Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan muốn chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm thì phải chuyển đổi, mở rộng tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang có nhiều mối lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực trước những tác động của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đại dịch mới nổi trong đó có COVID-19, các cuộc xung đột và giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao. Bởi lẽ đó, có nhiều ý kiến cho rằng, bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cấp bách hệ thống lương, thực thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn.
Ông TRẦN MẠNH BÁO
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed
Cái đầu tiên là ý thức của người đứng đầu doanh nghiệp hoặc hệ thống nông nghiệp là thay đổi nhận thức người nông dân, những người làm công việc đó trong lĩnh vực nông nghiệp, kể cả cơ chế chính sách, ứng dụng KHCN. Tất cả việc đó phải làm đồng bộ thì mới tính đến an ninh lương thực toàn cầu trong tương lai.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã có Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, Nghị quyết 19 về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn. Và việc cần làm hiện nay là cụ thể hóa từng lĩnh vực, đưa những khái niệm mới, tư duy mới vào sản xuất và ngành nông nghiệp đặt trong bối cảnh tạo thành hệ thống cùng các ngành khác.
Ông LÊ MINH HOAN
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thách thức đầu tiên là trước kia chúng ta nghĩ nông nghiệp chỉ là 1 ngành sản xuất, giờ muốn chuyển đổi hệ thống lương thực phải chuyển đổi, mở rộng tư duy đó ra, nông nghiệp phải là hệ thống lương thực, thực phẩm vừa đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm, dinh dưỡng, cách tiếp cận của người tiêu dùng và quan trọng nhất là một phần của thế giới. Những tiêu chuẩn, yêu cầu là minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Việt Nam đã sớm triển khai hành động chuyển đổi Hệ thống thống Lương thực thực phẩm. Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, với mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và đóng góp vào an ninh lương thực thế giới. Để làm được điều đó, ngành nông nghiệp Việt Nam xác định cần phải hành động mạnh mẽ để đảm bảo Hệ thống lương thực, thực phẩm thích ứng thông minh với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện và đa dạng hóa nguồn sinh kế và thu nhập cho các nông hộ – kèm theo việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn về xã hội và môi trường bền vững.