| Hotline: 0983.970.780

Chuyên gia dinh dưỡng: Không nhất thiết phải ăn nhiều thịt lợn

Thứ Hai 22/06/2020 , 15:17 (GMT+7)

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) nhấn mạnh, đa dạng hóa thực phẩm bữa ăn là cách tốt nhất nâng cao sức khỏe người Việt.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong buổi tọa đàm 'Đa dạng cơ cấu thực phẩm hậu Covid-19' do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: Nhật Quang.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong buổi tọa đàm "Đa dạng cơ cấu thực phẩm hậu Covid-19" do Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện. Ảnh: Nhật Quang.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng, bữa ăn truyền thống của người Việt Nam trong quá khứ thực ra chỉ có cơm, rau, cá, tôm, đậu, đỗ, thỉnh thoảng giỗ, tết mới có thịt gà, chứ không nhiều thịt lợn như hiện nay.

Các cuộc tổng điều tra dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, từ những năm 80 trở lại đây, thói quen tiêu thụ thịt, nhất là thịt lợn của người Việt Nam bắt đầu gia tăng mạnh. Cuộc tổng điều tra gần đây nhất, thịt lợn đứng đầu, chiếm khoảng 85g/đầu người/ngày; cá, hải sản khoảng 50g.

Kết quả thống kê cho thấy, khẩu phần ăn của người Việt Nam qua các thời kỳ năng lượng chưa tăng, song biến thiên thịt tăng nhiều.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm chia sẻ, Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông dinh dưỡng và cân đối lại các loại thịt cũng như thủy hải sản, đậu phụ, đậu đỗ trong bữa ăn, qua đó góp phần phòng chống bệnh tật tốt hơn.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên ăn đa dạng hóa thực phẩm. Ảnh: Nguyên Huân.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên ăn đa dạng hóa thực phẩm. Ảnh: Nguyên Huân.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, nên ăn đa dạng thực phẩm, càng đa dạng càng tốt.

Ví dụ, một ngày mỗi người nên ăn 15 - 20 loại thực phẩm khác nhau, mỗi thứ một chút cơ thể sẽ đầy đủ, cân đối các chất dinh dưỡng.

Thực ra, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, thịt gà, thịt gia cầm hay còn gọi là nhóm thịt trắng có ưu điểm là cùng cung cấp đạm, chất béo, nhưng chất béo trong gia cầm tốt hơn chất béo từ thịt lợn vì chứa nhiều omega3 hơn, song lại ít cholesterol hơn.

Các vi chất trong thịt gia cầm cũng cung cấp rất tốt cho sức khỏe con người, như sắt, kẽm, các vitamin nhóm B hay vitamin B9, axit folic cũng có nhiều trong gia cầm.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm lưu ý, cá, bò, ngan, vịt, gà hay thịt lợn đều là nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm cho con người. Vậy, nếu thịt lợn quá đắt chúng ta ăn thịt bò, gà, vịt… cũng đều cung cấp lượng đạm giống nhau cả.

Ví dụ, 100g thịt lợn nạc cho 18g chất đạm thì 100g thịt gà cũng cho 18g chất đạm, bò cũng xung quanh khoảng 18g đạm/100g thịt, cá từ 13 - 16g đạm/100g thịt tùy theo loại cá nạc hay mỡ.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, càng đa dạng thực phẩm càng tốt và chúng ta không nhất thiết phải ăn nhiều thịt lợn.

Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi lợn đang gặp nhiều khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi, các gia đình chuyển sang ăn nhiều thịt gà, thịt ngan, thịt vịt, cá tôm, hải sản, trứng, sữa sẽ rất tốt cho sức khỏe và tốt cho cả nền chăn nuôi bền vững sau này.

Người dân Việt Nam nên tăng cường thêm thịt gà, vịt, trứng, sữa, rau củ quả, đậu, đỗ trong cơ cấu bữa ăn để tốt cho sức khỏe. Ảnh: Nguyên Huân.

Người dân Việt Nam nên tăng cường thêm thịt gà, vịt, trứng, sữa, rau củ quả, đậu, đỗ trong cơ cấu bữa ăn để tốt cho sức khỏe. Ảnh: Nguyên Huân.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm lấy ví dụ, Nhật Bản hiện là nước tiêu thụ rất ít thịt, hiện nay trung bình thực phẩm đầu người của Nhật là 300g cá/người/ngày, đậu phụ hơn 100g/người/ngày, thịt chỉ có 63g/người/ngày, thịt là đa dạng các loại thịt chứ không phải chỉ thịt lợn.

Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nhìn người Mỹ, Úc họ ăn nhiều thịt bò nên da họ hồng hào, họ không bị thiếu máu. Trong khi người việt Nam ăn thịt lợn nhiều lại thiếu máu, không kể còn bị mỡ máu cao.

“Tôi nghĩ rằng ngành nông nghiệp nên mạnh dạn giảm chăn nuôi lợn, chuyển bớt sang gia cầm hoặc thủy hải sản sẽ rất tốt theo xu hướng thực phẩm lành mạnh của thế giới. Không nhất thiết phải thường xuyên ăn nhiều thịt lợn.

Thịt lợn một tuần cũng chỉ nên ăn một hai bữa, còn đâu nên ăn đa dạng thêm thịt bò, thịt ngan, gà, vịt, thủy hải sản, trứng, đậu phụ, rau củ quả là tốt nhất cho sức khỏe”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), hiện thịt lợn đang chiếm khoảng 65 - 70% trong rổ thực phẩm của Việt Nam, thịt gia cầm chiếm 20 - 25%, thịt bò khoảng 6 - 7%, còn lại là thủy hải sản.

Trên thế giới, hiện chỉ có Trung Quốc là có cơ cấu thịt lợn trong rổ thực phẩm cao hơn Việt Nam, còn lại hầu hết các nước phát triển đều có tỷ lệ thực phẩm các khá cân đối, trong đó thịt gà 30 - 35%, thịt lợn 25 - 30%, thịt bò 25 - 30%, còn lại là thủy hải sản.

Xem thêm
Sàng lọc ung thư thực quản bằng bọt biển

Trong vòng 3 năm tới, những người bị ợ nóng sẽ được xét nghiệm lâm sàng ung thư thực quản thông qua một xét nghiệm kéo dài khoảng 10 phút.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Gợi ý những món canh giàu dinh dưỡng tốt cho người tiểu đường

Chế độ dinh dưỡng có vai trò và tác động rất lớn đối với sức khỏe của người bị tiểu đường.

9 tác dụng bất ngờ của trà gừng đối với sức khỏe

Trà gừng là thức uống quen thuộc trong đời sống, đặc biệt được nữ giới ưa chuộng. Không chỉ giúp làm ấm cơ thể, trà gừng còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.