"Cơ sở đóng gói là nơi phân loại, sơ chế, làm sạch, kiểm soát đối tượng kiểm dịch, kiểm soát sinh vật gây hại, lưu trữ, bảo quản, dán mác sản phẩm rồi vận chuyển đến nước nhập khẩu.
Muốn được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cấp mã số, cơ sở đóng gói phải đảm bảo thiết kế đúng quy trình một chiều, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng hồ sơ truy xuất nguồn gốc và các yêu cầu khác theo Nghị định thư đã ký giữa Bộ NN-PTNT và GACC”, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Trong thư thông báo gửi Văn phòng SPS Việt Nam ngày 1/3, GACC lưu ý các vấn đề trên. Trong đó, để nâng cao chất lượng sầu riêng đáp ứng yêu cầu Nghị định thư, phía bạn quan tâm tới điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và cơ sở vật chất tại cơ sở đóng gói.
Theo ông Nam, phía GACC thường chú trọng đến cơ sở vật chất của nhà xưởng như: mặt bằng nhà xưởng phải đủ cứng để thuận lợi cho việc vệ sinh; phải vệ sinh bụi và sinh vật gây hại khi làm sạch bề mặt sầu riêng....
“Khi kiểm tra trực tuyến, GACC rất chú ý đến mặt bằng nhà xưởng, dụng cụ sơ chế và kho bảo quản, lưu trữ thành phẩm. Nếu cửa khu thành phẩm mở, thay vì đóng, hoặc không có sự ngăn cách giữa lối ra và lối vào, cơ sở đóng gói có thể bị từ chối cấp mã số”, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nói.
Tính đến hết tháng 2/2023, Việt Nam có tổng cộng 97 cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn được GACC cấp mã. Tiền Giang là tỉnh được cấp nhiều mã số nhất, chiếm khoảng hơn 1/3 tổng số này. Số còn lại rải rác ở các địa phương như Đăk Lăk, Bến Tre, Đồng Nai….
TS. Ngô Xuân Nam lấy ví dụ: Khu vực xuất xuất nhập hàng phải tách biệt theo nguyên tắc một chiều của dòng nguyên liệu, nhà ăn không được nằm trong khu xưởng đóng gói, giữa khu làm sạch với khu chứa nguyên liệu phải có vách ngăn riêng biệt… Những yếu tố này có thể phát sinh lây nhiễm chéo trong quá trình sản xuất.
Cơ sở đóng gói là khâu sơ chế cuối trước khi sầu riêng được xuất khẩu. Vì vậy, chủ cơ sở đóng gói cần tăng cường nhận thức về việc quản lý nguyên liệu đầu vào: hồ sơ nhập liệu phải ghi chép đầy đủ, sắp xếp riêng biệt giữa sầu riêng đạt chuẩn và sầu riêng không đạt chuẩn; Quản lý tách biệt giữa sầu riêng đông lạnh với sầu riêng tươi.
Việc vận chuyển sầu riêng từ vườn trồng về cơ sở đóng gói phải quan tâm tới việc che chắn bụi hoặc ngăn ngừa ô nhiễm thứ cấp cho sầu riêng.
“Vì vậy, các cơ sở đóng gói cần tuân thủ chặt chẽ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong suốt quy trình sản xuất từ khâu thu hoạch, vận chuyển về cơ sở đóng gói đến khâu phân loại, làm vệ sinh, sơ chế, đóng gói và vận chuyển, đảm bảo hồ sơ ghi chép đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc”, TS. Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc cùng đang sốt sầu riêng. Hiện giá sầu riêng neo ở mức 120.000 - 150.000 đ/kg, tuỳ loại. Nguyên nhân đẩy giá sầu riêng tăng cao là do còn hơn một tháng nữa, khu vực ĐBSCL mới thu hoạch rộ. Thời điểm này, sầu riêng chủ yếu là trái vụ, sản lượng không đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Để xây dựng ngành hàng sầu riêng bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân, TS. Ngô Xuân Nam lưu ý việc tự kiểm tra, rà soát của cơ sở đóng gói, tránh ô nhiễm thứ cấp ở khâu cuối cùng trước khi xuất ngoại.
“Cơ sở đóng gói nên có một bộ phận chuyên môn kiểm tra toàn bộ nguyên liệu, phương tiện vận chuyển trước và trong quá trình giao hàng. Nếu chế biến đồng thời nhiều mặt hàng, cơ sở cần có biện pháp quản lý, quy trình sản xuất chuyên biệt cho từng loại, tránh nguy cơ trộn lẫn nhiều sản phẩm trên một dây chuyền sản xuất”, ông Nam đề nghị.
Cùng với đó, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị cơ sở đóng gói bố trí cán bộ, nhân viên nghiên cứu kỹ nội dung, thành thạo các quy định trong Nghị định thư, xây dựng được các chuỗi liên kết bền vững giữa vùng trồng với cơ sở đóng gói và với đối tác nhập khẩu để trái sầu riêng của Việt Nam rộng đường sang thị trường Trung Quốc.