| Hotline: 0983.970.780

Có một bình yên Trường Sa nơi tôi đến

Thứ Năm 20/06/2024 , 13:50 (GMT+7)

Ở đây, giữa mênh mông biển trời, những chiến sĩ vẫn ngày đêm canh giữ, mang lại bình yên cho vùng lãnh thổ tiền tiêu của Tổ quốc.

Trường Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng, tiền tiêu của tổ quốc. Ảnh: Hương Giang.

Trường Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng, tiền tiêu của tổ quốc. Ảnh: Hương Giang.

Trường Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng, tiền tiêu của Tổ quốc. Nơi đây không chỉ có những rạn san hô muôn màu sắc, những bờ cát trắng mịn màng mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử oai hùng của dân tộc. Ở đây, giữa mênh mông biển trời, những người chiến sĩ vẫn ngày đêm canh giữ, mang lại bình yên.

Sự thơ mộng của biển, trời

Tôi đến với Trường Sa trong một mùa biển lặng. Con tàu mang số hiệu KN 390 cứ nhẹ nhàng lướt trên thảm xanh của nước biển. Mới đầu hè, nhưng cái nắng cũng đã hiển hiện khắp không gian. Ánh mặt trời rực rỡ dường như làm nước biển xanh hơn và bầu trời cao hơn. Từng cơn sóng vỗ mạnh vào mạn tàu, tung lên những khối bọt trắng xóa như đang cố “ve vãn” những đám mây trôi lang thang, mong kéo gần bầu trời về với biển.

Những âu tàu, cảng biển, những bè nuôi hải sản… hay những con tàu cá đã khuất dần. Sóng điện thoại đã tắt, tôi tạm rời cuộc sống thường nhật nơi đất liền để chấp nhận một thực tế là chỉ còn biển và trời mà thôi.

Tàu KN 390 vẫn lướt sóng ra khơi, như đang cố chạy trốn ánh mặt trời nóng bỏng, như muốn bỏ rơi mặt trời, để nó rơi dần vào góc biển. Từng cơn gió mát rượi lan tỏa ra không gian. À, thì ra hoàng hôn đã xuống…

Ở nơi góc biển ấy, mặt trời đang cố phát ra chút năng lượng cuối cùng trong ngày, như cố níu kéo sự hiện diện của mình. Một góc trời phía Tây trở nên vàng vọt như báo trước sự ra đi trong ngày của một quyền năng. Và kia, một sự hòa trộn khéo léo của thiên nhiên, một sự đồng cảm, một sự sẻ chia. Góc biển phía Tây cũng đã hóa màu vàng. Những con sóng còn tô điểm thêm bức tranh thiên nhiên huyền diệu này bằng những “sợi kim tuyến” óng ánh.

Khi hoàng hôn phát những tia sáng cuối cùng thì biển và trời đã hòa quyện vào nhau bằng một màu đen huyền bí.

Thiên nhiên huyền diệu hòa quyện biển và trời. Ảnh: Hương Giang.

Thiên nhiên huyền diệu hòa quyện biển và trời. Ảnh: Hương Giang.

Có “hương vị quê nhà” ở Trường Sa

Khi ánh bình minh tách được biển và trời xa dần nhau, cũng là lúc chúng tôi tiếp cận được với các điểm đảo của quần đảo Trường Sa, phần lãnh thổ tiền tiêu thiêng liêng của Tổ quốc.

Lần đầu được đến Trường Sa, nhưng tôi lại luôn cảm thấy rất gần gũi tại mỗi nơi mình đặt chân đến. Từ điểm đóng quân, đảo chìm, đảo nổi… có cái gì đó rất thân thuộc. Để xem nào… Sóng ư? Biển ư? Hay gió mặn? Không, tôi chưa thực sự quen thứ đó. Phải rồi, đúng rồi, đó là hương vị và âm thanh quê nhà… đến từ từng luống rau, từng đàn vịt, đàn gà hay là những chú heo béo mẫm và đương nhiên không thể thiếu tiếng sủa thân thuộc của những chú chó vô cùng dễ thương.

Mỗi điểm đảo chìm, không gian sống và làm việc của các chiến sĩ là những khối nhà bê tông được dựng lên từ cốt san hô. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và quân đội quan tâm đầu tư nhưng không gian sinh hoạt tại mỗi điểm đảo chìm vẫn còn khá khiêm tốn. Thế nhưng trong không gian chật chội đó, các chiến sĩ vẫn dành vài chục mét vuông để tạo dựng các vườn rau.

Theo đồng chí Hoàng Văn Quân, Phó Chủ nhiệm hậu cần kỹ thuật Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân, để có được vườn rau tại mỗi đảo chìm thì phải "làm nhà cho rau". "Tường nhà" sẽ là những tấm tôn quây kín ngăn gió mặn và mái che là những tấm nhựa trong suốt giúp rau đủ sáng để thực hiện quá trình quang hợp.

“Chúng tôi đảm bảo các vật tư, kỹ thuật như: đất, phân, giá thể và các khay composite… để tạo dựng và duy trì các vườn rau tại các điểm đảo. Đối với các đảo chìm, muốn rau sinh trưởng được thì phải làm nhà cho rau để tránh tác động của nước biển do sóng đánh lên và các mùa gió mạnh.

Chăm sóc vườn rau vừa là nhiệm vụ, vừa là thú vui sau mỗi ca trực của lính Hải quân. Ảnh: Xuân Hào.

Chăm sóc vườn rau vừa là nhiệm vụ, vừa là thú vui sau mỗi ca trực của lính Hải quân. Ảnh: Xuân Hào.

Tại các đảo nổi, điều kiện tăng gia được cải thiện đáng kể. Các vườn rau được triển khai bài bản và tăng được nhiều loại rau. Đơn cử như tại đảo Trường Sa lớn, xen lẫn giữa những cây bàng cổ thụ, những hàng phi lao thẳng tắp là những hàng chuối tiêu, những cây đu đủ sai trĩu quả.

Những vườn rau xanh ở đây có thể rộng hàng trăm mét vuông, nhìn không khác gì những vườn rau trên đất liền. Chỉ khác là các vườn rau ở đây vẫn phải “mặc áo” và “đội mũ”.

Tôi đã thoáng giật mình khi đang ngồi xuồng vào thăm điểm đảo lại nghe trong ì ầm sóng biển có tiếng vịt gọi bầy, tiếng gà gáy trưa. Những âm thanh thân thuộc ấy phần nào cũng giúp các chiến sĩ nơi đây vơi đi nỗi nhớ đất liền.

Ngoài huấn luyện chiến đấu giỏi, các chiến sĩ Trường Sa còn xuất sắc trong công tác tăng gia. Ảnh: Xuân Hào.

Ngoài huấn luyện chiến đấu giỏi, các chiến sĩ Trường Sa còn xuất sắc trong công tác tăng gia. Ảnh: Xuân Hào.

Vang tiếng ê a học chữ

"Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm, đảo nổi/Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la/Sinh ra ở Trường Sa/Em là con của biển..." đó là những vần thơ mộc mạc trong bài "Quê em ở Trường Sa" mà các em học sinh ở Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa đọc tặng mỗi khi có đoàn khách đến thăm.

Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, với không gian rộng rãi, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang giữa sắc xanh của những cây phong ba, bàng quả vuông… có đầy đủ phòng chức năng như lớp học, thư viện, phòng nghỉ giáo viên... Tuy nhiên, không giống như những trường học khác ở đất liền, ngôi tường này chỉ có một lớp học "đặc biệt". Số lượng học sinh là 9 nhưng lại học ở nhiều trình độ khác nhau, từ mẫu giáo đến lớp 3. Hai thầy giáo Lê Xuân Hanh và Cao Văn Triều đảm nhiệm giảng dạy.

Trao đổi với tôi trong những phút giải lao, thầy Lê Xuân Hanh cho biết, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hiện nay huyện đảo Trường Sa đã có 3 trường tiểu học ở các đảo: Trường Sa, Song Tử Tây và Sinh Tồn. Tại mỗi trường, thường xuyên có từ 1-2 thầy giáo đảm nhiệm công tác giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho các em.

Những tiếng ê a học chữ vẫn vang đều giữa trùng khơi. Ảnh: Xuân Hào.

Những tiếng ê a học chữ vẫn vang đều giữa trùng khơi. Ảnh: Xuân Hào.

Những phút “thanh tao” của người lính đảo

Sau những buổi tập luyện trên thao trường, những ca trực gác căng mình, những người lính đảo lại trở về với nề nếp sinh hoạt thường ngày, trở thành những chàng trai vui tính, hoạt bát, đáng yêu và hết sức bình dị...

Tinh thần đoàn kết, sẻ chia, keo sơn gắn bó của người lính Trường Sa. Ảnh: Xuân Hào.

Tinh thần đoàn kết, sẻ chia, keo sơn gắn bó của người lính Trường Sa. Ảnh: Xuân Hào.

Có tận mắt chứng kiến, tôi mới cảm nhận được hết tinh thần đoàn kết, keo sơn gắn bó của các chiến sĩ nơi đây, từ việc hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ cho đến giúp đỡ nhau những công việc thường nhật. Hay những lúc có thời gian rảnh rỗi, các chiến sĩ hải quân lại quây quần cùng nhau đọc chung quyển sách, bài báo, cùng nhau với cây đàn guitar và cất lên những bài ca về biển đảo, như phần nào làm vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.

Vĩ thanh

Đến với quần đảo Trường Sa, đến với các chàng trai lính đảo vào giữa tháng 5 đầy nắng và gió, ấn tượng để lại cho mỗi người chúng tôi đó là sức sống bền bỉ và sự lạc quan của người lính đảo; đó là sự trẻ trung vô tư luôn hiện lên trên những khuôn mặt rạng ngời, nhưng ẩn sau đó là một thoáng ưu tư khi nhớ về quê nhà, nhớ về người thân. Nhưng với sứ mệnh bảo vệ sự vẹn toàn của lãnh thổ, các chàng trai của chúng ta đã hy sinh tuổi trẻ, thậm chí cả thân mình cho Tổ quốc thiêng liêng.

Có người nói, Trường Sa giờ đã bớt xa, điều này có thể đúng. Bởi những năm qua, Đảng, Nhà nước và các doanh nghiệp… đã đầu tư nhiều hơn cho Trường Sa, giúp cho đời sống của các cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo được nâng lên. Từ những cột điện gió đến hệ thống pin điện mặt trời, thông tin liên lạc đến những gói hạt giống rau, những chế phẩm vi sinh…, tất cả như đang kéo gần khoảng cách Trường Sa với đất liền.

Xem thêm
Triển khai các quy định mới về điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản

Cần Thơ Buổi tập huấn góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp xung quanh các quy định mới về sản xuất thức ăn và bảo vệ môi trường thủy sản.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hòa Bình triển khai san gạt, hạ cốt khu vực đồi Lủ Thao

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình trực tiếp yêu cầu huyện Lương Sơn khẩn trương triển khai dự án phòng, chống sạt lở khu vực đồi Lủ Thao.

Có một trận ‘lũ quét’ giữa lòng sông

Ngoài 50 tuổi, ông Nguyễn Đăng Tuấn mới thấy lũ quét trên tivi, nhưng bằng mắt so sánh, có lẽ nó cũng chỉ ghê gớm tựa như nước sông Thái Bình hồi bão số 3.