| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 25/11/2021 , 19:09 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 19:09 - 25/11/2021

Cơ chế giám sát cho mục tiêu bình thường mới

Đã đến lúc phải có cơ chế giám sát và xử lý những địa phương chưa làm đúng theo tinh thần của Nghị quyết 128, để đảm bảo mục tiêu bình thường mới.

Chuyển sang trạng thái bình thường mới, thực sự là mong muốn của hầu hết người Việt Nam sau một thời gian dài giãn cách ngột ngạt. Nghị quyết 128 của Chính phủ đã tạo bước chuyển mới cho mọi mặt xã hội được vận hành theo hướng tích cực. Thế nhưng, khi số ca nhiễm mới đang tăng lên, thì phương pháp chống dịch ở nhiều nơi bắt đầu có dấu hiệu cục bộ và cực đoan.

Tại tỉnh Bạc Liêu, chính quyền chỉ đạo thí điểm cho thành phố Bạc Liêu điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Mỗi phường xét chọn 5 bệnh nhân đảm bảo đủ điều kiện theo quy định về chuyên môn để quản lý cách ly tại nhà. Bên cạnh sự mạnh dạn ấy, tỉnh Bạc Liêu lại quy định nghiêm cấm người dân ra đường từ 20h hôm trước đến 4h hôm sau. Kiểu “giới nghiêm” 8 tiếng đồng hồ của tỉnh Bạc Liêu có ý nghĩa ngăn chặn Covid-19 không?

Tại sao lại cấm người dân đi lại ban đêm trong khi cả nước thống nhất triển khai Nghị quyết 128? Không có một cơ sở khoa học nào có thể chứng minh virus corona hoành hành dữ dội vào ban đêm hơn vào ban ngày. Nếu người dân không được ra đường ban đêm thì họ ùn ùn ra đường ban ngày, sẽ trở ngại cho tiêu chí 5K. Cấm người dân ra đường ban đêm, vừa không có tác dụng giảm bớt lây nhiễm, vừa tạo thêm không khí nặng nề cho tâm lý cộng đồng.

Đã đến lúc cần phải tái khẳng định một lần nữa về tinh thần thích ứng linh hoạt, hiệu quả và an toàn của Nghị quyết 128. Những quy định địa phương nếu không được sự tham vấn chuyên môn của Bộ Y tế thì rất dễ gây ra phiền phức cho người dân tái sản xuất, lao động và kinh doanh.

Làm sao để thích ứng Covid-19 vừa “linh hoạt” vừa “hiệu quả” vừa “an toàn” chính là mục tiêu bình thường mới. Tại Hà Nội, bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng vẫn chưa áp dụng cách ly F1 tại nhà? Đã cách ly tại nhà thì tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chứ sao lại cân đong nặng nhẹ về địa bàn dân cư?

Khả năng lây nhiễm của virus corona đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đầy đủ và thường xuyên. Virus corona không phải tự mọc cánh để bay từ người nọ sang người kia, mà nói theo giọng điệu khôi hài của một vị bác sĩ là “nó không thể mở mùng để chui vào giường của chúng ta”. Đành rằng, những người đã tiêm đủ 2 mũi vacxin vẫn có khả năng bị lây nhiễm, nhưng việc nâng cao ý thức chống dịch cho người dân quan trọng hơn việc đưa ra các mệnh lệnh hành chính cứng rắn.

Để Nghị quyết 128 phát huy tác dụng, thì những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng phải tuyệt đối chấp hành, mới có thể khuyến khích các địa phương khác làm theo đồng bộ trong quá trình thích ứng bình thường mới. Hiện nay, Bộ Y tế đã hoàn thiện quy trình chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân F0 để tập huấn cho từng cơ sở y tế. Và có lẽ, cũng đã đến lúc phải có cơ chế giám sát và xử lý những địa phương chưa làm đúng theo tinh thần của Nghị quyết 128.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm