| Hotline: 0983.970.780

Cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa vụ hè thu

Thứ Bảy 27/08/2022 , 07:14 (GMT+7)

Vụ hè thu 2022, tại những cánh đồng lúa trong mô hình canh tác lúa thông minh, nông dân được tiếp cận các thiết bị, máy móc và công nghệ mới.

Anh Võ Hoàng Thân ở Huyện Thới Lai, TP Cần Thơ phấn khởi vì ngay từ đầu vụ, ruộng lúa của gia đình anh và bà con quanh vùng được áp dụng nhiều quy trình kỹ thuật tiên tiến, giảm lượng giống chỉ còn 60kg/ha bằng phương pháp máy sạ cụm. Giờ đây, ruộng lúa của anh bón 40 - 45kg phân chỉ vỏn vẹn trong vòng 15 phút là xong, bởi đã có máy bay không người lái bón phân. Máy móc đang dần được đưa vào thay thế sức người để giảm công lao động, với hiệu quả mang lại bước đầu ngoài sự mong đợi của bà con.

Tại ĐBSCL, nhắc tới canh tác lúa thông minh là nhắc về quy trình canh tác mà ở đó bà con nông dân chính là chuyên gia trực tiếp vận dụng những tiến bộ kỹ thuật vào từng thửa ruộng của mình, dưới sự hướng dẫn, đồng hành của các nhà khoa học, các cán bộ khuyến nông địa phương và cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.

Sạ cụm

Đưa máy sạ cụm vào canh tác lúa tại mô hình canh tác lúa thông minh.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, ở vụ hè thu 2022, một điểm mới trong mô hình khi triển khai thực hiện nơi đây là nông dân không chỉ sản xuất lúa theo quy trình kỹ thuật canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn được hỗ trợ để áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ khâu làm đất, gieo cấy, quản lí nước, nhất là phun thuốc, bón phân bằng máy bay không người lái (drone), hay ở khâu thu hoạch, sau thu hoạch đều được áp dụng những công nghệ phù hợp để giảm thất thoát, nâng cao giá trị lúa gạo...

Đây cũng là mô hình thực hiện hưởng ứng sự kiện quốc tế Agritechnica Asia live 2022 với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ, hướng tới nền nông nghiệp bền vững” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và Hiệp hội Nông nghiệp Đức (DLG) tổ chức, dự kiến diễn ra tại TP Cần Thơ từ 24 - 26/8/2022.

Được biết, từ năm 2019 đến nay, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã lắp đặt 22 trạm quan trắc theo dõi độ mặn tại nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL để hỗ trợ bà con canh tác lúa. Các trạm này đang cung cấp dữ liệu độ mặn, pH (một số trạm không đo) để phục vụ sản xuất. Cán bộ kỹ thuật, bà con nông dân xem miễn phí trên ứng dụng Mekong.

Song song đó, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cũng chuyển giao cho các cán bộ kỹ thuật, nông dân bút đo độ mặn cầm tay, bộ test pH. Đồng thời, tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm 1 trạm giám sát sâu rầy để hỗ trợ thêm cho canh tác.

Hiện nay, tại một số mô hình như ở Cần Thơ, An Giang…, nông dân còn được hỗ trợ để áp dụng đồng bộ các khâu cơ giới hóa vào sản xuất, đưa máy bay không người lái (drone) vào thực hiện ở khâu bón phân, phun thuốc BVTV giúp giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất…

Với những quy trình kỹ thuật canh tác tiến bộ, kết hợp hoạt động cơ giới hóa được triển khai đồng bộ trong mô hình canh tác lúa thông minh của vụ hè thu 2022, đã giúp nông dân được tiếp cận các thiết bị, máy móc và công nghệ mới. Bà con được tận mắt chứng kiến khả năng hoạt động và hiệu quả trên đồng ruộng, từ đó sẽ mạnh dạn đẩy mạnh ứng dụng vào hoạt động sản xuất của mình để nâng cao hiệu quả, lợi nhuận trong canh tác lúa.

Xem thêm
Bệnh chết cây con dưa hấu và cách phòng trị

Dưa hấu có thể trồng quanh năm và cho giá trị kinh tế cao, nhưng thường bị bệnh chết cây con khiến nhà nông rất mệt mỏi và âu lo.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?