Trước 1945, hàng năm, cứ đến ngày 10/3 âm lịch, khi lễ hội đền Hùng mở ra, làng Xuân Lũng, tên nôm là Kẻ Dòng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, lại đôn đáo tuyển chọn những cô gái đẹp trong làng để đưa đi ngồi quân cờ ở hội đền.
Vừa tròn 100 năm ngày giỗ tổ Vua Hùng được triều đình nhà Nguyễn chọn làm ngày Quốc giỗ, Quốc lễ, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi về lễ hội xưa, Nhà nghiên cứu Dương Huy Thiện - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ bồi hồi nhắc đến tục đánh cờ người ở làng Xuân Lũng, tên nôm là Kẻ Dòng, huyện lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Nhà nghiên cứu Dương Huy Thiện (Ảnh: KMS) |
“Những cô gái đẹp ở làng Dòng tuổi từ 16 đến 18, trong trắng được chọn vào làm quân cờ phục vụ lễ hội”.
Nhưng cũng đáng tiếc là cuộc cờ ấy đã thất truyền từ 75 năm trước. Theo tư liệu còn ghi lại được, khi bàn cờ đất Tổ tạm xếp lại, năm 1943, thì có lẽ những gương mặt tuổi trăng rằm của các cô Nguyễn Thị Tỵ, con bủ Vệ Tho, ở xóm An Thọ; Nguyễn Thị Trọng, họ Ba ngành, người xóm làng San; Nguyễn Thị Tuyết, con gái ông Nguyễn Viết Đạo… hình như là thế hệ người đẹp cuối cùng xuất hiện ở Xuân Lũng?
Dân trường tạo lệ
Sở dĩ Xuân Lũng được hưởng điềm may này vì theo truyền thuyết kể lại, Xuân Lũng là mảnh đất đã sinh ra năm người con gái mặt hoa da phấn trong cùng một giờ, chuyên làm nghề trồng chè đã được nhà vua gọi vào cung, từ đó thành lệ.
Cũng theo lệ xưa truyền lại, Xuân Lũng cũng là một trong tám xã thuộc tổng Xuân Lũng được đảm trách vai trò “dân trưởng tạo lệ”, tức là thay mặt cho cả nước chăm lo việc đèn nhang thờ tự (năm lẻ) ở đền Hùng. Vì thế, tục lệ tuyển hoa khôi của Xuân Lũng tham dự hội đền Hùng và cả hội xuân ở phủ Lâm - tên gọi tắt của phủ lỵ Lâm Thao - càng có cơ sở để duy trì và phát triển.
Tôi đã cất công hỏi nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đất Tổ về hội “đấu mỹ” - đấu cờ đầy trí tuệ này, nhưng đã ¾ thế kỷ, mấy ai còn biết đến. May chăng, nhà văn Nguyễn Văn Toại, tác giả “Kẻ Dòng nội truyện” đã từng viết.
Hình như, nhà văn Nguyễn Văn Toại là người Kẻ Dòng nên ông mới am hiểu đến như vậy. Nói hình như là vì cho đến nay tôi cũng chưa biết ông Toại ở đâu. Hỏi một số văn nghệ sĩ ở Việt Trì thì cũng chỉ biết một cách mờ mờ là hình như ông ấy không còn ở Phú Thọ nữa.
Theo tư liệu nhà văn Nguyễn Văn Toại viết cho biết: Cờ người là một trò chơi dân gian vừa mang tính trí tuệ lại vừa có tính cách của hình thức diễn xuất kịch câm rất phổ biến ở làng quê Bắc Bộ.
Hội đền Hùng năm 1943, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ là Cung Đình Vận đã cho đan những cái rọ giống rọ lợn vừa to vừa chắc để bắt nhốt những cặp trai gái đi hội mà có hành vi không đứng đắn hoặc giam chân những kẻ dám bờm xơm người đẹp giữa ban ngày! |
Sau khi nhận được “trát” của trên, hội đồng lý dịch làng Xuân Lũng cho gọi những cô gái làng đức hạnh tốt, ngoại hình dễ ưa ra đình Cả, ngôi đình cổ và to nhất vùng, dự sơ tuyển. Sau đấy những cô gái được chấm còn phải về phủ Lâm Thao dự thi vòng hai.C ách thức chấm chủ yếu là “trông mặt mà bắt hình dong”. Tiêu chuẩn về văn hóa coi như không đặt ra vì dưới chế độ cũ, phụ nữ ít được học hành. Thành viên dự thi là những cô gái chưa chồng, con cái các gia đình khá giả hoặc có chức sắc ở xã, ở tổng.
Các gia đình đã bằng lòng cho con gái đi ngồi quân cờ thì cha mẹ phải chi tiền may sắm quần áo (ba bộ), giày dép (ba đôi), nón thúng quai thao cùng nhiều tư trang khác (để trong một cái hòm gỗ con), đáng giá vài chục đồng bạc, chứ nhà nước không cấp phát và không có tổ chức xã hội nào tài trợ.
Số tiền nói trên không hề nhỏ, bởi vì theo số liệu của ông Toại, năm 1922, chỉ với hai đồng bạc đã có thể sắm được một ván xôi gà, một trăm cau, một chai rượu làm lễ vấn danh!
Khi người đẹp được đưa thẳng về hội đền Hùng hoặc về phủ Lâm Thao thì lý trưởng phải dẫn đi. Đi sang thì có xe tay, còn thường thì phải cuốc bộ. Ai được ngồi quân xe, quân pháo thì sự hãnh diện không để đâu hết; được xếp ngồi cung tướng càng thơm hơn nhưng có người lại e ngại, vì sợ cao số, khó nhọc về đường chồng con.
Đấu mỹ trên đền
Theo quy định cũ, sau khi quan tuần phủ lên dâng hương đền Thượng, các cô gái, chàng trai mới được ngồi vào vị trí quân cờ của mình. Mỗi cuộc cờ thường có bày một bàn rượu và một đĩa chén hạt mít do hai cụ cao niên và cao cờ điều khiển.
Bên trai áo the, khăn nhiễu thướt tha, giày Gia Định bóng lộn cũng với mười sáu biển quân cờ cao hơn tầm người và được viết chữ cả hai mặt. Bên gái mười sáu người mặc áo tứ thân lụa điều, yếm cánh sen, váy lĩnh, chân đi hài mỏ phượng, đầu quấn khăn vành dây lá mạ cùng mười sáu biển quân cờ có chân đứng ngang tầm vai.
Đánh cờ người (Ảnh tư liệu) |
Điều lý thú là có những nhà có đến ba thành viên cùng được ngồi vào bàn cờ, tất nhiên là ở những thời điểm khác nhau. Đấy là trường hợp của ông bà Đào Văn Diễm và Nguyễn Thị Tầu, tục gọi Phó Ích, có ba người con gái đẹp là Đào Thị Ích, Đào Thị Tài và Đào Thị Khoa. Ông Đào Văn Diễn trúng cử phó lý làng Xuân Lũng năm 1921, rành chữ Nho hơn chữ Quốc ngữ. Ba người con gái họ Đào được thừa hưởng làn da trắng như trứng gà bóc và mái tóc dài chấm đất, mỗi lần gội đầu phải đứng trên giường để chải.
“Sau khi hoàn thành nghĩa vụ ở lễ hội, họ lại bằng lòng trở về với thân phận đã được an bài của người phụ nữ thời phong kiến. Lại cày bừa dưới ruộng, lại cuốc xới trên nương và chăm chỉ phụng dưỡng chồng con. Cả những bộ quần áo đắt tiền cùng nhiều tư trang khác có người chỉ dùng một lần trong đời rồi bỏ quên luôn dưới đáy tay nải…” -Nhà văn Nguyễn Văn Toại. |
Hội đấu cờ người là ngày hội trữ tình của những trái tim trong trắng nhưng đầy chìm nổi sau lũy tre làng mong manh. Hoa khôi ở làng Dòng không hề được mang vương miện, cho dù họ là những người sớm chạm tay vào các loại mốt vòng bên ngoài lũy tre xanh. Họ như những bông hoa của nương đồi chỉ lặng lẽ đơm hương, kết trái.
Ông Toại đã hỏi rằng: “Người đời nay mấy ai biết cô Nguyễn Thị Thìn, con ông Nguyễn Đoàn, tức Ký Đoàn, một nghĩa binh Yên Bái năm 1930, vào những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi đã được kén ngồi cung tướng, tức là được xếp vào loại gái đẹp nhất làng?”
Rồi chuyện cụ Đỗ Thành, từng làm Bang tá Cẩm Khê, Phú Thọ, hàm chánh cửu phẩm, tục gọi Huyện Nhượng, có hai cháu ngoại là Nguyễn Thị Thái và Nguyễn Thị Văn (mẹ đẻ là Đỗ Thị Mỹ, tức bà phó Minh Cư) cùng được đắc cử một lần ngồi sĩ. Hay thân mẫu của cố GS Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo - Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Hà Nội, đã từng đặt những bước chân duyên dáng lên thảm cờ đất Tổ vào trước những năm 1930. Tên bà là Nguyễn Thị Bình, họ Ba ngành của Nguyễn Chính Tuân, đậu tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1514), đời vua Lê niên hiệu Hồng Thuận.
Họ Tam Sơn ở Xuân Lũng có bà Nguyễn Thị Chinh, con gái đồ Chinh - Nguyễn Văn Đức. Nhưng bà Chinh do không thích hợp với nhu cầu lao động đồng áng căng thẳng ở gia đình nhà chồng mà lâm bệnh trọng và đã từ biệt cõi đời ở tuổi hai mươi bảy, để lại hai người con trai đang còn thơ dại.
Bao giờ cho đến ngày xưa
Nhà giáo Dương Huy Thiện tìm trong tủ sách của mình một tập tài liệu về văn hóa dân gian đất Tổ gửi tặng tôi. Đoạn ông khe khẽ reo một tiếng cười vui ở tuổi đã 84: “Cờ người ấy phải nói là rất hay mà hiện nay huyện Cẩm Khê còn giữ được. Gần đây họ cũng đang đặt vấn đề làm thế nào để đưa đánh cờ người về đền Hùng đấy anh ạ”, ông Thiện thủ thỉ.
Tôi hỏi người thầy giáo đã có nhiều năm ròng rã nghiên cứu về cái vỉa vàng đất Tổ vì sao đánh cờ người ở đền Hùng lại thất truyền? Ông cũng khẽ khàng trả lời: “Bởi vì việc tổ chức công phu, mất công lắm, phải có người say mê, người điều hành phải am hiểu. Dẫn cờ lại dẫn bằng thơ cho nên rất khó”. Phải chăng vì khó như vậy cho nên những người làm quản lý văn hóa thấy đề xuất của nhân dân và nhà khoa học cũng cần thiết nhưng cần phải nghiên cứu tiếp. Nhà nghiên cứu Dương Huy Thiện mong mỏi: “Tôi nghĩ rằng ở đền Hùng nên phục hồi đánh cờ người”. Mong muốn ấy là thiết thực và bao giờ cho đến ngày xưa?