Những công dân Việt Nam ở khu cách ly của Trung đoàn 123, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh. |
May mắn
Một tay bế con nhỏ, một tay bấm điện thoại, Đinh Thị Hoa, quê Thanh Hóa, bảo chị thấy rất yên tâm trong những ngày ở doanh trại của Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn.
Hai mẹ con Hoa nằm trong số 410 công dân Việt Nam đang phải cách ly tối thiểu 14 ngày tại doanh trại. Đêm mùng 4, rạng sáng 5/2, Hoa bế con đi cùng một nhóm người vượt biên từ Trung Quốc về Việt Nam. Trời tối, phải trèo đèo lội suối. Hoa vì mang theo con nhỏ nên bị tụt lại khỏi đoàn người.
Chị mò mẫm đi. Dựa theo lối mòn và dấu giày của mọi nguời, Hoa tìm được ra đường cái. “Lúc ấy cũng đỡ sợ vì đoán là đang ở Việt Nam rồi. Nhưng mà chả có ai xung quanh. Tôi thấy có chiếc ô tô màu sẫm đi qua thì vẫy, hy vọng họ cứu giúp”, Hoa kể.
May cho Hoa, trên chiếc xe ấy là hai cán bộ biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ Tư lệnh Biên phòng tỉnh Lạng Sơn. Bộ đội biên phòng sau đó bàn giao Hoa và con gái cho Trung đoàn 123.
“Cơm ăn ngày ba bữa, cũng chưa bị truy vấn gì về việc vượt biên. Các chú bộ đội còn ưu tiên cho hai mẹ con cả máy sưởi nữa, mấy ngày nay Lạng Sơn mưa lạnh quá”, Hoa kể.
Có lẽ do chuyện vượt biên, làm ăn lậu, nên Hoa có vẻ không muốn kể nhiều về bản thân. Chị bảo sang đó làm công nhân ở một xưởng sản xuất dây điện thoại, được bao ăn ở, mỗi tháng lương được 2.000 Nhân dân tệ (1 Nhân dân tệ = 3.400 đồng).
Nhóm của Hoa ở đó có chừng 8 người Việt, tất cả đều “làm chui”, hầu như không dám ra ngoài xưởng quá xa. Họ chỉ biết vài câu tiếng phổ thông đơn giản, dăm ba câu tiếng Pạc Và (phương ngữ được dùng ở Quảng Đông, Quảng Tây và Hong Kong). Sợ con nhiễm bệnh, cuộc sống ở Trung Quốc cũng đảo lộn do nCoV, nên Hoa tìm cách về.
Ngày 8/2, các cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn xuống Trung đoàn 123, mệnh lệnh ngắn gọn: Ưu tiên tối đa cho công dân, trang bị thêm máy sấy quần áo, đặc biệt các gia đình có con nhỏ. Lưu ý hệ thống điện có thể bị quá tải.
Các bác sỹ thăm khám, đo nhiệt độ cho công dân nữ tại Trung đoàn 123. Ảnh: Tùng Đinh. |
Doanh trại của trung đoàn hiện có 12 cháu nhỏ của 10 gia đình. Các mẹ và bé được ở chung với nhau. Phòng đông nhất chừng 4 mẹ và 5 bé.
Việc phân chia người không hề đơn giản với các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123. Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trung đoàn trưởng, cho biết: “Ngày 3/2 chúng tôi bắt đầu tiếp nhận công dân. Đến ngày 6/2 có tổng cộng 410 người, trong đó 232 nữ và 178 nam”.
Công dân Việt Nam được chia ra ở theo từng đợt tiếp nhận, tránh nguy cơ lây lan chéo. Trường hợp chị Hoa được coi là khá hiếm ở doanh trại, bởi đa phần những người chúng tôi gặp, đều nói họ “bất ngờ vì không nghĩ về đến Việt Nam lại phải cách ly”.
Nhiều phụ nữ có con nhỏ không muốn tiếp xúc với báo chí, che mặt hoặc lập tức đeo khẩu trang khi thấy ống kính phóng viên. Dù được cán bộ trung đoàn động viên, song họ không muốn lên mặt báo. Có người bảo: “Lấy chồng Trung Quốc, không thích lên báo”.
Người khác lại nói: “Gia đình em quen biết nhiều lắm, chị em là diễn viên nổi tiếng”. Cô gái này chỉ bảo thêm rằng “nhà ở Hai Bà Trưng, Hà Nội”, rồi chạy vụt vào phòng, đóng cửa.
Dang dở
“Thực ra em nghĩ không ai thích, nhưng vì an toàn cho bản thân, cho gia đình và mọi người thì nên chấp hành, hết thời gian cách ly rồi về nhà. Em chỉ lo việc học hành sẽ dang dở, chưa biết khi nào trường học ở Trung Quốc nhận trở lại”, Nguyễn Chí Công, 23 tuổi, nhà tại Hà Nội, kể.
Khu vực cách ly dành cho nam giới tại Trung đoàn 123. Ảnh: Tùng Đinh. |
Công đang là nghiên cứu sinh ngành Triết học, Đại học Tây An, Trung Quốc. Cuộc sống của Công và các bạn học “ngột ngạt” hơn so với trước thời nCoV bùng phát. “Nhà trường tách các lưu học sinh ra từng nhóm 5 - 7 người. Mỗi ngày, chỉ một người trong nhóm được ra ngoài để mua sắm vật dụng cần thiết”, Công nói.
Qua mạng xã hội, Công được biết nhiều trường ở Trung Quốc cũng đang áp dụng cách này. Một số trường thậm chí không cho phép sinh viên hay lưu học sinh, nghiên cứu sinh ra khỏi khuôn viên.
“Đa phần trường cấp cao đẳng, học viện, đại học ở Trung Quốc đều có đủ căng tin, siêu thị mini bán đồ gia dụng, bể bơi, sân tập thể thao. Rộng lắm, thực ra nếu chỉ học kiến thức sách vở thì không cần phải ra khỏi trường. Chỉ có điều là tâm lý thấy hơi không thích vì không được ra ngoài thôi”, Công nói.
Thành phố Tây An hiện tại vắng vẻ khác thường. Tại các khu chung cư, mỗi gia đình chỉ được 1 người ra đường mua sắm mỗi ngày. Tình hình tương tự cũng diễn ra tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây, nơi các lưu học sinh Việt Nam trên khắp Trung Quốc thường dừng chân trước khi đi tiếp đến cửa khẩu Hữu Nghị Quan ở thành phố Bằng Tường, từ đó nhập cảnh về nước.
Năm 2003, khi đại dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc, cảnh tượng cũng diễn ra tương tự. Khi ấy, Trung Quốc yêu cầu lưu học sinh về nước. Hiện tại, chưa trường hợp lưu học sinh Việt Nam nào được yêu cầu như thế, song cảnh quản lý chặt chẽ phần nào khiến nhiều người không thể yên tâm học hành.
Nỗi nhớ
“Nhớ lắm chứ”, Thiếu tá Nguyễn Công Hạnh, bác sỹ - Chủ nhiệm quân y Trung đoàn 123, cho biết khi được hỏi về gia đình. Chịu trách nhiệm chính cho hơn 400 con người trong khu cách ly, trong khi vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ kiểm tra, thăm khám cho cán bộ, chiến sĩ, sự bận rộn khiến anh Hạnh chỉ có thể tranh thủ vài phút mỗi tối gọi điện thăm hỏi vợ con.
“Vợ tôi vẫn dặn dò thường xuyên về bảo đảm sức khỏe. Tối nào con gái 6 tuổi cũng đòi video chat qua zalo với ba, dặn ba nhớ rửa tay, đeo khẩu trang, rồi hỏi khi nào ba về”, anh Hạnh nói. Người đàn ông 48 tuổi thoáng nghẹn giọng, mắt đỏ hoe khi nhắc đến cô con út đã gần 1 tuần chưa được ở gần.
Anh Hạnh bảo vì là người lính, nên khi Tổ quốc cần, khi đơn vị có lệnh, anh không ngại ngần bất cứ điều gì. “Tôi cũng thương vợ con lắm chứ. Tôi cũng như các anh em khác trong đơn vị không thể về nhà, trong ít nhất 28 ngày nữa. Mọi việc của đàn ông trong nhà dồn xuống vai vợ tôi cả. Nhưng tôi biết vợ tôi sẽ xoay sở được, và chia sẻ với tôi”, anh Hạnh nói.
Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Có thể thấy rõ điều này ở Trung đoàn 123. Trời Lạng Sơn lạnh tê tái, mưa phùn càng khiến không khí thêm giá buốt. Thi thoảng mới thấy một hai người đàn ông ở khu cách ly ra ngoài, rồi lại quay vào phòng. Trong khi đó, các chiến sỹ đi lại khắp nơi, mỗi người mỗi việc. Từ việc nhỏ như nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, dọn dẹp lá cây, nhặt tàn thuốc do người dân vứt ra, hay cơm nước, giặt giũ... mọi thứ diễn ra tăm tắp.
Với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123, cái lạnh, sự vất vả dường như không thể gây chút ảnh hưởng nào đến nhiệm vụ của họ. Chỉ có nỗi nhớ người thân như thiếu tá Hạnh là có thể khiến ai đó rơi vào chút buồn nhớ lúc tối muộn.
Điều ngại ngần nhất với cán bộ, chiến sĩ là việc đi mua sắm. Không ít phụ nữ khi vào khu cách ly, do bất ngờ nên không mang được nhiều tư trang. Chiến sĩ trung đoàn 123 thậm chí phải đi mua cả quần lót, băng vệ sinh mang về. Tình huống hy hữu. Nhiều chiến sĩ kể lại chuyện mua đồ, mặt vẫn đỏ bừng.
Một số người có gia đình ở gần, được tiếp tế thêm quần áo, bánh kẹo. Đồ đạc chỉ có thể gửi cảnh vệ ngoài cổng, không ai được phép ra vào doanh trại trừ khi có lệnh của chỉ huy. Mọi thứ đều được các chiến sĩ kiểm tra chặt chẽ trước khi mang vào.
Những chai thuốc hết hạn
Tại trạm biên phòng Hữu Nghị, các chai nước sát trùng được đặt ở nhiều vị trí dễ thấy, tiện cho các chiến sĩ. Tuy nhiên, khi đến gần mới thấy, nhiều chai đã hết hạn từ tháng 6/2016.
Thượng úy Nguyễn Anh Tú, cán bộ trạm biên phòng Hữu Nghị, cười bảo: “Thôi thì nó cũng là cồn, sát trùng cho yên tâm. Hoàn cảnh này không biết làm thế nào các anh ạ”.
Vừa trở về từ chốt cơ động tại các đường mòn, lối mở, Tú lập tức lao vào công việc mới, sắp xếp khẩu trang cho vào thùng carton, rồi đưa sang cho phía biên phòng nước bạn.
“Hiện khẩu trang ở trạm còn đủ cho anh em dùng 1 tuần nữa. Thiếu thốn, nhưng chỉ huy Đồn biên phòng Hữu Nghị vẫn chỉ đạo cho cán bộ, chiến sĩ viện trợ khẩu trang cho biên phòng nước bạn. Khi nước bạn gặp khó khăn, Việt Nam luôn cho thấy tinh thần tương trợ. Nhận được khẩu trang, chỉ huy biên phòng bên đó bảo là tất cả đều rất vui mừng, cảm ơn biên phòng Việt Nam”, Tú nói.
Chai nước sát khuẩn đã hết hạn từ năm 2016, vẫn đang được chiến sĩ Trạm biên phòng Hữu Nghị dùng tạm, sau khi đi xin của ngành kiểm dịch. Ảnh: Văn Việt. |
Một số doanh nghiệp ở Lạng Sơn biết chuyện thiếu thốn của lính biên phòng, tài trợ một số thùng khẩu trang, song vẫn không đủ. Tú vừa dứt câu chuyện với chúng tôi, đã thấy chỉ huy Đồn biên phòng rồi chỉ huy Trạm biên phòng Hữu Nghị gọi hỏi “còn khẩu trang không đưa cho anh em đi tuần tra”.
Khẩu trang có thể xoay sở đôi chút, nhưng nước sát khuẩn để rửa tay, thì cả đồn lẫn trạm vẫn đang phải dùng đồ quá hạn vài năm. “Bên kiểm dịch bỏ đi, bọn em đi xin về dùng tạm”, Tú kể.
“Biết thế này, cho bao tiền cũng không đi”
Buồn nhất trong số những người phải cách ly, có lẽ là cánh tài xế chạy đường dài đang phải nằm tại nhà nghỉ của bến xe Xuân Cương, gần cửa khẩu Hữu Nghị. Đây là khu cách ly tạm thời cho riêng các tài xế, sau khi đã xuất hàng sang Trung Quốc trở về. Phan Đình Sơn, quê An Giang, buồn bã nói “mong từng ngày được về”.
Sơn ở đây đã vài ngày. Phòng 4 người, giá 300.000 đồng/ngày đêm. Đồ ăn phải gọi từ Đồng Đăng lên, bữa sáng rẻ nhất cũng 50.000 đồng/suất. Mỗi tài xế tốn ít nhất 170.000 đồng/ngày cho tiền ăn.
“Làm đủ công một tháng thì thu nhập tài xế cỡ 20 triệu, giờ nghỉ nửa tháng thế này chỉ sợ không có tiền cho con ăn học. Chưa kể tụi tui còn đang mất tiền ăn hàng ngày, rồi tiền phòng. Chủ hàng có trả hay không thì chưa biết, chỉ biết đến hôm nay tui vẫn bỏ tiền túi ra”, Sơn nói. Tài xế này lắc đầu quầy quậy, quả quyết nếu biết trước thế này thì “cho bao nhiêu tiền cũng không đi”.
Thân Viết Long, một tài xế khác, thì lại nói “cho về cũng vẫn xin ở lại” vì sợ về nhà lây nhiễm cho vợ con. Long bảo hơn chục năm trong nghề, vẫn biết cảnh ôm vô lăng là “nhiều nghiệt ngã, đủ thứ rình rập”, nhưng dịch bệnh thế này khiến anh thực sự lo buồn.
Hiện bến Xuân Cương đang hỗ trợ tài xế bằng cách đỗ xe 14 ngày cũng chỉ tính tiền một ngày, vào khoảng 200.000 đến 400.000 mỗi xe, tùy tải trọng. Đại diện bến Xuân Cương ước tính việc phải trưng dụng nhà nghỉ, lo điện nước, giảm giá bến bãi, đã khiến doanh nghiệp thiệt hại gần 10 tỷ đồng.
Tại bến Bảo Nguyên, hướng đi Tân Thanh, đại diện doanh nghiệp cho biết hiện còn hơn 200 xe nông sản đang nằm chờ thông quan. “Điện nước, bảo vệ, rồi trợ giúp anh em tài xế ăn uống đợt tết, chúng tôi mất gần 6 tỷ đồng rồi. Nợ ngân hàng thì đương nhiên chẳng vì thế mà giảm bớt”, đại diện bến Bảo Nguyên nói với giọng buồn bã.
Không có chuyện người nhiễm nCoV tại khu cách ly ở Lạng Sơn “Cho đến ngày 9/2, sức khỏe của 410 công dân Việt Nam đang cách ly tại doanh trại chúng tôi vẫn hoàn toàn bình thường. Thông tin có người nhiễm nCoV tại đây là hoàn toàn sai sự thật”, Thượng tá Nguyễn Văn Quyền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, cho biết. Hiện Lạng Sơn bố trí 3 điểm cách ly. Điểm thứ nhất tại doanh trại Trung đoàn 123, điểm thứ hai tại trường quân sự tỉnh, điểm thứ ba tại một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 123. Ba khu vực này dự kiến sức chứa tối đa 1.500 người. |