| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' của EC:

Chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm

Thứ Ba 26/02/2019 , 13:55 (GMT+7)

Sau hơn 1 năm quyết liệt triển khai các biện pháp khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), tỉnh Hà Tĩnh được Bộ NN-PTNT đánh giá cao trong việc quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản của các chủ tàu.  

Sự vào cuộc quyết liệt này đã thay đổi nhận thức của ngư dân từ “nghề cá nhân dân” sang “nghề cá có trách nhiệm”.
 

Giảm 80% số vụ vi phạm

Những ngày cuối tháng 2 biển động nên hầu hết tàu thuyền neo đậu tại cảng Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà không ra khơi. Đội tàu nghỉ ngơi nhưng cán bộ, nhân viên Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá (Văn phòng) thuộc Sở NN-PTNT vẫn thường trực 24/24h tại cảng để giám sát hoạt động ra vào cảng, thống kê sản lượng hải sản khai thác của các tàu thuyền.

17-56-54_4
Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá được đặt ngay tại cảng Cửa Sót để kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của các tàu cá

Ông Thân Quốc Tế, Phó giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh, thành viên Văn phòng cho hay, trước khi EC phạt “thẻ vàng” thủy sản Việt Nam, công việc hàng ngày của BQL cảng chủ yếu kiểm tra hồ sơ tàu cá, thiết bị an toàn tàu cá, ngư lưới cụ, giám sát tàu ra vào cảng. Tuy nhiên sau khi bị EC “tuýt còi”, lực lượng chức năng phải đảm nhận thêm nhiệm vụ kiểm soát sản lượng và giám sát ghi nhật ký khai thác. Đây là nội dung khó thực hiện nhất trong quá trình quản lý hoạt động của tàu cá. Bởi, nghề cá của Hà Tĩnh là nghề cá nhân dân, hơn 80% (hơn 3.700 chiếc) tàu thuyền là tàu nhỏ dưới 20CV, khai thác gần bờ, không có số hiệu, không đăng ký, đăng kiểm nên không kiểm soát được vùng đánh bắt.

Để thay đổi tư duy từ “không khai báo” thành “có khai báo”, ngành chức năng địa phương chú trọng tuyên truyền và đẩy mạnh tuần tra, phát hiện, xử phạt nặng đối với các chủ tàu khai thác hải sản bất hợp pháp nhằm tăng tính răn đe. Đặc biệt, từ cuối 2017 đến giữa năm 2018, các lực lượng Kiểm ngư, Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng huy động nhân lực, phương tiện bắt giữ, xử phạt hàng chục vụ tàu dã cào đánh bắt sai vùng; tàu cá sử dụng kích điện, lưới mắt nhỏ khai thác gần bờ… nên đến thời điểm này số vụ vi phạm Luật Thủy sản giảm đến trên dưới 80%.

Con số 80% không chỉ là số liệu báo cáo của ngành chức năng mà chính ngư dân thừa nhận, nhận thức của các chủ tàu cá đã thay đổi rõ rệt. Họ hiểu, chỉ khi chấp hành tốt quy định pháp luật thì miếng cơm manh áo của họ mới bền vững.

Anh Bùi Văn Hiệp, xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), chủ tàu TH 6159TS (neo đậu tại cảng Cửa Sót) theo cha ông đi biển từ nhỏ. Trước đây anh đi lồng khai thác ghẹ nhưng nay chuyển sang nghề lưới kéo. Vốn ít học nên đi biển anh chỉ quan tâm làm sao để đánh được nhiều ghẹ, nhiều cá chứ chẳng bao giờ ghi nhật ký khai thác vùng biển nào, sản lượng bao nhiêu, chủng loại gì?… Sau nhiều lần cập cảng Cửa Sót được lực lượng chức năng hướng dẫn tỉ mỉ cách ghi nhật ký, đến thời điểm này chủ tàu Bùi Văn Hiệp cơ bản chấp hành tốt các quy định pháp luật. “Không làm (thực hiện – PV) sợ bị nhà nước bắt, sợ không có tiền nộp phạt nên phải chấp hành thôi”, anh Hiệp thật thà nói.

Đồng quan điểm với anh Hiệp, chủ tàu cá công suất 280 CV Dương Văn Dũng, cùng ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nhấn mạnh: “Nếu không chấp hành theo các quy định thì BQL cảng không cho ra khơi. Một đêm nằm bờ như vậy chúng tôi mất gần 4 triệu bạc. Nói chung ngư dân sợ thiệt hại kinh tế nên đang cố gắng thực hiện theo các hướng dẫn của ngành chức năng”.

17-56-54_1
Việc ghi nhật ký khai thác đã trở thành thói quen của chủ tàu Dương Văn Dũng

Tàu của anh Dũng chuyên đánh bắt trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Thường thì buổi chiều anh cùng 4 thuyền viên vươn khơi đánh ốc mỡ, ghẹ, tôm và sò bi, đến sáng hôm sau cập cảng Cửa Sót. Từ cuối năm 2018 anh bắt đầu ghi nhật ký khai thác. Việc ghi nhật ký trên biển có những hôm gặp rất nhiều khó khăn vì trời tối, mưa to, sóng lớn. Tuy nhiên, vì không muốn bị xử phạt nên cuốn sổ của anh không bỏ trống ngày nào.

“Lâu nay ngư dân vùng Bắc Trung bộ hay sử dụng tàu dã cào vào khai thác gần bờ, thậm chí sử dụng kích điện, thuốc nổ, mắt lưới nhỏ đánh bắt mùa cá sinh sản. Tuy nhiên, khoảng 5 - 6 tháng nay tôi thấy số tàu vi phạm gần như không còn”, anh Dũng đánh giá.
 

Ngư dân là người gánh thiệt hại

Theo dự kiến, tháng 4 tới, đoàn công tác của EC sẽ đến Việt Nam tiếp tục kiểm tra việc khắc phục “thẻ vàng” của ngành Thủy sản Việt Nam. Đoàn dự kiến sẽ kiểm tra một trong 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung bộ. Vì vậy, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản kêu gọi ngư dân Hà Tĩnh nỗ lực cùng cả nước chấp hành nghiêm các hướng dẫn của lực lượng chức năng để EC gỡ “thẻ vàng”, đưa Thủy sản Việt Nam quay lại quỹ đạo, hướng ra biển lớn.

Ông Hoàng cũng cảnh báo, trường hợp EC đến kiểm tra Hà Tĩnh và kết luận ngư dân khắc phục chưa đạt sẽ ảnh hưởng lớn đến nghề cá của cả nước. Nhẹ thì họ gia hạn cho khắc phục tiếp nhưng nặng rút “thẻ đỏ” Thủy sản Việt Nam, chắc chắn lúc này người gánh thiệt hại không ai khác chính là ngư dân.

“Xuất khẩu đóng băng, giá cả sụt giảm, thậm chí không có đầu ra… đó là những viễn cảnh có thể xảy ra nếu bị EC rút “thẻ đỏ”. Riêng tại Hà Tĩnh, hiện nay bình quân mỗi năm tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác toàn tỉnh đạt khoảng 47.000 tấn, giá trị 2.300 tỷ đồng, nếu giá bán giảm khoảng 10% do hệ lụy của “thẻ vàng”, “thẻ đỏ” thì Hà Tĩnh mất đến 220 tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ”, ông Nguyễn Công Hoàng phân tích.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết thêm, khó khăn nhất hiện nay đối với ngư dân Hà Tĩnh là việc ghi nhật ký khai thác đạt quy chuẩn Quốc tế bởi trình độ hạn chế, có chủ tàu còn không biết chữ. Bên cạnh đó là quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài 15m trở lên.

17-56-54_5
Sản lượng, chủng loại thủy sản khai thác của từng tàu cá được thống kê đầy đủ tại Văn phòng
“Hiện nhiều tàu thuyền đi qua khu vực cảng Cửa Sót nhưng không cập cảng mà về neo đậu ở các bãi ngang thuộc thị trấn Thạch Hà; xã Thạch Long (Thạch Hà); Thạch Bằng (Lộc Hà)… nên BQL cảng không thống kê chính xác được sản lượng khai thác thực tế”, ông Thân Quốc Tế.

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Đấu giá sâm Ngọc Linh để xóa nhà tạm cho đồng bào Xơ Đăng

Hai củ sâm Ngọc Linh được đấu giá 238 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng để xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.