“Chuyện về anh Thanh thì nhiều lắm, nói cả ngày cũng không hết! Nếu không có anh Thanh thì sẽ không có Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng của ngày hôm nay, nơi chăm sóc, khám, điều trị, ăn, ở cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo miền Trung”, bà Trần Thị Vân Lan, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng chia sẻ.
Tự tay ký 10.000 thư ngỏ
Bà Lan công tác cùng ông Thanh nhiều năm. Từ năm 2002-2007, ông Thanh làm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, còn bà Lan Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng. Tiếp đó, năm 2008 đến 2010. Ông Thanh làm Chủ tịch danh dự Hội bảo trợ trẻ em nghèo, còn bà Lan Chủ tịch hội.
Bà Trần Thị Vân Lan.
Bà Trần Thị Vân Lan nói: “Ở anh Thanh có một điều đặc biệt, anh công khai số điện thoại cho người dân, khi bà con gọi anh nghe. Anh lắng nghe bức xúc của mọi người. Cũng vì thế mà nhà riêng của anh, người dân đến từ sáng sớm, đến tối. Anh sắm bàn ghế ngồi từ cổng vào nhà. Tuy nhiên, sau đó tổ chức có góp ý và phê bình không được tiếp công dân nên anh hạn chế. Với anh Thanh có đặc điểm ai cũng thấy sợ là anh lúc nào cũng nghĩ đến công việc. Nhưng với những mảnh đời bất hạnh thì trái ngược hoàn toàn. Người ở tù ra anh cũng gặp, đứa trẻ vi phạm pháp luật anh cũng tiếp, những ông chồng đánh vợ anh cũng tiếp... Có người mẹ bồng đứa con bị bệnh tim bẩm sinh tìm đến nhà nhờ anh giúp đỡ, anh đưa qua Hội hỗ trợ. |
Những năm 2005 qua các kỳ họp Quốc hội, tôi ăn cơm cùng bàn với anh Thanh. Anh suy nghĩ những việc cần thiết ở TP Đà Nẵng là những việc gì. Trong đó, anh băn khoăn Nhà nước chưa có chương trình nghiên cứu xây dựng ở miền Trung một bệnh viện chuyên khoa ung thư, bằng cách nào phải xây dựng ở Đà Nẵng một bệnh viện để phục cho nhân dân miền Trung.
Anh bảo, có lẽ bất hạnh nhất những bệnh nhân bị ung thư, mang trong mình “án tử hình” đối với họ. Dù có giàu thì cũng thành nghèo. Nhưng bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu họ phát hiện sớm. Đây là bệnh hiểm nghèo, nếu phát hiện muộn có tiền núi đổ vào đó cũng hết.
Từ suy nghĩ đó bằng mọi giá phải xây dựng một bệnh viện thư tại Đà Nẵng. Trước hết là nơi tầm soát cho mọi người, họ không phải đi Sà Gòn, Hà Nội khám chữa bệnh tốn kém.
Đến năm 2010 anh Thanh quyết định thành lập một bệnh viện ung thư, nhưng xây dựng kinh phí quá lớn. Trong khi nhà nước chưa đầu tư, muốn có nguồn vốn phải huy động. Việc huy động chỉ có vị trí của anh Thanh mới vận động được.
Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đứng đầu khu vực miền Trung, với tổng vốn xây dựng 1.500 tỷ đồng, chưa tính đất đai. Trong đó, trang thiết bị y tế khoảng 520 tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 270 tỷ đồng còn lại của các nhà hảo tâm đóng góp. |
Ban đầu, anh thành lập Ban vận động xây dựng bệnh viện ưng thư. Anh Thanh chỉ đạo từng người một. Trong vòng 3 tháng, thì anh Thanh chỉ đạo cho Hội tiến hành các thủ tục, xây dựng đề án và kế hoạch xin đất.
Bệnh viện quy hoạch 15 ha, đúng 28/3/2008, giao cho Hội phối hợp với VTV, phát động chương trình truyền hình trực tiếp. Và anh tự thảo thư kêu gọi, anh thảo một cái thư và in 10.000 cái. Khác với người ta thì chữ ký trên thư ngỏ sẽ in hàng loạt, còn anh Thanh lại “ký tươi”. Để hoàn thành số lượng này, hết công việc cơ quan, anh ngồi ký.
Sau đêm văn nghệ truyền hình trực tiếp vận động, mọi người gọi điện đường dây nóng đăng ký được 283 tỷ đồng. Lúc đó mừng vô cùng, như vậy là có vốn để khởi công.
Nhưng cuối năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp gặp khó khăn nên chỉ được hơn 100 tỷ. Mặc dù rất khó khăn nhưng anh Thanh rất quyết liệt.
Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.
Trong khi đó, dự án trên 500 tỷ đồng thì Chính phủ trình duyệt, còn TP chỉ duyệt dưới 500 tỷ. Dự án cả ngàn tỷ đồng, mà TP duyệt thì chỉ lấy con số 490 tỷ đồng để kịp ngày khởi công. Anh giao Hội chuẩn bị thủ tục, mỗi ban ngành thành phố gánh vác một phần và ngày 23/3/2009 khởi công.
Bệnh viện tình người
Ý tưởng của anh Thanh, bệnh viện ung thư phải thiết kế bệnh viện tình người, một bệnh viện có hình dáng một bàn tay che chở cho mọi người, sẵn sàng đón nhận mọi người đến.
Khởi công rồi, vốn hạn hẹp, anh gửi đến các doanh nghiệp, từng cá nhân, địa phương xin tiền. Song song với đó, anh chiêu mộ những giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành ung thư đã nghỉ hưu về làm việc.
Ông Thanh ký 10.000 thư kêu gọi xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. |
Thời gian qua gấp, ngay từ đầu không hoàn thiện được, làm đến đâu tiếp tục chỉnh sửa đến đó. Thấy việc làm này, mọi người bảo anh Thanh độc đoán quá không? Nhưng không phải vậy, anh Thanh quyết đoán.
Anh Thanh chỉ quyết đoán, nếu không có tính quyết đoán thì không có sông Hàn, cầu Rồng, bệnh Viện Ung thư… và bộ mặt của Đà Nẵng.
Vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời anh xây dựng đề án gửi Bộ Y tế, tuy nhiên Bộ Y tế cho rằng, chưa có một công trình nào như thế. Đây là mô hình chưa có tiền lệ đối với Việt Nam.
Giờ cấp phép như thế nào như bệnh ung thư? Bởi ở Việt Nam chỉ có bệnh viện công lập và ngoài công lập. Đây là một bệnh viện không phải công, không phải tư. Bệnh viện do Hội quản lý, huy động sức mạnh của toàn xã hội. Sau đó, Bộ Y tế cũng cấp phép, cho đây là một mô hình đặc thù. Tuy nhiên, Bộ Y tế phải theo dõi để đúc kết kinh nghiệm.
Đến 2012, xây dựng gần xong thì nguồn vốn trang thiết bị không có, anh Thanh đề nghị UBND TP Đà Nẵng làm tờ trình gửi Chính phủ xin hỗ trợ vốn trái phiếu chính phủ. Lúc đó, Chính phủ rất lúng túng, bởi nguồn vốn rất khó khăn. Các công trình đầu tư công Chính phủ phải cắt giảm kinh phí. Anh Thanh gặp Thủ tướng Chính phủ, nhưng Thủ tướng phải xin ý kiến của Quốc hội.
Anh bảo, đáng lý nhà nước phải làm cho miền Trung một bệnh viện ung thư, nếu Nhà nước không hỗ trợ, nếu Quốc hội không biểu quyết thì anh sẽ xách cặp ra về. Sau đó, Quốc hội đồng ý cấp kinh phí 220 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị.
Bệnh viện hoàn thành và khám chữa bệnh cho người nghèo. Như năm 2014, bệnh viện đã miễn giảm 2.418 lượt bệnh nhân nghèo, với số tiền Hội hỗ trợ sau khi bảo hiểm thanh toán là trên 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, bệnh viện có hai nhà lưu trú cho bệnh nhân ở. Anh Thanh yêu cầu phải có cháo cho bệnh nhân. Anh Thanh giao cho Hội phải duy trì bếp từ thiện, trong khi Hội đang tìm nguồn thì anh Thanh chỉ ra phương thức.
Anh nói phải khảo sát các lò mổ lớn trên địa bàn, sau đó anh Thanh soạn thư ngỏ và ký vào gửi đến các lò mổ. Với việc làm này, các lò mổ đồng ý, mỗi ngày họ chở xương, lòng, tim, gan đến bệnh viện để nấu cháo. Có doanh nghiệp thì chở gạo; có doanh nghiệp chở cá đến cung cấp thực phẩm cho bệnh viện. Còn doanh nghiệp nước ngoài cho bàn ghế, bếp, nồi để nấu.
Lương thực, gia vị do các chi hội ở chợ, tiểu thương ở một số chợ lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng cung cấp. Phần nữa các chùa đem đến cho bệnh viện.
Hằng ngày cứ đến bữa thì bệnh nhân đến ăn cháo, bệnh nhân ăn ngày 3 bữa. Năm 2014, phát cháo 284.982 suất cháo, miễn phí cho bệnh nhân.