văn phòng Bộ tổng hợp để trình Thủ tướng trong quý II/2022.

Bên cạnh kinh nghiệm thực tiễn, sẵn có, lãnh đạo Bộ NN-PTNT còn gợi mở thành viên Ban chỉ đạo tham khảo về trình tự, thủ tục xây dựng lộ trình chuyển đổi số của quốc tế, nhất là các nước phát triển, từ đó xây dựng bài học cho Việt Nam.

"Để đề án chuyển đổi số sớm đi vào thực tiễn, chúng ta cần dựa vào cơ sở pháp lý, đồng thời làm rõ mục tiêu, tầm nhìn của đề án, và nêu bật được vai trò trụ đỡ nền kinh tế của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay", Thứ trưởng nói.

Trước đó, vào ngày 14/3/2022, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ NN-PTNT đã tham mưu, trình Thứ trưởng Phùng Đức Tiến về việc thành lập Tổ soạn thảo xây dựng đề án. Ngày 7/4, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi văn bản số 2133/BNN-VP đến Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn.

Đến ngày 29/4, 62/63 Sở NN-PTNT gửi tham vấn xây dựng đề án; 40/63 tỉnh, thành phố cung cấp thông tin khảo sát, phục vụ xây dựng đề án.

Dự kiến trong tháng 5/2022, Tổ soạn thảo sẽ hoàn thành lấy ý kiến địa phương về dự thảo. Sang tháng 6, Tổ sẽ lấy ý kiến các Bộ, ban, ngành, Ủy ban liên quan của Quốc hội, trước khi hoàn thiện tờ trình, báo cáo thuyết minh đề án để trình Thủ tướng.

Dựa trên 3 nội dung chính về chuyển đổi số, là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đề án đặt ra một số mục tiêu trọng tâm đến năm 2025. Về phát triển Chính phủ số: 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính; 100% hoạt động chỉ đạo điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan ngành nông nghiệp được thực hiện trên nền tảng tổng thể, thống nhất; 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; 50% hoạt động giám sát, kiểm tra được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Về phát triển kinh tế số: đưa ngành nông nghiệp vào tốp 10 nhóm ngành dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh. Về phát triển xã hội số: trên 50% nông dân được hỗ trợ tiếp cận với công nghệ, cũng như hệ sinh thái nông nghiệp số; trên 70% làng nghề truyền thống, 70% doanh nghiệp, HTX, kinh tế hộ được tập huấn, hỗ trợ.

Mục tiêu của đề án đến năm 2030, là 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến đạt 90%; tích hợp tối thiểu 70% các dịch vụ công trực tuyến với cổng dịch vụ công quốc gia; 100% người dân và doanh nghiệp hài lòng với giải quyết thủ tục hành chính; tỷ trọng kinh tế số nông nghiệp trung bình đạt tối thiểu 20%.

Tại cuộc họp chiều 4/5, 17 ý kiến tham luận được nêu ra. Trong đó, đa phần cho rằng ngành nông nghiệp đã có những tiềm năng sẵn có về chuyển đổi số như mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi, chuỗi liên kết giá trị, công tác dự tính, dự báo về sâu hại, cháy rừng... hay liên kết theo chuỗi giá trị với HTX, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thành viên Ban chỉ đạo cũng chỉ rõ vấn đề trùng hợp, chồng chéo trong công tác thống kê, chỉ đạo, điều hành giữa các đơn vị chuyên môn. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, bảo mật an ninh mạng. Ngoài ra, ông nhấn mạnh quá trình chuyển đổi số phải đi từ cơ sở hạ tầng, phát triển vùng nguyên liệu, trước khi tính đến chế biến, logictics. "Chuyển đổi số ngành nông nghiệp có nét đặc thù. Thực tế ấy đòi hỏi cách làm căn cơ, bài bản, theo từng bước nhỏ và bám sát khung đề án", Thứ trưởng bày tỏ.

Xem thêm
Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.