| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y

Chuyên gia FAO tư vấn chương trình hành động cấp quốc gia để chăn nuôi bền vững

Thứ Sáu 23/06/2023 , 11:35 (GMT+7)

Giám đốc Ban Chăn nuôi và Thú y FAO Thanawat Tiensin tư vấn 3 nội dung giải pháp để Việt Nam thích ứng với những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Thanawat Tiensin chia sẻ về vai trò của thú y và một sức khỏe trong Chuyển đổi chăn nuôi bền vững. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Thanawat Tiensin chia sẻ về vai trò của thú y và một sức khỏe trong Chuyển đổi chăn nuôi bền vững. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tham luận tại Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y sáng 23/6, Giám đốc Ban Chăn nuôi và Thú y FAO Thanawat Tiensin cho biết nhu cầu về đạm động vật trên toàn cầu tăng nhanh trong khoảng 30 năm nữa.

Cụ thể, đến năm 2050, nhân loại sẽ cần thêm 22% thịt, 14% sữa và khoảng 15% trứng so với năm 2020. Trong đó, nhu cầu tại châu Á tăng nhiều nhất, còn châu Âu và châu Đại Dương gần như ít biến động.

Trong bối cảnh đó, ngành chăn nuôi vẫn gặp nhiều thách thức. Theo ông Tiensin, một số vấn đề chính là nhiều dịch bệnh xuyên biên giới xuất hiện và hoành hành, các quốc gia ở các khu vực khác nhau có nhu cầu khác hẳn nhau cấu trúc, thành phần bữa ăn.

Chuyên gia của FAO cũng nhấn mạnh tới thách thức: Xu hướng chăn nuôi phát triển mạnh tại các khu vực châu Á, châu Phi - những nơi có nhiều nước đang phát triển và chưa triển khai đồng bộ được các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh môi trường.

Bên cạnh những tồn tại, hạn chế của ngành chăn nuôi, toàn thế giới vẫn đang phải chống chịu và giải quyết nhiều vấn đề khác như xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, nguồn gốc của các sản phẩm động vật.

Những điều ấy đòi hỏi ngành chăn nuôi phải tái cấu trúc theo hướng bền vững, không gây tác động đến môi trường, giảm phát thải, đảm bảo vệ sinh, an toàn môi trường.

"Làm thế nào để ngành chăn nuôi vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa ổn định sinh kế cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, nhưng vẫn giữ gìn, bảo vệ được đa dạng sinh học", ông Tiensin bày tỏ.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo vị giám đốc của FAO, cùng với sản xuất lúa, chăn nuôi phát thải khí nhà kính rất lớn. Thực tế này ảnh hưởng nhiều đến các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia.

Tại Việt Nam, chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất nhiều. Do đó, ông Thanawat Tiensin đề nghị Việt Nam "cần có chương trình hành động mạnh mẽ ở cấp quốc gia để thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu".

Thông qua hội nghị, ông kêu gọi các bên liên quan cùng vào cuộc, thúc đẩy chăn nuôi bền vững từ cấp địa phương. Ông chủ trương: "Làm thế nào để tất cả có cuộc sống tốt hơn thông qua việc làm tốt hơn, thu nhập tốt hơn và sử dụng ít nguồn lực hơn".

Đây là việc làm rất cần thiết, theo ông Tiensin. Vị chuyên gia người Thái Lan kể lại kinh nghiệm từ chính quê hương của ông cách đây khoảng chục năm. Khi đó, xứ Chùa vàng gặp lỗ hổng về thú y cơ sở, do  trước đó họ đã giải tán thú y cấp huyện. 

Vì đứt gãy hệ thống, ngành chăn nuôi Thái Lan giảm sức chống chịu và dễ bị tổn thương trước những tác động của thị trường. Đặc biệt, đầu ra của người chăn nuôi thiếu bền vững, phụ thuộc chặt chẽ vào đối tác nhập khẩu.

Thông qua các giải pháp đồng bộ, trong 10 năm, Thái Lan đã thay đổi nhanh chóng về công tác thú y, chẳng hạn tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sinh viên thú y trở về nông thôn làm việc. Nhờ vậy, các sản phẩm chăn nuôi Thái Lan trở nên đa dạng và hiện tạo dựng được thương hiệu trên quốc tế.

Tư vấn các giải pháp cho Việt Nam tại Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y, TS Tiensin đề ra 3 nội dung. Một là, xây dựng chương trình lồng ghép sự tham gia của nhiều bên. Hai là, triển khai các biện pháp thực hành tốt để ngành chăn nuôi trong nước có thể áp dụng chung trên diện rộng. Ba là, xây dựng chính sách cấp quốc gia để thúc đẩy, thu hút đầu tư từ khối ngoại.

Chung quan điểm, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng sự phát triển kinh tế khiến Việt Nam đối diện nhiều mối đe dọa liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi như dịch bệnh trên động vật, đặc biệt là những bệnh lây truyền từ động vật sang người.

"Việc kiểm soát dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu thực phẩm vẫn cần đảm bảo cách tiếp cận Một sức khỏe", bà cho biết.

Đánh giá cao đề án ngành thú y đang được Việt Nam triển khai, bà Tamesis coi đây là một trong những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo phúc lợi và an ninh lương thực cũng như sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Bà hy vọng cộng đồng quốc tế cùng đóng góp cho Một sức khỏe để bảo đảm sức khỏe con người bền vững, sức khỏe động vật bền vững, từ đó đảm bảo sức khỏe nền kinh tế bền vững.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cầm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…