| Hotline: 0983.970.780

Chuyện sản xuất ở huyện nông thôn mới có thu nhập 70 triệu/người/năm

Thứ Ba 20/04/2021 , 09:30 (GMT+7)

Thạch Thất (TP Hà Nội) mới đây đã được công nhận đạt huyện nông thôn mới (NTM) sau 10 năm huy động tổng lực được 4.994 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình.

Nhờ đó, cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng đời sống của người dân đều có những bước tiến đáng kể. Nếu thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ đạt 13,1 triệu đồng/người/năm thì năm 2020 Thạch Thất đã đạt 70 triệu đồng/người/năm, tăng 56,9 triệu đồng, thuộc vào top cao của thành phố. Ngược lại, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 14,75%thì đến năm 2020 giảm xuống chỉ còn 0,27%.

Huyện có 10 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp công nhận nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm gồm chè lam Thạch Xá, mộc Chàng Sơn, chè kho Đại Đồng, cơ kim khí Phùng Xá, mộc, xây dựng nhà kẻ truyền Hương Ngải.

Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” giai đoạn 2011 - 2020 huyện đã mở 363 lớp với 13.307 người tham gia  với các nghề như may công nghiệp, thêu ren, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản.

Thu hoạch khoai tây giống ở Hương Ngải. Ảnh: NNVN.

Thu hoạch khoai tây giống ở Hương Ngải. Ảnh: NNVN.

Về sản xuất nông nghiệp, với quan điểm "đi tắt đón đầu", huyện đã tổ chức nhiều buổi giao lưu, làm việc với các viện, trung tâm nghiên cứu nhằm xây dựng định hướng, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu trước mắt và lâu dài đối với từng vùng.

Để khắc phục tình trạng manh mún của ruộng đất, Thạch Thất đã hoàn thành 2.171/2.057ha đạt 105,5% diện tích dồn điền đổi thửa so với kế hoạch. Sau dồn điền, cơ bản mỗi hộ chỉ còn từ 1 - 2 thửa, đều tiếp giáp với trục giao thông nội đồng, kênh mương thuận lợi cho cơ giới hóa, giảm chi phí và liên kết với nhau tạo thành vùng chuyên canh lớn, nâng cao giá trị thu nhập. Năm 2010 tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 359 tỷ đồng đến năm 2020 đạt 1.705 tỷ đồng. Trồng trọt chuyển dịch theo hướng từ sản lượng sang chất lượng và hiệu quả, bước đầu hình thành các mô hình sản xuất chuyên canh tập trung cho lãi cao.

Toàn huyện có 121 mô hình chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt với diện tích 74,7ha và 314ha từ đất trồng lúa, trồng cây màu sang trồng cây ăn quả và rau hoa các loại ở các xã Hương Ngải, Đại Đồng, Dị Nậu, Phú Kim, Tiến Xuân, Yên Bình... Có 1.074ha (trồng tập trung 455 ha, trồng phân tán 618 ha) cây ăn quả cho thu nhập từ 350 - 500 triệu đồng/ha/năm trong đó riêng cây thanh long ruột đỏ có 56ha.  

Thu hoạch khoai tây giống ở Hương Ngải. Ảnh: NNVN.

Thu hoạch khoai tây giống ở Hương Ngải. Ảnh: NNVN.

Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung và xa khu dân cư với quy mô vừa và nhỏ đảm bảo an toàn dịch bệnh. 139 trang trại chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, đặc biệt là mô hình lợn rừng kết hợp với trồng rau hữu cơ dưới tán rừng ở xã Yên Bình cho thu nhập kinh tế cao. Tổng đàn gia súc, gia cầm duy trì ổn định với trâu bò 8.450 con, lợn 102.965 con, gia cầm 1.890.000 con. Tiếp tục quản lý, duy trì nuôi trồng thủy sản trên diện tích 520ha mặt nước hiện có.

Thạch Thất đã hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, trong đó: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690ha tại các xã như Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải; Vùng sản xuất rau an toàn quy mô 285ha tại các xã như Tiến Xuân, Phú Kim, Hương Ngải, Đồng Trúc, Hạ Bằng… Vùng sản xuất cây ăn quả giá trị kinh tế cao quy mô trên 300 ha tại các xã như Bình Yên, Kim Quan, Lại Thượng, Yên Bình và Phú Kim. Vùng sản xuất hoa, cây cảnh quy mô 50ha tại xã Đại Đồng và Yên Bình.

Để sản xuất sạch hơn, thành phố đã hỗ trợ huyện kinh phí 1,6 tỷ đồng mua thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học cho vùng sản xuất rau và xử lý chất thải cho vùng chăn nuôi. Đến hết năm 2020 trên địa bàn đã có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao, điển hình như nuôi lợn rừng (quy mô trên 10.000 con), trồng rau hữu cơ, rau bản địa dưới tán rừng diện tích 12ha ở xã Yên Bình, 15ha ở xã Yên Trung; Trồng nấm đông trùng hạ thảo, linh chi, hoa lily 12ha ở xã Đại Đồng; Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái ở xã Tiến Xuân...

Có 6 mô hình sản xuất theo chuỗi điển hình như: Sản xuất 10ha rau an toàn và trồng 15ha khoai tây vụ xuân làm giống của HTX nông nghiệp Hương Ngải; Nuôi lợn hương quy mô 50 con lợn nái, duy trì 300 con thương phẩm ở xã Bình Yên; Sản xuất rau, đu đủ tại xã Dị Nậu; Lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 30ha của các xã Chàng Sơn, Lại Thượng, Bình Phú, Phú Kim, Kim Quan… Tất cả đều cho thu nhập từ 333 - 445 triệu đồng/ha/năm và tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.

Về chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến năm 2020, Thạch Thất có 122 sản phẩm được hội đồng thẩm định thành phố đánh giá, xếp hạng, trong đó 18 sản phẩm đạt 3 sao và 104 sản phẩm đạt 4 sao.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Khai trương điểm bán trên 100 sản phẩm OCOP tại Mỹ Tho

Tiền Giang Cửa hàng có trên 300 sản phẩm trong và tỉnh tham gia trưng bày, giới thiệu và ký gởi, trong đó có hơn 100 sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất