Đoàn công tác UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra hiện trường
Tại hiện trường là cánh rừng tan hoang do việc khai thác pơ mu trái phép. Nhiều gốc cây pơ mu hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ; nhiều phách gỗ chưa kịp tẩu tán đang nằm lại ngổn ngang.
Ông Lê Trí Thanh nhận định, đây là vụ phá rừng nghiêm trọng, không loại trừ phá rừng có tổ chức, thậm chí xuyên quốc gia. Vì vậy ông Thanh chỉ đạo các ngành có liên quan của tỉnh và huyện Nam Giang vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc.
“Quan điểm xuyên suốt trong thời gian điều tra vụ án là nghiêm túc, khẩn trương; sai tới đâu xử lý tới đó. Khu vực rừng bị phá là vùng cấm, nằm trong khu vực biên giới giáp với Lào nên không dễ ai có thể vào được.
Thế nhưng, rừng pơ mu đã bị chặt phá với số lượng khá lớn trong khi tại đây có đầy đủ các cơ quan quản lý và chủ rừng. Do đó, có thể khẳng định, nguyên nhân dẫn đến vụ phá rừng nghiêm trọng này không loại trừ sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí có nghi vấn tổ chức, cá nhân tiếp tay cho vụ phá rừng”, ông Thanh nói.
Theo Đại tá Lê Quang Vịnh, Trưởng Công an huyện Nam Giang, đến nay đã tạm giữ 591 phách gỗ pơ mu, 8 bi gỗ pơ mu, 3 phách gỗ dổi với tổng khối lượng gần 45m3. Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Sê Kông (Lào) đề nghị phối hợp xử lý vụ việc.