600 triệu người vẫn sẽ phải đối diện với nạn đói cho đến năm 2030
Đó là nhận định của ông Re’mi Nono Womdim, Trưởng Đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm "Việt Nam và vấn đề an ninh lương thực hiện nay" do Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 23/6.
Ông Re’mi Nono Womdim, Trưởng Đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam cho biết, theo chương trình lương thực thế giới của UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tháng 7/2022 cho thấy, nạn đói đã tăng cao từ năm 2021 trong tất cả các khu vực. Trong đó, khoảng 700 - 800 triệu người sẽ bị ảnh hưởng bởi đói nghèo trong năm 2021 và có 600 triệu người vẫn sẽ phải đối diện với nạn đói cho đến năm 2030.
Ngoài ra, có hơn 2 tỷ người (gần 30% tổng dân số toàn cầu) đã bị tác động từ trung bình cho đến nặng nề về bất ổn lương thực.
Ở mức độ toàn cầu, có hơn 3 tỷ người không có khả năng có một bữa ăn lành mạnh và khỏe mạnh, không đầy đủ dinh dưỡng. Có hàng triệu người chết mỗi năm vì không có được tiếp cận với bữa ăn lành mạnh. "Điều này là một sự thật rất quan trọng mà chúng ta cần phải biết", ông Re’mi Nono Womdim nói.
Mặt khác, vấn đề về suy dinh dưỡng, đặc biệt là ảnh hưởng tới trẻ em, có tới 22% trẻ em toàn cầu vẫn đang chịu tình trạng còi cọc và có 6,7% không có dinh dưỡng.
"Có hàng trăm triệu người đã chịu sự bất ổn về lương thực, những người này đang sống ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016 - 2017 tình trạng nạn đói tăng cao.
Theo ước tính của FAO có 460 triệu người trong khu vực này đang chịu tác động mạnh mẽ nghiêm trọng về việc thiếu hụt và bất ổn về lương thực trong năm 2021. Bên cạnh đó, còn 586 triệu người đang phải chịu đựng việc thiếu lương thực ở mức trung bình", Trưởng Đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam thông tin.
Ông Re’mi Nono Womdim cho rằng, tiến trình thay đổi của dinh dưỡng đang rất chậm. Các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em trong các khu vực nông thôn, nhóm thanh thiếu niên, người khuyết tật, người đồng bào thiểu số, lao động trong khối phi chính thức, các hộ gia đình thu nhập thấp trong khu vực nông nghiệp, các đơn vị sản xuất có quy mô nhỏ… đều là những người chịu tác động trực tiếp.
Một trong những yếu tố chính tác động đến các tình huống khá bi quan trên bao gồm các sự kiện vĩ mô như trách chấp giữa các quốc gia, sự bất ổn về địa lý, kinh tế, chính trị toàn cầu, cú sốc về kinh tế, thời tiết khắc nghiệt biến đổi không ngừng.
“Hệ thống thực phẩm là một trong những ưu tiên hàng đầu của Liên hợp quốc. Các mục tiêu phát triển bền vững đã có sẵn, tuy nhiên, chúng ta đang đi chệch hướng, nếu tiếp tục các công việc như hiện tại, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì phải đến năm 2026 - 2061 mới đạt được mục tiêu này.
Vì vậy, đến tháng 7/2021, các quốc gia thành viên đã đón nhận chiến lược mới cho giai đoạn 2022 - 2031. Chủ yếu hỗ trợ mục tiêu 2030, thông qua việc chuyển đổi nhằm tạo ra 1 hệ thống thực phẩm, nông nghiệp hiệu quả mang tính bao trùm có tính chống chịu và bền vững hơn, nhiều dinh dưỡng, có một môi trường tốt, chất lượng cuộc sống tốt hơn, không bỏ ai ở lại phía sau", ông Re’mi Nono Womdim thông tin.
Các khung chiến lược này bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, tập trung vào việc phối hợp đa ngành, đa cơ quan với công việc chính là công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng dữ liệu, các công việc hoàn thiện liên quan đến quản trị nhân lực, thể chế...
"Việt Nam có thế mạnh về sản xuất, nhưng nếu yếu về chế biến thực phẩm thì sẽ không thể thành công trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực", ông Re’mi Nono Womdim nói.
Theo ông Re’mi Nono Womdim, đến năm 2050, thế giới phải đối diện với nhiều thách thức như dân số toàn cầu khoảng 9,6 tỷ người và 2/3 dân số sẽ sống trong các thành phố lớn và với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Ngoài ra, sự thay đổi trong cấu trúc cơ sở hạ tầng, kinh tế, tương lai dự đoán cho vĩ mô và có sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia về lương thực.
Hệ thống lương thực là một chuỗi bao gồm rất nhiều giai đoạn khác nhau như sản xuất, chế biến, phân bổ, vận chuyển, tiêu thụ… Nó chỉ có hiệu quả khi tất các các mắt xích gắn kết chặt chẽ với nhau.
Hệ thống lương thực bền vững là đem đến dinh dưỡng, thực phẩm ổn định cho tất cả mọi người. Chúng ta chuyển đổi hệ thống làm sao cho bền vững hơn và có tính bền vững về kinh tế thông qua nhiều khía cạnh xã hội, đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho cộng đồng. Việc chuyển đổi này sẽ phải tạo ra tác động tích cực đến môi trường mà chúng ta đang sinh sống.
Thách thức và cơ hội
Theo ông Re’mi Nono Womdim, thách thức cho Việt Nam chính là biến đổi khí hậu. Việt Nam cần giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu tại quốc gia. Các mô hình sản xuất đã sử dụng tại quốc gia cũng phụ thuộc vào việc tiêu thụ đầu vào khá cao, ảnh hưởng tới hệ sinh thái và môi trường. Do đó, phải thay đổi cách sản xuất, chế biến thực phẩm.
Trong báo cáo gần đây của Ngân hàng thế giới cho thấy, công việc canh tác và nông nghiệp đóng góp tới 30% khí thải nhà kính tại Việt Nam, riêng trồng lúa đã tạo ra một nửa của tỷ lệ đó và tạo ra cả khí mê tan.
Thứ hai, là phải làm cho hệ thống nông lương mang tính chống chịu và bền bỉ hơn trước cú sốc và biến đổi về khí hậu để có hành động can thiệp kịp thời.
Thứ ba, phải đảm bảo việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên này, đặc biệt tập trung vào khu vực Đồng bằng sông Mekong. Cần đảm bảo tất cả chiến lược và chính sách đều đóng góp vào việc loại bỏ tất cả các hình thức về suy dinh dưỡng, thiếu lương thực, đặc biệt trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cuối cùng là phải quản lý được đổi mới sáng tạo và những rủi ro của những công nghệ mới này nhằm đem đến và cải thiện được hệ thống lương thực bền vững.
Việt Nam đang chuyển đổi sang một nền nông nghiệp xanh, phát thải các bon thấp, có tính chống chịu với biến đổi khí hậu. Nếu chuyển đổi sẽ tạo cơ hội tạo ra việc làm mới, riêng ngành trồng lúa, nếu chuyển đổi sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới, đặc biệt cho thanh niên.
"Việt Nam đang có lượng giao dịch thương mại vô cùng tốt, riêng năm 2022 xuất khẩu nông nghiệp lên đến 52 tỷ USD. Việt Nam có nhiều cơ hội và tiềm năng xuất khẩu trong khu vực và vươn tới các quốc gia phương tây, đa dạng hóa thị trường trong tương lai nhờ chuyển đổi nền nông nghiệp xanh, áp dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh nhằm giảm thiểu khí thải và đồng thời có thể thích nghi với các tác động của khí hậu đến nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực bền vững", Trưởng Đại diện Tổ chức FAO tại Việt Nam nói.
FAO đã xây dựng Chương trình Hợp tác Quốc gia với Việt Nam cho giai đoạn 2022 - 2026, tập trung vào 4 nội dung ưu tiên: Một Sức khỏe (One Health); Ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, quản lý tài nguyên; An toàn thực phẩm, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sinh kế công bằng cho tất cả mọi người; Quản trị, giới và người khuyết tật.
Chương trình Hợp tác Quốc gia giai đoạn 2022 - 2026 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và phù hợp với Khung hợp tác phát triển bền vững của Liên hợp quốc giai đoạn 2022 - 2026.