| Hotline: 0983.970.780

Có hay không chuyện mua bán đất rừng Sóc Sơn?

Thứ Hai 15/04/2013 , 09:58 (GMT+7)

Phá rừng, san ao tích nước chữa cháy rừng để xây dựng nhà kiên cố. Đất rừng bị “phù phép” thành đất ở… Tình trạng trên diễn ra nhiều năm ở rừng đặc dụng, phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) nhưng chưa ai bị xử lý.

Phá rừng, san ao tích nước chữa cháy rừng để xây dựng nhà kiên cố. Đất rừng bị “phù phép” thành đất ở… Tình trạng trên diễn ra nhiều năm ở rừng đặc dụng, phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) nhưng chưa ai bị xử lý.

Trong khi DN quản lý và bảo vệ là Cty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn đã được chính quyền TP chuyển thành đơn vị sự nghiệp khiến dư luận đặt câu hỏi rằng vụ việc bị “chìm xuồng”.

“Lá phổi xanh” bị băm nát

Cty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn được thành lập theo quyết định của TP Hà Nội, trên cơ sở Lâm trường Sóc Sơn, trụ sở tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn.

Cuối năm 1994, UBND TP Hà Nội có quyết định phân loại rừng trên diện tích đất lâm nghiệp. Theo đó, toàn bộ diện tích được phân loại là 6.630 ha, trong đó rừng đặc dụng là 1.529,9 ha, rừng phòng hộ môi trường 5.100 ha. Năm 1998, TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn, trong đó Lâm trường Sóc Sơn quản lý 2.435 ha, rừng phòng hộ là 1.341,7 ha, rừng đặc dụng là 1.093,3 ha.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của lãnh đạo TP, sau khi chuyển đổi cơ chế quản lý từ lâm trường sang DN, rừng Sóc Sơn lại bị phá nhiều hơn, kéo dài từ năm này qua năm khác và đến nay chưa chấm dứt. Trước những sai phạm ngày càng lớn, thanh tra Sở TN-MT Hà Nội đã tiến hành thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của Cty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn và đã có kết luận số 57/KLTT-STNMT ngày 15/1/2013.

Theo đó, Cty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn cho thuê nhà xưởng trái phép, tự ý xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao trên diện tích 3.000 m2 đất rừng, thiếu trách nhiệm để các hộ gia đình tự mua bán, chuyển nhượng đất lâm nghiệp, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng nhà ở, sân, hàng rào kiên cố. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về ban lãnh đạo và GĐ DN này.


Ở rừng đặc dụng Sóc Sơn, đâu cũng có biển “Bán đất”

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, sau gần 3 tháng kể từ khi kết luận thanh tra được ban hành, không một ai trong ban lãnh đạo Cty bị quy trách nhiệm. Đặc biệt, sau kết luận thanh tra, những công nhân Cty lại tiếp tục có đơn thư phản ánh những sai phạm nghiêm trọng hơn của lãnh đạo DN.

Đó là GĐ Cty Nguyễn Thị Thu Hằng đã tự ý san lấp khu ao treo số 2 với diện tích hơn 3.000m2, khu ao trước cửa văn phòng làm việc. Các ao này để phục vụ tưới, tiêu, đặc biệt là phòng chống cháy rừng, điều hòa trong mùa hè, giảm nhiệt cho rừng. Nhưng đã bị san lấp để chuyển mục đích, bán trái phép cho chủ dự án gần đó.

Hơn nữa, trong kế hoạch ngân sách trồng rừng 2012 với kinh phí mua phân bón cho 30 ha rừng, lãnh đạo Cty đã không mua phân bón mà lập chứng từ khống, rút tiền ngân sách Nhà nước.

Với diện tích vườn ươm cây giống, lãnh đạo Cty đã tự ý xây dựng hạ tầng, giao khoán cho người lao động với diện tích 150m2/người. Diện tích này, Cty thu tiền giao khoán hơn 2,8 tỷ đồng, thuê cá nhân làm hạ tầng hết khoảng 250 triệu đồng, nhưng ký hợp đồng khống với một công ty khác để hợp thức hóa chứng từ, rút khoảng 1,3 tỷ đồng chia nhau.

Thực tế, hiện nay, đứng bất kỳ ở đâu trong rừng Sóc Sơn đều có thể nhìn thấy những ngôi nhà nhấp nhô mọc lên ngày càng nhiều. Trong đó, có cả lãnh đạo Cty, cá nhân nhận khoán rừng và các nghệ sĩ khác mua đất rừng, làm nhà kiên cố trên đất rừng như khu nhà ca sĩ Mỹ Linh, khu Phủ Thành Chương, các nhà hàng, quán xá mọc lên như nấm sau mưa trong khắp các khu rừng Sóc Sơn.

Sự chuyển đổi khác thường của doanh nghiệp 

Kết luận thanh tra của Sở TN-MT Hà Nội ngày 15/1/2013 chỉ rõ, lãnh đạo Cty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn phải chịu trách nhiệm về những sai phạm tại diện tích rừng do mình quản lý.

Lẽ ra, sau khi có kết luận thanh tra, UBND TP Hà Nội phải chỉ đạo cơ quan chức năng, đặc biệt là Cty mẹ - Cty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội - xem xét trách nhiệm của GĐ, ban lãnh đạo Cty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn. Nhưng, UBND TP lại ban hành Quyết định số 2476/QĐ-UBND ngày 8/4/2013, chuyển Cty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn thành đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở NN-PTNT Hà Nội.


Nhà hàng, quán ăn, nhà kiên cố thi nhau mọc lên trong rừng

Luật sư Trần Đại Ngọc (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Quy trình để thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập được quy định rất rõ tại Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ. Trong đó, phải có đề án thành lập với 10 nội dung là sự cần thiết và cơ sở pháp lý, sự phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ chế tài chính, cơ chế hoạt động, phương án tổ chức và lộ trình triển khai hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập…

Sau đó lấy ý kiến cơ quan, tổ chức liên quan, tổ chức thẩm định, rồi mới được thành lập. Tuy nhiên, trong quyết định số 2476 của UBND TP Hà Nội lại căn cứ vào kế hoạch số 47/KH-UBND ngày 18/3/2013 của UBND TP Hà Nội về sắp xếp, đổi mới DN 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP, chứ không căn cứ vào các quy định tại Nghị định số 55 của Chính phủ.

Đáng lưu ý hơn, việc ra quyết định chuyển đổi DN thành đơn vị sự nghiệp của UBND TP trùng với ngày Sở Nội vụ có tờ trình số 659/TTr-SNV để chuyển Cty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn (ngày 8/4/2013). Điều này hoàn toàn trái với quy định của Chính phủ tại Nghị định 55.

Cty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn đang là DN, được điều chỉnh bởi Luật doanh nghiệp 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009), trong đó, tái cơ cấu, sắp xếp trước hết phải theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2005. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội đã bỏ qua các quy định này.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Brazil

Chiều 16/11 (giờ địa phương), tại thủ đô Rio de Janeiro, Thủ tướng đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Liên bang Brazil.

Hà Nội dự chi gần 38 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất

Theo đề xuất, đối tượng hỗ trợ là các tổ chức, cá nhân có diện tích sản xuất cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do bão số 3 và sau bão.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.