| Hotline: 0983.970.780

Diện tích sầu riêng tăng 'nóng', ngành chức năng khuyến cáo gì?

Thứ Năm 02/03/2023 , 09:23 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân không nên tự ý mở rộng diện tích sầu riêng để tránh tình trạng cung vượt cầu.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay địa phương có khoảng 17.163 ha sầu riêng, tăng hơn 3.500 ha so với năm 2021. Thời gian qua, sản phẩm sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác trồng thuần, trồng xen trên vườn cây công nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho người sản xuất.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân không nên tự ý mở rộng diện tích sầu riêng để tránh tình trạng cung vượt cầu. Ảnh: Minh Hậu.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân không nên tự ý mở rộng diện tích sầu riêng để tránh tình trạng cung vượt cầu. Ảnh: Minh Hậu.

Tuy nhiên trước tình trạng phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới sầu riêng ở vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá cây trồng khác để trồng mới sầu riêng sẽ có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND các huyện, thành phố khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp.

Theo đó, người dân không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng và không tự phát chuyển đổi vườn cây công nghiệp, cây khác đang trồng xen sầu riêng có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị các địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật đối với các vườn sầu riêng giai đoạn đang kinh doanh ổn định. Áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt hoặc sản xuất hữu cơ.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 17.163 ha sầu riêng, tăng hơn 3.500 ha so với năm 2021. Ảnh: Minh Hậu.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 17.163 ha sầu riêng, tăng hơn 3.500 ha so với năm 2021. Ảnh: Minh Hậu.

Đồng thời tăng cường quản lý dịch hại tổng hợp trên cây sầu riêng, đặc biệt là đối với 6 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc theo Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng bao gồm ruồi đục quả - Bactrocera correcta và 5 loài rệp: Dysmicoccus neobrevipes, Planococcus minor, Planococus lilacinus, Pseudococcus jackbeardsleyi, Exallomochlus hispidus để nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần phát triển sầu riêng bền vững.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, ngành nông nghiệp cũng đề nghị các địa phương hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến, đặc biệt là chế biến sâu để đảm bảo việc tiêu thụ sầu riêng từ các diện tích trồng xen, không phụ thuộc vào việc xuất khẩu sầu riêng trái tươi đi thị trường Trung Quốc. Khuyến khích các doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ với người dân và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm sầu riêng chế biến.

Lâm Đồng được cấp thêm 32 mã số vùng trồng sầu riêng, 3 mã số đóng gói với tổng diện tích 2.000ha. Ảnh: Minh Hậu.

Lâm Đồng được cấp thêm 32 mã số vùng trồng sầu riêng, 3 mã số đóng gói với tổng diện tích 2.000ha. Ảnh: Minh Hậu.

Đồng thời truyên truyền và phổ biến các FTA đã ký kết, thông tin về an toàn thực phẩm theo quy định của SPS. Đặc biệt là các quy định về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc và các thị trường khác cho các tổ chức, cá nhân.

Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống sầu riêng, đảm bảo cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cho người dân sản xuất. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế sầu riêng phục vụ xuất khẩu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp cũng đề nghị các địa phương phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng thực hiện kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.

Lâm Đồng được cấp thêm 32 mã số vùng trồng sầu riêng

Ông Hà Ngọc Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 32 mã số vùng trồng sầu riêng và 3 cơ cở đóng gói sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng với diện tích vùng nguyên liệu trên 2.000ha. Trước đó Lâm Đồng được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 1 mã vùng trồng sầu riêng và 2 cơ sở cấp mã số đóng gói.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, tỉnh này có tổng diện tích sầu riêng khoảng trên 17.163 ha bao gồm trồng xen với các loại cây công nghiệp và chuyên canh. Hiện, diện tích sầu riêng Lâm Đồng trong thời kỳ kinh doanh khoảng 7.000 ha với các giống ghép chủ yếu là MonThong, Ri6... Tổng sản lượng khoảng trên 99 ngìn tấn/năm. Những vùng trồng sầu riêng tập trung phần lớn diện tích tại các huyện Đạ Huoai (4.345 ha), Di Linh (3.693 ha), Bảo Lâm (2.544 ha), Đạ Tẻh (1.625 ha)…

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.