Hàng ngàn tấn rau củ phải đổ bỏ, nông dân thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng ngay cả khi hàng trăm tấn củ cải, su hào, cà chua vẫn đang phải đổ bỏ thì rất nhiều nông dân ở “vựa rau củ” Mê Linh (Hà Nội) đã làm đất, gieo hạt.
Được báo chí hỏi, nhiều người đã rất hồn nhiên trả lời : “Có đất, có sức thì vẫn làm”. Câu trả lời đó của người nông dân đã phản ánh một thực trạng rất đáng buồn của nền nông nghiệp nước ta. Có đất, có sức thì vẫn làm. Làm mà không thèm quan tâm đến thị trường. Làm một cách mù quáng, trông chờ vào may rủi.
Nếu làm mà được giá thì “ơn giời”, còn chẳng may giá rớt thê thảm thì kêu la thảm thiết, trông chờ “giải cứu”, nếu “giải cứu” mà cũng không hết thì đổ bỏ. Chính vì thế mà điệp khúc “giải cứu” không mấy năm không cất lên.
Rất nhiều nơi, khi thấy một loại cây được giá thì đua nhau, ồ ạt chặt bỏ nhiều loại cây khác để trồng loại cây đó. Do ồ ạt trồng nên tất yếu là sẽ đến lúc cung sẽ vượt cầu, giá tụt đến đáy thì lại chặt để trồng loại cây đang được giá mới.
Câu hỏi đặt ra là những lúc đó, cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? Chức năng của Nhà nước là dự báo và quy hoạch. Dự báo tốt thì sẽ có quy hoạch tốt. Nếu hai chức năng đó mà làm tốt, thì không bao giờ có chuyện “được mùa rớt giá” cả.
Nhưng ở ta, đã có rất nhiều trường hợp quản lý quy hoạch không tốt. Quy hoạch vùng A dành bao nhiêu ha trồng loại cây này chẳng hạn. Nhưng nếu thấy loại cây đó đang được giá, thế là người dân đua nhau trồng loại cây đó, quy hoạch bị phá vỡ, cơ quan quản lý bất lực, kết quả thế nào chắc ai cũng rõ.
Hãy nhìn sang các nước Âu - Mỹ, thử xem. Vùng nguyên liệu của họ hàng trăm năm nay vẫn ổn định. Người nông dân đã trồng là có lãi, còn nhà máy thì không bao giờ chịu cảnh lúc đói lúc thừa nguyên liệu, chất lượng sản phẩm do nhà máy làm ra bao giờ cũng tốt, như một cân đường chẳng hạn, giá cả của nó đã tích hợp trong đó cả lợi ích của người trồng mía, của người sản xuất đường và của nhà phân phối.
Tất cả các lợi ích đó đều hài hòa và bền vững. Vì sao như vậy? Vì họ dự báo tốt và quy hoạch, quản lý quy hoạch tốt.
Không như ở ta, rất nhiều năm người trồng mía đã phải khóc ròng trên ruộng mía, vì tiền bán mía cho nhà máy đường không đủ tiền thuê người chặt mía, đành phải để mía nỏ trên ruộng rồi chặt về làm củi.
Còn nhà máy đường? Lúc nguyên liệu thừa thì ép giá nông dân đến thảm khốc. Nhưng có lúc lại đói nguyên liệu đến mức nhà máy phải ngừng sản xuất.Không dự báo và quy hoạch tốt, thì người nông dân vẫn mãi mãi phải chịu cảnh sớm nắng chiều mưa.