| Hotline: 0983.970.780

Hội nghị tư vấn triển khai Đề án ngành Thú y

Những bất cập, khó khăn qua góc nhìn của Cục Thú y

Thứ Sáu 23/06/2023 , 09:43 (GMT+7)

Thời gian qua, hệ thống thú y các cấp bị thay đổi nhiều dẫn đến công tác giám sát, phát hiện bệnh, báo cáo dịch bệnh bị chậm trễ.

Thời gian qua, hệ thống thú y các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã đã bị thay đổi nhiều, sáp nhập Trạm Thú y với các đơn vị khác dẫn đến công tác giám sát, phát hiện bệnh, báo cáo dịch bệnh bị chậm trễ, thậm chí nhiều nơi không thực hiện. Ảnh: Bảo Thắng.

Thời gian qua, hệ thống thú y các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã đã bị thay đổi nhiều, sáp nhập Trạm Thú y với các đơn vị khác dẫn đến công tác giám sát, phát hiện bệnh, báo cáo dịch bệnh bị chậm trễ, thậm chí nhiều nơi không thực hiện. Ảnh: Bảo Thắng.

Chia sẻ tại Hội nghị tư vấn hỗ trợ triển khai đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030 ngày 23/6, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong thời gian qua, công tác thú y của Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, Việt Nam có chung đường biên giới rất dài với các nước, trong đó nhiều nơi có địa hình rất khó kiểm soát, đồng thời, hoạt động của cư dân biên giới hàng ngày diễn ra sôi động, phương tiện qua lại với số lượng lớn cho mục đích thương mại, du lịch. Chính những điều đó làm gia tăng nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, thời gian qua, hệ thống thú y các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã đã bị thay đổi nhiều, sáp nhập Trạm Thú y với các đơn vị khác; thiếu nhân viên thú y để tham mưu, tổ chức phòng chống dịch tại địa bàn; dẫn đến công tác giám sát, phát hiện bệnh, báo cáo dịch bệnh bị chậm trễ, thậm chí nhiều nơi không thực hiện; nhiều địa phương không còn lực lượng thú y cơ sở, thú y cấp xã để tiếp nhận thông tin.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Cơ quan thú y địa phương không nắm được thông tin dịch bệnh động vật xảy ra trên địa bàn nên việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không kịp thời, thiếu đồng bộ và không nhất quán.

Một số dịch bệnh mới nguy hiểm trên động vật xâm nhiễm vào Việt Nam như dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trong năm 2019 trên địa bàn cả nước, gây thiệt hại trực tiếp khoảng 30.000 tỷ đồng; bệnh viêm da nổi cục (VDNC) xâm nhiễm vào Việt Nam và lây lan nhanh, phạm vi rộng làm hàng chục nghìn con gia súc mắc bệnh, hằng nghìn con trâu, bò buộc phải tiêu hủy; dịch bệnh động vật truyền lây sang người (cúm gia cầm, dại, nhiệt thán...) có nhiều diễn biến phức tạp và nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xảy ra trên đàn vật nuôi và lây sang người.

Dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản vẫn thường xuyên xảy ra, mỗi năm gây thiệt hại cho hàng chục nghìn héc ta nuôi tôm, cá tra, ngao/nghêu.

Về khó khăn trong công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thiếu nhiều kiểm dịch viên động vật để thực hiện các nhiệm vụ kiểm dịch theo quy định của Luật Thú y; ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, gây mất an toàn thực phẩm và gia tăng nguy cơ dịch bệnh.

Do địa bàn rộng, có nhiều đường ngang, ngõ tắt sang các địa phương khác nên công tác kiểm soát việc vận chuyển động vật gặp nhiều khó khăn do không có đủ nguồn nhân lực.

Khi dịch bệnh xảy ra, UBND tỉnh lập các chốt kiểm dịch liên ngành để kiểm soát việc vận chuyển ra vào địa bàn tỉnh, địa phương phải huy động cán bộ thú y ở các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tham gia. Tuy nhiên, khi gặp trường hợp vi phạm không xử lý được vì cán bộ Trung tâm không phải là kiểm dịch viên.

Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thiếu nhiều kiểm dịch viên động vật để thực hiện các nhiệm vụ kiểm dịch theo quy định của Luật Thú y. Ảnh: Bảo Thắng.

Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh thiếu nhiều kiểm dịch viên động vật để thực hiện các nhiệm vụ kiểm dịch theo quy định của Luật Thú y. Ảnh: Bảo Thắng.

Về những khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, Cục Thú y cho biết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh không thể ủy quyền thực hiện kiểm soát giết mổ cho các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp do Trung tâm không thuộc quản lý trực tiếp của Chi cục.

Đa số các tỉnh, thành phố phía Bắc không có đủ nguồn nhân lực để thực hiện việc kiểm soát giết mổ, chỉ kiểm soát được khoảng 30% trong tổng số 27.700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Nhiều địa phương không có hoặc không đủ nhân viên thú y để thực hiện kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ có công suất giết mổ trên 50 con gia súc hoặc trên 200 con gia cầm/ngày.

Công tác về quản lý thuốc thú y tại địa phương gặp nhiều khó khăn, triển khai thiếu đồng bộ và không thống nhất, có nơi chưa quan tâm đúng mức về các nhiệm vụ này như: Kiểm soát điều kiện buôn bán thuốc thú y tại các cửa hàng thuốc thú y; xử lý, thu hồi thuốc thú y; quảng cáo thuốc thú y; giám sát quá trình khảo nghiệm thuốc thú y; quản lý việc kê đơn, sử dụng thuốc, chất lượng thuốc lưu hành, nhãn mác hàng hóa, thuốc cấm sử dụng, thuốc giả, thuốc lậu, thuốc không có trong Danh mục được phép lưu hành; khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phòng chống kháng thuốc và tồn dư kháng sinh, dẫn đến ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật do không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cùng với đó, hiện nay, các nước nhập khẩu đều yêu cầu sản phẩm động vật của Việt Nam (bao gồm: thịt, trứng, sữa, mật ong, thủy hải sản…) xuất khẩu phải được sản xuất và giám sát theo chuỗi và đáp ứng các yêu cầu nêu trên. Do đó, việc thay đổi hệ thống thú y dẫn đến hệ thống thú y không vận hành theo đúng quy định của quốc tế, yêu cầu của các nước và quy định của Việt Nam (theo Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật); rất khó khăn trong việc tổ chức triển khai giám sát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, dẫn đến nhiều trở ngại trong xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam sang các nước khác.

Việc chuyển tổ chức bộ máy và công chức của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện thành đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ dẫn đến hệ thống quản lý nhà nước tại cấp huyện bị bỏ trống, thiếu tính đồng bộ giữa thực tiễn và hệ thống văn bản pháp luật về quản lý nhà nước về thú y.

Từ những khó khăn, bất cập đó, Bộ NN-PTNT đã báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030”.

Ngày 22/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 414/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” với mục tiêu hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp được kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Kiệu được giá nhưng nông dân kém vui vì mất mùa

Năm nay, kiệu Tết ở Bình Định giá cao hơn năm ngoái nhưng do ảnh hưởng thời tiết bất thuận nên kiệu mất mùa, nông dân kém vui.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất