| Hotline: 0983.970.780

Thay an ninh lương thực bằng an ninh dinh dưỡng

Thứ Hai 30/03/2020 , 09:20 (GMT+7)

An ninh lương thực lại đang nóng lên trong bối cảnh dịch Covid-19. NNVN đã trao đổi với PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về nông nghiệp, nông thôn, quanh vấn đề này.

PGS.TS Vũ Trọng Khải. Ảnh: Thanh Sơn.

PGS.TS Vũ Trọng Khải. Ảnh: Thanh Sơn.

Thưa ông, xin bắt đầu buổi trò chuyện bằng một vấn đề nóng liên quan tới lúa gạo trong tuần qua là quyết định tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan với các lô hàng gạo xuất khẩu kể từ 0 giờ ngày 24/3. Hay có thể nói đây là quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo với các lô hàng đăng ký hải quan kể từ 0 giờ ngày 24/3.

Quyết định trên do Tổng cục Hải quan ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước.

Sau đó, trước đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc tiếp tục cho xuất khẩu gạo bình thường, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để rà soát, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo, đồng thời yêu cầu vẫn tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới trong khi chờ báo cáo của Đoàn kiểm tra nói trên. Ông bình luận về sự kiện này như thế nào?

Bất kỳ một quyết định hành chính nào, về mặt quy trình, trước khi ban hành, cần phải tham khảo các đối tượng bị tác động xem họ sẽ bị ảnh hưởng ra sao.

Trong việc tạm dừng xuất khẩu gạo vừa qua, lẽ ra trước đó các cơ quan liên quan phải hỏi nông dân trồng lúa, doanh nghiệp xuất khẩu gạo, xem họ bị ảnh hưởng như thế nào nếu tạm dừng xuất khẩu.

Đằng này, văn bản của Tổng cục Hải quan ký ngày 23/3, đến 0 giờ ngày 24/3 đã có hiệu lực, thì cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều không kịp trở tay.

Những doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng xuất khẩu, gạo đang chất lên tàu để đưa ra cửa khẩu, giờ bị dừng thì thiệt hại rất lớn cho họ. Nông dân thì hẫng hụt vì quyết định đó chắc chắn sẽ làm giảm mạnh giá lúa.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long, từ bao lâu nay, cứ thu hoạch xong là phải bán lúa ngay tại ruộng, bất kể giá lúa đang cao hay thấp, đang tăng hay giảm, vì họ không có điều kiện phơi sấy, tích trữ trong nhà.

Gặt xong, nông dân miền Tây thường bán lúa luôn tại ruộng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Gặt xong, nông dân miền Tây thường bán lúa luôn tại ruộng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mặt khác, phải bán lúa ngay để có tiền trả nợ cho các đại lý phân bón, thuốc trừ sâu. Do đó, để tránh thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp, khi ban hành quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo, phải có thời gian để nông dân, doanh nghiệp tránh được thiệt hại trước khi quyết định có hiệu lực.

Giả sử trong tình huống khẩn cấp, việc xuất khẩu gạo phải dừng lại ngay lập tức, thì Chính phủ phải mua lại số gạo mà doanh nghiệp không thể giao cho khách hàng nước ngoài.

Đồng thời phải hỗ trợ phần thiệt hại cho nông dân do giá lúa bị giảm. Việc ban hành một chính sách là tính tới lợi ích của những đối tượng bị tác động, không thể chỉ tính tới phần lợi ích của Nhà nước.

Việt Nam có phải lo lắng về chuyện thiếu gạo hay không? Nước ta có địa hình trải dài từ 23 vĩ độ Bắc xuống đến 8 vĩ độ Bắc. Với địa hình trải dài qua 15 vĩ độ như vậy, lúc nào trên đất nước ta cũng có nơi này cấy, nơi kia gặt.

Giống lúa bây giờ chỉ 100 ngày là đã thu hoạch. Do đó, không thể nào lo thiếu gạo được. Giả sử trong hoàn cảnh nào đó, nếu có thiếu, thì ta chỉ cần dự trữ gạo đủ ăn trong 3 tháng. Vì sau thời gian đó là đã có lúa mới thu hoạch.

Cũng liên quan đến vấn đề đảm bảo nguồn lương thực trong nước, xin nói thêm rằng, việc tổ chức dự trữ gạo như hiện nay là không đúng. Chính phủ thành lập Tổng cục Dự trữ nhà nước.

Trong Tổng cục ấy có các đơn vị chuyên tổ chức thu mua gạo để đưa vào kho dự trữ theo chương trình dự trữ quốc gia. Những đơn vị này không có chức năng kinh doanh nên không thể luân kho được (bán ra gạo cũ, mua vào gạo mới).

Gạo để trong kho lâu ngày, đến khi mang ra thực hiện cứu trợ chỗ này, chỗ kia theo yêu cầu của Chính phủ, chất lượng gạo đã giảm đi nhiều.

Theo tôi, cần phải hình thành một Quỹ dự trữ quốc gia. Quỹ ấy dùng tiền ngân sách đi thuê các công ty lương thực dự trữ gạo bằng cách thu mua đủ cơ số gạo dự trữ trong 3 tháng, phân bổ khắp từ Bắc vào Nam, để khi cần đưa ngay được tới những nơi cần ứng cứu gần nhất.

Các công ty lương thực có chức năng kinh doanh, nên trong khi thực hiện dự trữ gạo theo hợp đồng với Quỹ dự trữ quốc gia, họ có thể luân kho, đến mùa thì bán ra gạo cũ, thu mua gạo mới, miễn sao lượng gạo trong kho luôn đáp ứng đúng theo yêu cầu dự trữ. Nhờ vậy, gạo dự trữ sẽ luôn đảm bảo được chất lượng.

Lúa gạo sản xuất quanh năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lúa gạo sản xuất quanh năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ở nước ta, an ninh lương thực thường xuyên được nhấn mạnh, và nhiều khi đã ảnh hưởng không nhỏ tới các chính sách liên quan tới lúa gạo nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung. Trong khi đó, trên thế giới, người ta nói nhiều tới an ninh dinh dưỡng. Thưa ông, chúng ta cần làm an ninh dinh dưỡng như thế giới đang làm hay vẫn duy trì an ninh lương thực như hiện tại?

Bao lâu nay, ở Việt Nam luôn dùng khái niệm an ninh lương thực. Có lẽ là do dịch thuật. Từ “food” trong tiếng Anh, người ta hiểu nó là thực phẩm, bao gồm lương thực và những đồ ăn, thức uống khác như thịt cá, rau quả, sữa, trứng…

Do dịch “food” thành “lương thực” nên Tổ chức FAO, tên đầy đủ trong tiếng Anh là “Food and Agriculture Organization of the United Nations”, khi dịch ra tiếng Việt trở thành Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, hay gọi ngắn gọn hơn là Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc. Dịch ra tiếng Việt Nam như vậy là không đúng với ý nghĩa đầy đủ trong tên gọi tiếng Anh của tổ chức này.

Để tính được cụ thể nhu cầu dinh dưỡng của từng lứa tuổi, từng nhóm người trong xã hội, Viện Dinh dưỡng quốc gia hoàn toàn có thể làm được.

Dựa trên nhu cầu dinh dưỡng mà Viện Dinh dưỡng quốc gia tính toán, ngành nông nghiệp sẽ xem xét, tổ chức sản xuất gạo như thế nào, thịt, trứng, sữa, tôm, cá, rau quả… ra sao.

Theo tôi, đã đến lúc phải thay an ninh lương thực thành an ninh thực phẩm hay đúng nhất là an ninh dinh dưỡng. Khi đặt vấn đề an ninh dinh dưỡng thì chúng ta mới có định hướng đúng về tái cấu trúc nông nghiệp.

Vì an ninh dinh dưỡng mới thay đổi được cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, tới nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, một cách hợp lý để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dinh dưỡng của toàn xã hội.

Ông vừa nói an ninh dinh dưỡng sẽ giúp định hướng đúng về tái cấu trúc nông nghiệp. Nếu thay an ninh lương thực bằng an ninh dinh dưỡng, cơ cấu của sản xuất lúa gạo nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung ở nước ta sẽ thay đổi như thế nào?

Trước hết, đó là sự thay đổi trong sản xuất lúa gạo. Khi đặt vấn đề an ninh dinh dưỡng, một câu hỏi được đặt ra là có nhất thiết cứ phải duy trì tối thiểu 3,5 triệu ha đất trồng lúa trên cả nước hay không? Nông dân Nam bộ bình quân 0,8 ha/hộ. Mỗi hộ 4 - 5 người. Cứ cho là một hộ 1ha, thì mỗi năm, mỗi hộ thu được khoảng 12 tấn lúa.

Cứ cho giá lúa là 6.000 đồng/kg, thì được 72 triệu đồng. Chỗ tiền ấy chia cho 5 người sẽ không được bao nhiêu, nếu không muốn nói là không đủ sống.

Nhưng vì an ninh lương thực, họ vẫn cứ phải sản xuất 2 - 3 vụ lúa trong năm. Nhưng nếu đặt vấn đề an ninh dinh dưỡng, 1ha ấy chuyển sang cây trồng khác, hay có một 1 vụ trong năm sản xuất cây khác ngoài lúa, có thể sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều.

Nếu tổ chức sản xuất lúa gạo đáp ứng yêu cầu về an ninh dinh dưỡng, theo tôi chỉ cần sản xuất một lượng gạo đủ ăn và dự trữ trong 3 tháng, không cần phải làm dư ra nhiều để xuất khẩu. Nếu có xuất khẩu thì chủ yếu phải là gạo chất lượng cao, giá cao tới 1.000 USD/tấn trở lên.

Hoặc năm nào đó, thời điểm nào đó mà dư gạo so với nhu cầu nội địa và dự trữ, thì mới tổ chức xuất khẩu.

Với quan điểm đó, trên bình diện cả nước, chỉ những nơi “bờ xôi, ruộng mật”, làm lúa ăn chắc thì mới tổ chức sản xuất 2 vụ lúa. Tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đặc sản với yêu cầu cao về an toàn thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước.

Ngoài lương thực, người dân còn có nhu cầu thực phẩm, đồ uống chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, phòng tránh bệnh tật, có lợi cho sức khỏe lâu dài. Ảnh: Tùng Đinh.

Ngoài lương thực, người dân còn có nhu cầu thực phẩm, đồ uống chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, phòng tránh bệnh tật, có lợi cho sức khỏe lâu dài. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất các loại gạo dinh dưỡng như gạo cho người tiểu đường, gạo cho người bị tim mạch…

Ngoài ra, dành một diện tích hợp lý để sản xuất giống lúa hàm lượng tinh bột cao như IR 50404 nhằm đáp ứng nhu cầu ăn gạo giá rẻ của những người thu nhập thấp thấp và cho các cơ sở sản xuất bột gạo, làm bánh đa, bánh phở, bánh tráng...

Như vậy, khi đặt vấn đề an ninh dinh dưỡng thì cơ cấu sản xuất lúa gạo đã phải khác rồi, chưa nói tới cơ cấu lại toàn bộ nền nông nghiệp.

Khi đặt vấn đề an ninh dinh dưỡng, phải nghiên cứu rất kỹ thị trường trong và ngoài nước, điều kiện tự nhiên của từng vùng nông nghiệp sinh thái. Trên cơ sở đó, có chiến lược về sản phẩm nông nghiệp cho từng vùng sinh thái nông nghiệp với cơ cấu hợp lý nhất.

Nước ta có 7 vùng sinh thái nông nghiệp, gồm Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ - Tây Nguyên, Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Tôi lấy ví dụ vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Nếu đặt vấn đề an ninh dinh dưỡng, thì 2 vùng này nhiều nơi không cần phải sản xuất lúa trong vụ mùa.

Thay vào đó, dành đất tổ chức sản xuất rau quả, với công nghiệp chế biến, bảo quản tốt, để cung ứng không chỉ cho cả nước mà cho cả vùng Đông Bắc Á. Vì vào mùa đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Trung Quốc, Siberia (Nga) bị đóng băng, không gieo trồng được.

Còn ở đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, khả năng sản xuất rau quả trong vụ đông là rất tốt. Các hộ nông thôn ở đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ có rất ít ruộng đất. Bình quân mỗi hộ chỉ sở hữu vài sào ruộng, nếu chỉ trồng lúa sẽ không sống được.

Nhưng khi chuyển sang trồng rau quả, họ sẽ sống được từ vài sào ruộng ấy. Miền núi phía Bắc thì có thể tổ chức sản xuất cây dược liệu hữu cơ, đồng thời có chính sách thúc đẩy sự hình thành, phát triển ngành công nghiệp dược, tập trung sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng từ nguồn cây dược liệu trong nước.

Hay ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đang có một diện tích không nhỏ sản xuất lúa nếp ngỗng. Gạo nếp ngỗng chỉ được sử dụng trong Nam, không lan tỏa được ra toàn quốc như nếp cái hoa vàng ngoài Bắc.

Trong khi đó, đồng bằng sông Hồng rất thích hợp để sản xuất nếp cái hoa vàng, là loại nếp được ưa chuộng trên cả nước.

Tại sao không tổ chức sản xuất nếp cái hoa vàng quy mô lớn ở đồng bằng sông Hồng để tiêu thụ tại chỗ và đáp ứng cho cả nhu cầu gạo nếp của miền Nam và các vùng khác? Khi ấy, những nơi đang sản xuất nếp ngỗng ở đồng bằng sông Cửu Long, có thể chuyển sang trồng 2 vụ lúa chất lượng cao với hiệu quả kinh tế cao hơn.

Với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ NN-PTNT đã xác định rất đúng 3 sản phẩm thế mạnh thủy sản, cây ăn trái và lúa. Trước kia đồng bằng sông Cửu Long chia ra 4 tiểu vùng sinh thái. Bây giờ, do sự đe dọa của xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, chỉ còn chia ra làm 3 vùng là vùng thượng nguồn chắc chắn có nước ngọt, hạ nguồn bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và vùng giữa khá an toàn cho sản xuất lúa.

Khi đặt vấn đề an ninh dinh dưỡng, chỉ những vùng thực sự có ưu đãi về nguồn nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu, mới tổ chức sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc. Vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long, với mô hình một vụ tôm, một vụ lúa như hiện nay là một cơ cấu sinh thái rất đẹp, cần được duy trì phát triển theo hướng bền vững.

Về sử dụng giống lúa, theo quan điểm an ninh dinh dưỡng, ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản và hình thành hệ thống chế biến sâu để chế biến thành các loại gạo dinh dưỡng, giá trị cao và dành một phần nhỏ diện tích làm giống lúa IR 50404 để đáp ứng nhu cầu làm bột gạo, bánh đa, bánh phở...

Đó là cái hay của khái niệm an ninh dinh dưỡng. Bởi nếu chỉ là an ninh lương thực, thì chỉ cần làm gạo bình thường để ăn no, thành ra không mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa.

An ninh dinh dưỡng nếu được áp dụng, sẽ giúp giải quyết một vấn đề lớn tồn tại nhiều năm qua ở đồng bằng sông Hồng và một số nơi khác là bỏ hoang ruộng đất. Tại sao ở đồng bằng sông Hồng, đất ruộng đang bị bỏ hoang rất nhiều? Nguyên nhân là bởi trồng lúa không có hiệu quả.

Có một điều oái oăm là Luật Đất đai hiện nay yêu cầu đất nông nghiệp phải được cấp sổ đỏ. Nhưng rất nhiều nơi ở miền Bắc, nông dân vẫn đang không có sổ đỏ đối với mảnh đất nông nghiệp của mình.

Có một điều oái oăm là Luật Đất đai hiện nay yêu cầu đất nông nghiệp phải được cấp sổ đỏ. Ảnh minh họa: Tùng Đinh.

Có một điều oái oăm là Luật Đất đai hiện nay yêu cầu đất nông nghiệp phải được cấp sổ đỏ. Ảnh minh họa: Tùng Đinh.

Mà một trong những nguyên nhân quan trọng là nhiều hộ nông thôn vẫn mang quan niệm từ thời hợp tác hóa ở miền Bắc, rằng đất đó là đất của xã, của hợp tác xã, không phải là đất thuộc sở hữu của nông hộ.

Do làm lúa không hiệu quả, lại thiếu nhân công lao động vì lớp trẻ đua nhau ra thành thị tìm việc làm, nhiều hộ đành bỏ hoang hoặc đem cho mượn theo kiểu đối phó vì sợ để không lâu ngày thì bị chính quyền thu hồi.

Dù sản xuất không còn hiệu quả, nhưng họ vẫn quyết giữ mảnh đất ruộng ấy, vì sợ khi con cái thất cơ lỡ vận ở thành thị, ở các khu công nghiệp, buộc phải quay trở về nhà, thì vẫn còn đất ruộng để trồng lúa, có cái ăn.

Nếu đặt vấn đề an ninh dinh dưỡng, sẽ thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ, theo hướng không nhất thiết phải làm nhiều lúa gạo, mà chuyển sang các sản phẩm khác có giá trị cao hơn. Khi ấy, tình trạng bỏ hoang ruộng đất hay cho mượn ruộng ngắn hạn theo kiểu đối phó như lâu nay, sẽ giảm thiểu đi nhiều.

Nói tóm lại, nếu lấy an ninh dinh dưỡng làm mục tiêu, sẽ làm thay đổi căn bản cấu trúc nền nông nghiệp nước ta trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của từng vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Và do đó, xin nhắc lại rằng an ninh dinh dưỡng sẽ giúp cho ngành nông nghiệp có định hướng đúng khi thực hiện tái cấu trúc nền nông nghiệp của cả nước.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giây phút kinh hoàng qua lời kể của nạn nhân sống sót ở Xi măng Yên Bái

Một đêm dài vừa trải qua với các nạn nhân sống sót sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, họ kể lại câu chuyện trong nỗi đau về cả thể xác và tinh thần.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.