Để cụ thể hóa nhiệm vụ chuyển đổi số, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cá nhân xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, đăng ký mã số vùng trồng.
Việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng; quản lý diện tích trồng; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc; báo cáo danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng; ước lượng năng suất…
Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Là một trong những đơn vị hiếm hoi xuất khẩu chè ổn định sang thị trường châu Âu, ông Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) nhấn mạnh, mã số vùng trồng chính là "tấm hộ chiếu” đưa chè Khe Cốc vươn ra thị trường quốc tế.
Hiện nay HTX Chè an toàn Khe Cốc có 40ha chè được cấp mã số vùng trồng, trong đó 20ha đã đạt chứng nhận hữu cơ, dự kiến 20ha còn lại sẽ đạt chứng nhận hữu cơ vào đầu năm 2025. Với diện tích được cấp mã số vùng trồng lớn, ông Khiêm đặc biệt lưu tâm tới việc quản lý và giám sát vùng trồng.
“Mã vùng trồng giúp sản phẩm trà Thái Nguyên được các nước chấp nhận và tạo thuận lợi thông quan. Tuy nhiên nếu thiếu minh bạch, vi phạm quy định, gian dối…, sản phẩm sẽ bị tuýt còi, thậm chí mất thị trường và bị đưa vào danh sách đen”, ông Khiêm chia sẻ.
Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc khẳng định, mã vùng trồng là sự đảm bảo minh bạch về sản lượng: “40ha được cấp mã vùng trồng, nhà nhập khẩu sẽ lấy đó làm căn cứ cho năng lực sản xuất và sản lượng HTX có thể cung ứng. Chúng tôi không thể gian dối sản lượng vượt năng suất từ 40ha đã được cấp mã”.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 51 mã số vùng trồng, trong đó có 26 mã số vùng trồng trên cây chè. Hàng năm, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh tiến hành lập kế hoạch giám sát mã số vùng trồng đã cấp theo đúng hướng dẫn và quy định của Bộ NN-PTNT.
Thay vì phải trực tiếp xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn mất nhiều thời gian, việc giao tiếp qua các ứng dụng số đã số thu hẹp khoảng cách giữa cơ quan quản lý và cơ sở, việc truyền tải thông tin, tài liệu, những quy định liên quan đến mã số vùng trồng chi tiết và chính xác hơn.
Dữ liệu về mã số vùng trồng được cập nhật trên ứng dụng số với các thông tin về định vị vùng trồng trên bản đồ, chi tiết về diện tích của các hộ dân tham gia. Các vùng trồng muốn đăng ký cấp mã số hiện nay có thể đăng ký trên hệ thống thông qua Cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt trên trang web https://csdltrongtrot.mard.gov.vn.
Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến lĩnh vực phụ trách bằng việc thay đổi thói quen ghi chép nhật ký canh tác sang ghi nhật ký trên thiết bị điện tử.
Việc cơ sở được cấp mã số vùng trồng sử dụng các tài khoàn vùng trồng, sử dụng nhật ký đồng ruộng Fardiary đã giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc theo dõi và giám sát định kỳ.
Để tăng năng lực chuyển đổi số trong lĩnh vực trồng trọt và BVTV, ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm cả cán bộ và nông dân.
“Hiện nay máy tính của đơn vị đều được trang bị từ lâu, niên hạn sử dụng từ 5 - 10 năm, cấu hình thấp. Vì vậy, việc lưu các dữ liệu phần mềm trên máy tính ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của máy, do dung lượng bộ nhớ đầy, máy chạy chậm nên xử lý dữ liệu chưa nhanh.
Vì vậy thời gian tới cần tập trung trang bị máy tính, đặc biệt là máy tính đặc thù cho cán bộ làm công tác chuyển đổi số, xử lý thủ tục hành chính. Rất cần tăng cường bảo mật an ninh trên hệ thống thông tin của đơn vị tránh bị nhiễm các mã độc”, ông Nguyễn Tá kiến nghị.