| Hotline: 0983.970.780

Cỗ máy kỳ diệu giữa bãi rác khổng lồ

Thứ Ba 30/07/2024 , 06:00 (GMT+7)

TIỀN GIANG Một thợ cơ khí ở TP.HCM đã nghiên cứu thiết bị, quy trình, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ, chất đốt không gây ô nhiễm môi trường.

Bỏ ra 20 tỷ đồng nghiên cứu công nghệ xử lý rác

Chúng tôi vừa có dịp tham quan một cỗ máy rất kỳ diệu do ông Võ Hoài Phong (một người dân ở TP.HCM) chế tạo, biến rác sinh hoạt thành phân bón hữu cơ, nhiên liệu (chất đốt dạng lỏng tương tự như xăng hay dầu) đang hoạt động tại ấp Hòa Phú, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Đưa rác hỗn hợp vào máy phân loại. Ảnh: Minh Đảm.

Đưa rác hỗn hợp vào máy phân loại. Ảnh: Minh Đảm.

Rác thải khi mới được tiếp nhận sẽ được dùng một loại vi sinh vật (do chính ông Phong nhận chuyển giao và nhân nuôi) để xử lý mùi hôi, không cho ruồi nhặng đến bu bám, từ đó đã giải quyết căn cơ vấn đề mùi hôi ám ảnh những ngôi nhà xung quanh.

Từ bãi rác, chiếc máy xúc đưa từng gầu rác hỗn hợp vào máy phân loại cấp 1. Ở đây, chúng sẽ bị xé ra để phân loại và chất hữu cơ được lấy ra đầu tiên. Sau đó, rác vô cơ tổng hợp tiếp tục được đưa vào hầm rửa (phân loại bằng nước). Rác nặng (xi măng, cát đá, sắt thép…) chìm xuống đáy hồ được giữ lại. Rác dạng nhẹ như nilon, vải xồ, khẩu trang… tiếp tục được máy phân loại cấp 2 rửa sạch và đưa ra ngoài.

Sau khi kết thúc quá trình phân loại, chất hữu cơ và nước thải sẽ được chế biến bằng quy trình công nghệ để cho ra sản phẩm phân hữu cơ dạng viên nén, dung dịch cải tạo đất (phèn, mặn), phân bón lá.

Công nhân mang rác nhựa đã qua rửa bằng nước vào lò đốt. Ảnh: Minh Đảm.

Công nhân mang rác nhựa đã qua rửa bằng nước vào lò đốt. Ảnh: Minh Đảm.

Rác thải nhẹ được nén viên, giảm độ ẩm và đưa vào lò đốt yếm khí. Quá trình này cũng sinh ra khí gas, khí gas lại được tiếp tục làm nhiên liệu để đốt lò này. Sản phẩm đầu ra là chất lỏng tương tự như xăng dầu, có thể dùng cho máy có động cơ đốt trong. Ngoài ra, xỉ từ quá trình đốt được thu thập (kết hợp với cát, đá ở công đoạn rửa), sau 2 - 3 tháng được dùng làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung.

Mỗi ngày, cỗ máy này có thể xử lý đến 20 tấn rác để cho ra 200 - 300 lít nhiên liệu và nguyên liệu để chế biến từ 5 - 7 tấn phân bón hữu cơ.

Công nghệ của ông Phong có thể giải quyết tất cả các loại rác sinh hoạt như rác hữu cơ, vô cơ với nhiều ưu điểm thân thiện với môi trường bởi không mùi hôi thối, không ruồi nhặng, không khói, không tiếng ồn. Đặc biệt, cỗ máy rất nhỏ gọn, do chính ông Phong tự nghiên cứu sản xuất 100% nên chi phí thấp, vận hành đơn giản và tốn rất ít nhân lực (4 người).

Sản phẩm phân hữu cơ và phân bón lá đã được kiểm nghiệm, kiểm định cho kết quả an toàn với cây trồng, đất, nước, con người…, phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ (organic).

Lò đốt yếm khí. Ảnh: Minh Đảm.

Lò đốt yếm khí. Ảnh: Minh Đảm.

Riêng đối với nhiên liệu dạng lỏng (thô), hiện sản phẩm này có công dụng tương tự như xăng A92, có thể dùng chạy xe máy, tuy nhiên cần được nghiên cứu thêm để hoàn thiện các tiêu chí kỹ thuật mới có thể đảm bảo sử dụng tốt. Tất cả các công đoạn này đều hoạt động tuần hoàn, kể cả nước thải vẫn được tái sử dụng, đảm bảo tốt vấn đề môi trường.

Ông Võ Hoài Phong (trú phường 4, quận 8, TP.HCM) trước đây là thợ khí, cũng đồng thời chủ một gara ô tô. Chứng kiến các bãi rác nhiều nơi xuất hiện ngày càng nhiều, ngày càng phình to, gây ô nhiễm nặng nề nên từ năm 2016 đến năm 2019, ông đã bỏ ra khoảng 20 tỷ đồng để đầu tư, nghiên cứu mô hình nhà máy xử lý rác tuần hoàn theo kiểu mi-ni tại TP.HCM.

Chất lỏng tựa như dầu thô thu được từ quá trình đốt rác nhựa. Ảnh: Minh Đảm.

Chất lỏng tựa như dầu thô thu được từ quá trình đốt rác nhựa. Ảnh: Minh Đảm.

Thấy mô hình có triển vọng, ông Phong cùng các cộng sự đã thành lập Công ty Cổ phần Nam Long Xanh do ông làm Giám đốc để gắn bó với nghề xử lý rác. Hiện nay, quy trình, công nghệ, thiết bị xử lý rác thải của ông Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chấp nhận đơn hợp lệ bảo hộ sáng chế.

Người dân bãi rác thoát cảnh ruồi bu đen, ăn cơm trong mùng

Năm 2023, cơ duyên đã đưa ông Phong tìm đến bãi rác tại ấp Hòa Phú, xã Long Bình (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) - nơi có nghĩa địa quạnh hiu với hàng nghìn tấn rác gây ô nhiễm trầm trọng. Đến tháng 8/2023, khi đặt nhà máy tại đây, ông tiếp tục đầu tư thêm gần 30 tỷ đồng mua sắm các máy móc, trang thiết bị cần thiết để hoạt động.

Nhiều đoàn tới tham quan quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải hữu cơ sinh hoạt. Ảnh: Minh Đảm.

Nhiều đoàn tới tham quan quy trình sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải hữu cơ sinh hoạt. Ảnh: Minh Đảm.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, trước đây, bãi rác này hôi thối, rất ô nhiễm. Từ khi ông Phong đặt nhà máy đến nay, không khí trở lại trong lành bởi không còn mùi hôi thối, ruồi nhặng bu bám. Bà con thoát cảnh tới bữa cơm phải giăng mùng vì ruồi bu đen. Nhiều bà con ngỡ ngàng không tin vào sự thật.

Ông Nguyễn Văn Mai (thường gọi Ba Cồ) phấn khởi: “Mỗi lần bãi rác này hực mùi lên là cả xóm chịu không nổi. Từ khi ông Phong đưa máy móc về xử lý rác, nông dân rất tâm đắc. Hôm nọ tôi có ra bãi rác dự hội thảo, thấy không có mùi, không có ruồi. Phân bón sử dụng cũng hiệu quả, rải cho cây kiểng, lúa, rau màu rất tốt".

“Bà con thấy mô hình xử lý rác của ông Phong đạt kết quả rất tốt. Trên địa bàn huyện Gò Công Tây có 3 bãi rác là Thạnh Nhựt, thị trấn Vĩnh Bình và ấp Hòa Phú xã Long Bình. Mong sao mô hình này tiếp tục được triển khai áp dụng để xử lý rác cho các bãi rác trên địa bàn huyện để chúng tôi không còn lo vấn đề không khí ô nhiễm nữa”, ông Đỗ Hoàng Dũng, Phó Trưởng ấp Hòa Phú nêu ý kiến.

Giàn bầu tưới tốt nhờ bón phân hữu cơ từ nhà máy. Ảnh: Minh Đảm.

Giàn bầu tưới tốt nhờ bón phân hữu cơ từ nhà máy. Ảnh: Minh Đảm.

Rất đồng tình với ý kiến này, ông Lê Văn Hùng, một doanh nhân tại tỉnh Tiền Giang sau khi đến tham quan nhà máy xử lý rác của Công ty Nam Long Xanh nêu cảm nhận: “Bây giờ tôi mới thấy mô hình xử lý rác hay như thế này. Từ rác có thể xử lý thành dầu, chất đốt, sau đó làm phân hữu cơ, bước đầu nhà máy này làm rất tốt, khi bước vào không hề có mùi hôi. Mô hình này địa phương cần nhân rộng ra nhiều chỗ nữa bởi rất hiệu quả”.

Từ thành thị, ông Võ Hoài Phong đã về vùng sâu để gắn bó với nghề xử lý rác, một nghề rất vất vả và độc hại. Gần một năm qua, nhiều lúc ông phải ăn ở, ngủ không giường chiếu (mắc võng) ngay lán trại tại bãi rác nằm cạnh nghĩa địa, sống trong môi trường khó khăn, thiếu thốn là vì cái tâm, ý chí phải “chiến thắng” rác thải. Mô hình thành công bước đầu nên ông và các cộng sự rất vui và quyết tâm mở rộng mô hình.

Hiện nay, bãi rác xã Long Bình (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) đã hết mùi hôi thối, lượng rác ngày càng giảm dần. Dù đã bỏ ra nguồn vốn rất lớn, chưa thu lợi nhuận nhưng ông Võ Hoài Phong và các cộng sự luôn rạng rỡ niềm vui vì thấy rác thải đã trở thành tài nguyên hữu ích cho cuộc sống. Ông chia sẻ: “Bây giờ kỹ thuật đã vững rồi, tôi muốn đề xuất mở rộng địa bàn, không cần diện tích lớn, ví dụ như một huyện một nhà máy hoặc một xã một cái. Vốn thì nếu được nhà nước hỗ trợ càng tốt”.

Rác thải là nguồn tài nguyên quý dưới góc nhìn của người thợ cơ khí Võ Hoài Phong. Ảnh: Minh Đảm.

Rác thải là nguồn tài nguyên quý dưới góc nhìn của người thợ cơ khí Võ Hoài Phong. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện nay, ở hầu hết các tỉnh vùng ĐBSCL và nhiều địa phương trong cả nước đang “kêu cứu” vì các bãi rác ngày càng phình to gây ô nhiễm rất nặng nề. Các dự án xử lý rác rất khó kêu gọi nhà đầu tư hoặc khi triển khai hiệu quả không đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, giờ đây rác thải không còn là thứ bỏ đi mà sẽ là tài nguyên có giá trị. Nhà máy xử lý rác Nam Long Xanh đang hoạt động liên tục tại bãi rác ấp Hòa Phú đã chứng minh điều đó. Dẫu vậy, mô hình này đang rất cần sự chung tay, góp sức, tạo điều kiện của nhà chức trách, nhà đầu tư để nâng cao năng lực và hoàn chỉnh công nghệ để hiệu quả cao hơn nữa.

Xem thêm
Loại mật ong xứng đáng 9 điểm: [Bài 1] Sáng kiến thay chúa kế vương

HẢI PHÒNG Một lần dự hội nghị ở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại Hà Nội tôi được nếm thử thứ mật ong xứng đáng được chấm cho 9 điểm.

Xử lý nghiêm buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam

TÂY NINH Trước tình hình buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh, Tây Ninh đặt ra nhiều giải pháp ngăn chặn.

Hải Phòng tạo điều kiện tốt nhất vốn vay để tái sản xuất nông nghiệp

HẢI PHÒNG Hơn 90 người trong tổng số hơn 100 thành viên Câu lạc bộ đại điền ở Hải Phòng có diện tích lúa bị thiệt hại sau bão, ít thì 20 mẫu, nhiều thì 80 mẫu.