| Hotline: 0983.970.780

Sớm hoàn thiện quy hoạch cảng cá và khu neo đậu tàu để trình Thủ tướng

Thứ Bảy 09/04/2022 , 08:26 (GMT+7)

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, quy hoạch lại cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu là giải pháp quan trọng để phát triển ngành thủy sản hiệu quả, bền vững.

Nghề cá hiện nay ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Ảnh: LK.

Nghề cá hiện nay ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Ảnh: LK.

Khắc phục những hạn chế tồn tại

Thực hiện Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, cả nước đã 92/125 cảng cá đã được đầu tư, nâng cấp với tổng công suất khoảng 1,8 triệu tấn thủy sản qua cảng mỗi năm.

Trong số này, có 68 cảng cá (3 cảng loại I, 54 cảng loại II và 11 cảng loại III) được công bố, các cảng cá còn lại đang trong quá trình xây dựng hoặc hiện tại chưa đủ điều kiện thực hiện việc công bố mở cảng theo quy định của Luật Thủy sản 2017.

Về khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá: Có 83/146 khu neo đậu tránh trú bão đã được đầu tư với tổng công suất neo đậu khoảng 51.670 tàu. Trong đó, có 71 khu neo đậu tránh trú bão tàu cá (55 khu neo đậu cấp tỉnh và 16 khu neo đậu cấp vùng) được công bố thuộc địa phận 27 tỉnh, thành phố ven biển, với sức chứa khoảng gần 47.900 tàu.

Dù có số lượng khá lớn, nhưng thực tế hiện nay cho thấy, quy mô, công suất các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch ở Quyết định 1976, đặc biệt là các quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017. Việc đầu tư cho xây dựng cảng cá trong thời gian qua còn thấp so với yêu cầu, đầu tư dàn trải, chưa đồng bộ, dẫn đến số lượng công trình được đầu tư còn hạn chế so với quy hoạch.

Ngoài ra, việc duy tu, sữa chữa định kỳ còn hạn chế, một số cảng cá có luồng lạch vào bị bồi lắng nhưng chưa được nạo vét kịp thời làm cho tàu thuyền ra, vào bốc dỡ hàng hóa, neo đậu gặp nhiều khó khăn, không an toàn.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của các tổ chức quản lý cảng cá hiện nay còn thiếu và chưa được đào tạo, điều hành vận hành việc ra vào cảng chưa phù hợp dẫn đến tình trạng có cảng, khu neo đậu bị quá tải theo thời điểm trong ngày và không phát huy được hết công suất.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, những tồn tại, hạn chế ở các cảng cá, khu neo đậu hiện nay cần nhanh chóng được khắc phục để đáp ứng được mục tiêu phát triển nghề cá hiện đại, có trách nhiệm. Điều này không chỉ góp phần quan trọng trong việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) mà còn tạo ra được nền tảng tốt cho thế hệ sau, phát triển bền vững ngành thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu. Ảnh: Lê Khánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu. Ảnh: Lê Khánh.

Với mục tiêu này, Tổng cục Thủy sản cùng với đơn vị tư vấn gồm liên danh Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình Thủy đã xây dựng dự thảo quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, quan điểm của dự thảo quy hoạch xác định, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng thủy sản, kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược cần được đầu tư phục vụ khai thác thủy sản hiệu quả, phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an sinh xã hội, gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Việc phát triển hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá phải xuất phát từ phân bố nguồn lợi thủy sản và sản lượng thủy sản cho phép khai thác ở từng ngư trường; phù hợp với chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam. Tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, kết hợp khoa học công nghệ và phong tục tập quán, truyền thống của cộng đồng ngư dân địa phương để phát triển một cách bền vững, đồng bộ, hiện đại.

Việc phát triển hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển, đảm bảo hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển. Huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế; tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, nâng cao năng lực quản lý của nhà nước.

Phải xong hồ sơ quy hoạch cảng cá trước 20/4

Theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2030, toàn quốc có 157 cảng cá, gồm 33 cảng cá loại I, 75 cảng cá loại II, 49 cảng cá loại III, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,7 triệu tấn/năm và 152 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (gồm 29 khu cấp vùng, 122 khu cấp tỉnh), đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng gần 88.900 tàu thuyền.

Tổng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 khoảng 6.700ha, bao gồm tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.133ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 5.590ha.

Lĩnh vực thủy sản đóng góp hơn 26% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Ảnh: Lê Khánh.

Lĩnh vực thủy sản đóng góp hơn 26% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Ảnh: Lê Khánh.

Đến năm 2030, cả nước hình thành những đầu mối giao thương quan trọng trong nước và với quốc tế làm động lực phát triển các khu công nghiệp thủy sản, khu kinh tế ven biển, các Trung tâm nghề cá lớn ở các tỉnh: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang gắn với các ngư trường trọng điểm, tạo sức hút, động lực cho ngành thủy sản phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững.

Theo dự thảo này, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 là 60.150 tỷ đồng được huy động chủ yếu từ nguồn ngân sách, ngoài ra huy động vốn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hơp pháp khác. Trong đó, nguồn vốn nhà nước tập trung cho hạ tầng thiết yếu của các cảng cá, khu neo đậu, các trung tâm nghề cá lớn, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư. Dự kiến, trong giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn đầu tư khoảng hơn 34.600 tỷ đồng và giai đoạn 2025 - 2030 khoảng gần 25.500 tỷ đồng.

Tại Hội thảo toàn quốc về việc góp ý dự thảo này được tổ chức tại TP. Đà Nẵng vào ngày 8/4, các địa phương cơ bản đều thống nhất với nội dung quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, đại diện các tỉnh cũng cho rằng, đơn vị tư vấn nên xem xét thêm một số yếu tố để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội mỗi tỉnh cũng như cả nước.

Các vấn đề được góp ý chủ yếu bao gồm: Chỉnh sửa lại một số tên, địa chỉ của cảng để chính xác hơn; Cập nhật, đưa ra khỏi quy hoạch cũng như bổ sung 1 số cảng cá khác vào quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương hiện nay. Ngoài ra, xem xét điều chỉnh lại (nâng một số cảng từ loại II lên loại I hoặc từ loại III lên cảng loại II) vì thực tế các cảng này có đủ điều kiện trong khi quy hoạch này có thời gian rất dài (tầm nhìn đến 2050).

Đầu tư, nâng cấp các cảng cá sẽ góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững. Ảnh: L.K.

Đầu tư, nâng cấp các cảng cá sẽ góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững. Ảnh: L.K.

Các đại biểu tham dự cũng cho rằng, đơn vị tư vấn nên làm việc trực tiếp với địa phương khi có văn bản ý kiến để xác minh cụ thể, đảm bảo khách quan cho quy hoạch. Đồng thời cần chú trọng thêm về nguồn lực trong công tác duy tu, bảo dưỡng các cảng cá sau khi đã đầu tư, nâng cấp bởi hiện nay điều kiện của các cảng còn rất nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của liên danh Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình Thủy đã xây dựng hồ sơ, nhiệm vụ quy hoạch cảng cá đảm bảo đúng tiến độ quy định phù hợp với định hướng của ngành thủy sản và các chủ trương định hướng phát triển kinh tế, xã hội, ngành lĩnh vực có liên quan.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, việc xây dựng quy hoạch phải phân tích kỹ lưỡng, toàn diện, đánh giá các yếu tố tác động, có tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch và phải có tính kế thừa cũng như đột phá trong tư duy. Đồng thời phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế của quy hoạch trước về vị trí, đồng bộ khả năng kết nối theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

“Đề nghị Tổng cục Thủy sản khẩn trương cùng các đơn vị tư vấn quy hoạch tiếp thu ý kiến của các địa phương, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, xong trước ngày 20/4 để trình Hội đồng thẩm định Quốc gia xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất