| Hotline: 0983.970.780

Coi quy hoạch cảng cá là một sản phẩm để tiếp thị

Thứ Năm 14/04/2022 , 19:29 (GMT+7)

Tránh tư duy coi quy hoạch là công cụ duy nhất để phát triển hạ tầng là gợi mở của Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong định hướng hệ thống cảng cá giai đoạn 2021-2030.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Tổng cục Thủy sản chiều 14/4.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Tổng cục Thủy sản chiều 14/4.

Cường lực khai thác vượt quá sản lượng cho phép

Theo Tổng cục Thủy sản, nguồn lợi hải sản giai đoạn 2016 - 2020 có chiều hướng giảm sút, cường lực khai thác vượt quá sản lượng cho phép, khai thác không đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Bên cạnh đó, tiến độ đầu tư xây dựng cảng cá và khu neo đậu khá chậm, chưa đảm bảo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Những trăn trở đó được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ trong buổi làm việc ngày 14/4. Để tiến tới một quy hoạch đồng bộ, hiện đại cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, lãnh đạo ngành nông nghiệp đặt ra hai câu hỏi. Thứ nhất, mô hình cảng cá nào là chuẩn và có triển vọng đầu tư cho tương lai. Thứ hai, thu hút nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước như thế nào để có thể xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa các công trình xây dựng.

"Cảng cá trong tương lai phải không đơn thuần chỉ là nơi cho bà con mưu sinh, hay neo đậu tàu thuyền, mà đó còn là không gian sống, không gian phát triển của hàng chục triệu ngư dân. Chúng ta không thể chỉ quy hoạch phần cứng, tính toán số bê tông cốt thép, mà cần biến khai thác tự phát thành chuyên nghiệp, đưa thủy sản thành một ngành công nghiệp", Bộ trưởng chia sẻ.

Lấy ví dụ về một số nước có điều kiện tự nhiên tương đồng như Việt Nam là Hàn Quốc, Thái Lan, Bộ trưởng chỉ rõ, mô hình cảng cá tương lai không những đảm bảo có mái che, nhà điều hành, khu phân loại, mà còn cần tích hợp cả nơi xử lý chất thải, cơ sở bảo quản, sơ chế, cũng như đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, duy tu, sửa chữa định kỳ.

"Cảng không thể chỉ là nơi để cá lên. Chúng ta cần hướng tới mô hình cảng cá xanh, tiến tới phát triển du lịch tại cảng", Bộ trưởng gợi mở.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân điểm một số nét trong quy hoạch hệ thống cảng cá thời gian tới, như giảm số tàu cá xuống còn khoảng 83.000; giữ nguyên số cảng cá loại 1, loại 2, và tăng số cảng cá loại 3 (vốn trước đây là bến cá).

Đồng thời, ngành thủy sản sẽ tích hợp đa giá trị, từ khai thác, chế biến, cho đến liên kết du lịch, bảo tồn cảnh quan và nuôi biển. Trên cơ sở xây dựng 5 trung tâm nghề cá lớn, ngành thủy sản đặt mục tiêu nắm chắc nguồn thủy sản thông qua cảng, từ cơ cấu loài, số lượng, tính mùa vụ, và khả năng truy xuất nguồn gốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra cảng cá Cửa Lân, huyện Tiền Hải, Thái Bình.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra cảng cá Cửa Lân, huyện Tiền Hải, Thái Bình.

"Chúng ta cần phân rõ loại tàu cho vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi, từ đó cơ cấu nghề cho ngư dân bám biển", ông Luân nói.

Cả nước hiện có 125 cảng cá, nhưng hiện mới đầu tư được 92 cảng, với tổng sản lượng qua cảng hàng năm khoảng 1,8 triệu tấn. Theo Tổng cục Thủy sản, chiểu theo Luật Thủy sản 2017, mới có 68 cảng đủ tiêu chuẩn công bố gồm: 3 cảng loại 1, 54 cảng loại 2, và 11 cảng loại 3.

Không chỉ Bộ NN-PTNT, Thủ tướng, Chính phủ, và nhiều Bộ, ban, ngành liên quan cũng đặc biệt quan tâm đến hạ tầng cảng cá, bởi đây là trung tâm của chuỗi giá trị khai thác thủy sản, cũng là đầu mối tiếp nhận nguyên vật liệu, tổ chức sản xuất, bảo quản.

Giữ vai trò trọng yếu, nhưng nguồn lực đầu tư cho cảng cá chủ yếu từ thập niên 2010, thời điểm những tàu 300 - 500CV được xem là lớn, ngư dân cũng ít có nhu cầu khai thác xa bờ. Những yếu tố lịch sử ấy khiến công cuộc đầu tư chủ yếu dồn vào cầu cảng, còn các dịch vụ phụ trợ như nước sạch, bảo quản, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đầu tư đồng bộ.

Một vấn đề nữa, là quy hoạch hệ thống cảng cá trước đây không tương xứng với tốc độ phát triển đội tàu. Có thời điểm, số tàu cá trên cả nước lên tới hàng trăm nghìn. Số lượng này giờ rút xuống còn hơn 91.700, nhưng số tàu khai thác vùng khơi lại có chiều hướng tăng lên khoảng 30%. Tất cả khiến nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng cảng cá trở nên nhỏ bé so với nhu cầu khai thác.

Ngoài những yếu tố khách quan, có thực tế là một vài địa phương trong số 28 tỉnh, thành phố ven biển chưa quan tâm đúng mức đến hạ tầng cảng cá. Sự nhếch nhác là điều dễ nhận thấy như trong loạt bài phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Lắng nghe ý kiến của Tổng cục Thủy sản, Vụ Kế hoạch, cũng như đơn vị tư vấn quy hoạch hệ thống cảng cá - Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình thủy và Liên danh Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: "Phải xem quy hoạch là một sản phẩm để tiếp thị. Làm thế nào để quy hoạch đến được với nhiều người, chứ không thể là hàng trăm trang giấy khô cứng".

Cho rằng "quy hoạch không phải là công cụ duy nhất để phát triển hạ tầng", Bộ trưởng dẫn chứng về việc người dân ở nhiều nơi đã chủ động hiến đất để xây dựng đường theo chuẩn nông thôn mới. Ông yêu cầu các đơn vị tham gia quy hoạch tránh lặp lại những vấn đề cũ; chỉ lo phần cứng mà quên giá trị mềm; hay bỏ qua nguồn lực xã hội.

"Chúng ta hãy tưởng tượng, rằng người nghe quy hoạch này là một ông nông dân. Vậy câu hỏi của ông ấy chắc chắn sẽ là quy hoạch này giải quyết được vấn đề cấp bách nào ở hiện tại”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở.

Vào tháng 2/2022, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Đây là tiền đề cho ngành nông nghiệp nhìn lại bản thân, cũng như tự nâng cao giá trị trong sự phát triển của nền kinh tế xã hội.

Là người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn quy hoạch hệ thống cảng cá thời gian tới góp phần thay đổi diện mạo ngành, đồng  thời giúp thủy sản phát triển bền vững theo hướng tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác.

Trước mắt, Bộ trưởng chỉ đạo ngành thủy sản xây dựng một quy hoạch tổng thể, tiến tới ban hành bộ quy định về kinh tế kỹ thuật, cũng như đầu tư dịch vụ công để hướng dẫn cho địa phương. Ngoài ra, ngành thủy sản cần xác định rõ và linh hoạt trong hợp tác công - tư, tiến tới thu hút doanh nghiệp đồng hành cùng các ban quản lý cảng cá.

Đột phá tư duy trong quy hoạch cảng cá

Một trong những vấn đề khiến Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 bị "chậm nhịp" so với tốc độ phát triển của đội tàu hiện nay là sự xuất hiện của những tàu lớn 24m, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến. Tính đến cuối năm 2021, số lượng tàu loại này là hơn 2.600 tàu (chiếm khoảng 3%). Ngoài ra, số lượng tàu này còn phân bố không đồng đều tại các cảng.

Hạ tầng cảng cá tại nhiều địa phương chưa được đầu tư đồng bộ so với tốc độ khai thác.

Hạ tầng cảng cá tại nhiều địa phương chưa được đầu tư đồng bộ so với tốc độ khai thác.

"Chiều dài tàu tăng khiến những âu tàu được xây dựng từ thập niên 2010 không còn phù hợp, đòi hỏi phải quy hoạch lại một cách đồng bộ", Thứ trưởng nhận xét.

Bên cạnh tầm nhìn chiến lược về đầu tư cơ sở hạ tầng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị liên quan đột phá tư duy trong xây dựng, phát triển các mô hình quản lý. Ông nêu quan điểm, cơ sở hạ tầng cần sự vào cuộc của nhiều Bộ, ban, ngành, địa phương; còn quản lý, quản trị thực chất nằm ở vấn đề con người. Mỗi người dân, mỗi cán bộ thay đổi nhận thức một chút, cả ngành thủy sản sẽ "rùng rùng chuyển động".

Từng kiểm tra hàng chục cảng cá trên khắp đất nước, căn vặn kỹ thời gian thả cá, nhật ký ghi chép, cũng như chiến lược phát triển bền vững tại từng địa phương, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến coi đây là lúc thích hợp để chuyển từ khai thác thủy sản nhỏ lẻ, manh mún thành khai thác một cách có trách nhiệm.

"Chúng ta đều hiểu rõ, là đầu tư công cần dẫn dắt đầu tư tư, cũng như cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, dẫn dắt doanh nghiệp vào trong quy hoạch. Muốn vậy, cần làm rõ trình tự đầu tư công như thế nào, giải pháp đa giá trị cho khai thác thủy sản ra sao", Thứ trưởng nhấn mạnh. 

Hai giải pháp được lãnh đạo ngành nông nghiệp đưa ra cho vấn đề này, là quy hoạch đánh giá đúng thực trạng, đồng thời đưa mục tiêu sát với thực tiễn.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.