Đập thủy lợi gắn kết với văn hóa địa phương
Nhìn từ trên cao, giữa bốn bề rừng cây xanh mướt, hồ chứa nước Đồng Mít hiện ra với những nét uyển chuyển của lưu vực hồ có diện tích 160,3 km2 nằm về phía thượng nguồn, hướng đi của dòng nước chảy về hạ lưu cũng tạo nên đường cong rất mềm mại. Con đường từ thị trấn An Lão (huyện An Lão, Bình Định) dẫn lên hồ Đồng Mít cũng có những vòng cua ôm theo ngọn núi tạo cho chúng tôi cái cảm giác say say thú vị.
Lên đến con đập chính của hồ chứa nước Đồng Mít, nét kiến trúc hài hòa đã xóa tan trong chúng tôi cái suy nghĩ “hồ, đập thủy lợi có gì khác ngoài bê tông xi măng và đất đá”. Hồ chứa nước Đồng Mít thì không phải vậy, nhìn con đập chính có chiều dài 378m được hình thành từ 352.000 khối bê tông đầm lăn, nhưng chúng tôi không thấy cảm giác bị “bê tông” lấn át, mà con đập “mềm mại” như 1 tác phẩm mỹ thuật hoàn hảo.
Phía thượng lưu con đập, nhà vận hành thượng lưu cống lấy nước và nhà vận hành cống xả cạn được xây dựng theo kiến trúc tháp Chăm với bình đồ vuông, mái nhọn như chiếc bánh ít. Cửa ra vào và những cửa trang trí trông như những ngọn tháp nhỏ nằm trong lòng ngọn tháp chính, được sơn màu gạch nung càng làm tăng thêm nét cổ kính.
2 căn nhà nói trên đã điểm tô cho công trình đầu mối hồ Đồng Mít những nét mềm mại trên những khối bê tông khô khan. Nhìn từ xa, chúng tôi có cảm giác như mình đang ở giữa 1 khu du lịch chứ chẳng phải ở giữa 1 công trình thủy lợi. 4 căn nhà điều khiển tràn nằm về phía hạ lưu đập chính được xây dựng dựng thấp hơn, mái bằng, nằm liền kề nhau, cũng tạo nên nét hài hòa cho công trình.
Để công trình đầu mối hồ chứa nước Đồng Mít có được nét kiến trúc hút mắt người nhìn như thế không phải là ngẫu nhiên. Hỏi thăm thì biết, trước đó, đơn vị chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thiết kế bố trí lực lượng kiến trúc giỏi tay nghề thiết kế cảnh quan tổng thể cho công trình đầu mối hồ chứa nước Đồng Mít, sao cho hài hòa các hạng mục, gắn kết văn hóa địa phương vào thiết kế nên mới có hình ảnh tháp Chăm trên thân đập.
Theo ông Vũ Hải Anh, Tổ trưởng tổ Tổ trưởng tổ Kỹ thuật giám sát thi công công trình hồ chứa nước Đồng Mít, lúc trước, bên vai trái đập chính có ngọn đồi cao như bên vai phải, thế nhưng thiết kế đã cho đào gọt bớt độ cao của ngọn đồi, vừa tận dụng đất sử dụng cho việc thi công công trình, vừa tạo mặt bằng để xây dựng 1 căn nhà dù làm chỗ nghỉ ngơi cho khách tham quan hồ Đồng Mít.
Ngọn đồi bên vai phải đập chính hầu như được giữ nguyên độ cao, rồi bạt mái để bề mặt ngọn đồi hướng về phía đập chính có hình thù tựa như ngọn tháp Chăm. Sau đó, đơn vị thi công sử dụng vật liệu neoweb là các ô địa kỹ thuật gia cố mái ta-luy. Hệ thống neoweb gồm mạng lưới nhiều ô ngăn có hình dạng tổ ong được đục lỗ tạo nhám, sau đó đổ đất vào các ô để trồng cỏ.
“Neoweb là công nghệ của nước ngoài. Ưu điểm của phương pháp này là gia cố hiệu quả các mái taluy có độ dốc lớn, độ bền cao, tuyệt đối không sợ bị ăn mòn do thời tiết và ngoại cảnh, lại dễ dàng thi công. Hơn nữa, chi phí sử dụng phương pháp neoweb thấp hơn so với trồng cỏ hoặc bê tông lắp ghép từ 10-20%, lại tiết kiệm được thời gian thi công gấp 3 lần. Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp bảo vệ môi trường, an toàn cho sức khỏe”, ông Vũ Hải Anh chia sẻ.
Không gian xanh giữa những khối bê tông
Cả những khối bê tông của công trình đầu mối hồ chứa nước Đồng Mít cũng không làm cho chúng tôi thấy “khô” mắt, bởi, bề mặt phẳng phiu của bê tông cũng góp phần tôn tạo nét mỹ thuật của công trình. Được như vậy là nhờ đơn vị chủ đầu tư hồ chứa nước Đồng Mít yêu cầu nhà thầu thi công phải sử dụng ván khuôn đổ bê tông mới 100%. Trong quá trình thi công, những tấm ván khuôn được bảo quản định kỳ rất kỹ lưỡng, để đảm bảo bề mặt bê tông được thẩm mỹ.
Đi bộ dọc con đường dẫn vào công trình đầu mối hồ chứa nước Đồng Mít, chúng tôi được dịp thưởng ngoạn những bụi hoa giấy đang khoe sắc dưới cái nắng hiếm hoi của đầu mùa mưa và những cây xanh được trồng đều tăm tắp dọc 2 bên đường. Đi hết con đập chính từ vai phải sang vai trái, phía dưới con dốc, chúng tôi lại thấy trải rộng những vạt cây xanh được trồng bên con đường dẫn lên căn nhà dù nằm trên đầu dốc.
Ngồi trong nhà dù, phóng tầm mắt nhìn xuyên suốt lưu vực của hồ chứa nước Đồng Mít, chúng tôi như chìm trong màu xanh của núi rừng, của nước từ thượng nguồn đổ về tích trong lòng hồ; của những hạng mục công trình được thiết kế hài hòa, đầy nét mỹ thuật trên công trình đầu mối hồ chứa nước Đồng Mít.
Ông Trần Châu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trước khi làm lãnh đạo tỉnh ông đã có nhiều năm gắn bó với ngành thủy lợi, khẳng định: “Hồ Đồng Mít đẹp nhờ nằm giữa 2 đỉnh núi và nằm trong lòng cảnh quan tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho đại ngàn An Lão. Hơn nữa, thiết kế công trình rất hài hòa với cảnh quan thiên nhiên sẵn có. Về dung tích chứa, hồ chứa nước Đồng Mít chứa ít hơn hồ chứa nước Định Bình ở huyện Vĩnh Thạnh và hồ chứa nước Núi Một ở thị xã An Nhơn, nhưng về mỹ thuật thì hồ Đồng Mít xếp trên những hồ nói trên”.
Còn theo ông Đoàn Văn Luyện, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Thủy lợi 7.5, đơn vị trực thuộc Ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủy lợi 7 (Bộ NN-PTNT), đoàn công tác nào đến hồ Đồng Mít cũng trầm trồ khen ngợi yếu tố mỹ thuật của công trình không tiếc lời.
Riêng GS.TS Phan Sỹ Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã có lần tâm sự: “Cả đời tôi gắn bó với ngành thủy lợi, đến nay đã gần 90 tuổi mà tôi chưa thấy công trình thủy lợi nào đẹp như hồ Đồng Mít. Hồ Đồng Mít là công trình thủy lợi đẹp nhất nước với kiến trúc hài hòa, hiện đại, là niềm tự hào của ngành thủy lợi Việt Nam”.
Ông Đoàn Văn Luyện, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Thủy lợi 7.5 và ông Vũ Hải Anh, Tổ trưởng tổ Kỹ thuật giám sát thi công công trình hồ chứa nước Đồng Mít, là những người đã gắn bó với công trình hồ chứa nước Đồng Mít suốt hơn 3 năm nay, cho rằng công trình này còn 1 điểm đặc biệt, đó là suốt hơn 1.000 ngày thường xuyên bám trụ công trường để thi công, nhưng không hề xảy ra 1 tai nạn lao động nào. Nhất là giai đoạn xử lý địa chất hố móng, công nhân phải làm việc trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm.
Bây giờ, công trình đã hoàn thành, Bộ NN-PTNT sắp bàn giao hồ chứa nước Đồng Mít cho UBND tỉnh Bình Định, để sau đó tỉnh giao cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý, vận hành. Chia tay với công trình hồ chứa nước Đồng Mít, ông Đoàn Văn Luyện và ông Vũ Hải Anh không khỏi ngậm ngùi, dù trước mắt vẫn còn nhiều công trình thủy lợi khác đang đợi.
Riêng ông Vũ Hải Anh, năm nay mới 38 tuổi, đã có 24 năm gắn bó với ngành thủy lợi. Hồ chứa nước Đồng Mít là công trình thứ 5 ông tham gia xây dựng, trong đó có những công trình lớn như hồ Định Bình, đập dâng Văn Phong. Chia tay với hồ Đồng Mít, những người tâm huyết nói trên mong chính quyền địa phương và đơn vị quản lý kết hợp vận hành công trình với du lịch sinh thái. Nếu chỉ sử dụng công trình vào mục đích thủy lợi, với kinh phí bảo dưỡng ít ỏi, công trình sẽ không tránh khỏi xuống cấp, kết hợp làm du lịch sẽ có thêm nguồn thu để bảo dưỡng công trình.