| Hotline: 0983.970.780

Côn đồ lộng hành, nông dân không dám canh tác

Thứ Ba 26/04/2022 , 08:42 (GMT+7)

Nhóm côn đồ ngang nhiên đánh đập, chửi bới khiến nhiều nông dân ở xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn không dám canh tác trên những mảnh đất gắn bó với họ hàng chục năm.

Ông Ngô Văn Hồi (áo đen, đội mũ bảo hiểm) bị nhóm côn đồ đánh đập ngay tại ruộng. Clip người dân cung cấp (Do có ngôn ngữ phản cảm nên đã được tắt tiếng).

Ngang nhiên đánh người

Đơn kêu cứu của 6 hộ dân thôn Khòn Pát, xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn, gửi đến báo Nông nghiệp Việt Nam, kể về sự việc họ bị đánh, bị chửi bới, đe dọa khi canh tác tại bãi bồi thôn Khòn Phổ, sông Kỳ Cùng.

Những kẻ côn đồ còn chửi bới, dùng dao kiếm dọa nạt, thậm chí đốt các bụi tre mà của người dân thôn Khòn Phổ đã trồng hàng chục năm nay ở gần nhà.

Ông Ngô Văn Hồi (SN 1961), kể lại sự việc xảy ra ngày 22/3/2022. Khi đó, ông đang cùng 6 anh chị em, con cái trong nhà trồng ngô ở bãi bồi, thì bị một số người cầm gậy, dao, xông vào hành hung. Hậu quả khiến ông Hồi bị chảy máu vùng mặt, bất tỉnh, phải vào cấp cứu ở bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Mảnh ruộng nơi các nông dân xã Mai Pha bị nhóm côn đồ tấn công và hóa đơn viện phí của họ khi đến khám chữa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Mảnh ruộng nơi các nông dân xã Mai Pha bị nhóm côn đồ tấn công và hóa đơn viện phí của họ khi đến khám chữa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Có mặt tại bãi bồi, PV báo Nông nghiệp Việt Nam ghi nhận hiện trạng bụi tre bị đốt, người dân không dám canh tác vì sợ bị đánh.

Bà Nguyễn Thị Duyên, một trong số những nông dân bị dọa dẫm, không được trồng ngô trên bãi bồi, cho biết: “Chúng tôi trồng ngô ở bãi này từ những năm 2000. Từ cuối năm ngoái, khi có tin dự án khu đô thị mới về gần đây, thì một số người đàn ông vẻ mặt hung hãn tới nhổ hết ngô của gia đình tôi và nhiều nhà khác. Họ nhổ xong thì trồng chuối xuống. Chúng tôi tới nêu ý kiến thì bị họ chửi bới, dọa đánh”.

Các hộ dân ở quanh khu vực bãi bồi đều xác nhận với chúng tôi về sự việc này. Họ cho biết thêm từ cuối năm ngoái, nhiều đối tượng hung hãn thường xuyên qua lại đây. Nhóm này còn dựng lều ở bãi bồi, cấm dân xuống trồng ngô.

Liên quan vấn đề này, ông Đặng Ngọc Trung, Phó chủ tịch UBND xã Mai Pha cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, đại diện UBND xã đã xuống hiện trường, yêu cầu nhóm người nói trên không được xây dựng các công trình tại khu vực: "Năm 2021, có một số đối tượng từ nơi khác đến dựng lều ở khu đất này nhưng xã đã xuống yêu cầu dừng thi công và tháo dỡ".

Một số lều lán do nhóm côn đồ dựng lên ở bãi sông. Ảnh: Tùng Đinh.

Một số lều lán do nhóm côn đồ dựng lên ở bãi sông. Ảnh: Tùng Đinh.

“Các hộ ở thôn Khòn Pát đã canh tác ở đây mấy chục năm rồi, chúng tôi biết nhau cả. Không ai tranh chấp với ai, chỉ có đám côn đồ không biết ở đâu tới làm loạn. Nhóm này còn bật nhạc ầm ĩ, đèo nhau trên xe máy, kéo lê dao dài theo, khiến chúng tôi rất hoảng sợ”, chị Th., một người dân địa phương, cho biết.

Chị Th. cũng phàn nàn việc từ ngày có nhóm côn đồ tới, xóm thường xuyên mất gà. Trẻ con không dám ra đường chơi. Cư dân địa phương phải làm đơn gửi công an xã. Khi lực lượng công an có mặt, đám côn đồ mới chịu rút đi.

2 mảnh ruộng canh tác lâu năm của nông dân xã Mai Pha cạnh bờ sông Kỳ Cùng, TP. Lạng Sơn, nơi xảy ra các vụ tấn công. Ảnh: Tùng Đinh.

2 mảnh ruộng canh tác lâu năm của nông dân xã Mai Pha cạnh bờ sông Kỳ Cùng, TP. Lạng Sơn, nơi xảy ra các vụ tấn công. Ảnh: Tùng Đinh.

Công an đang vào cuộc điều tra

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Ngọc Trung, Phó chủ tịch UBND xã Mai Pha, xác nhận có sự việc ông Hồi bị hành hung ngày 22/3. “Khu vực bãi bồi đó là đất công, do xã quản lý. Những năm qua, xã tạo điều kiện cho người dân canh tác, chỉ cấm xây dựng công trình kiên cố”, ông Trung nói.

Về việc một số đối tượng đánh nông dân, lập luận rằng đó là đất công, ai trồng cây cũng được, ông Trung cho biết: “Phải căn cứ vào quá trình sử dụng, thu thập ý kiến của dân địa phương. Đồng ý đó là đất công, song không thể tự dưng nhảy vào canh tác. Quan điểm của UBND xã Mai Pha là đứng về quyền lợi chính đáng của nông dân”.

Đối với các sự việc gây mất an ninh trật tự, ông Trung nói sẽ tiếp thu phản ánh của báo Nông nghiệp Việt Nam, giao công an xã thẩm tra, xử lý.

Những nông dân ở xã Mai Pha nói ngô của họ đang xanh tốt thì bị nhóm côn đồ nhổ lên, đắp đống rồi trồng mắc ca (khoanh trắng) và chuối thay vào. Ảnh: Tùng Đinh.

Những nông dân ở xã Mai Pha nói ngô của họ đang xanh tốt thì bị nhóm côn đồ nhổ lên, đắp đống rồi trồng mắc ca (khoanh trắng) và chuối thay vào. Ảnh: Tùng Đinh.

Trưởng Công an xã Mai Pha, Trung tá Hoàng Văn Tùng, cho biết: “Chúng tôi ghi nhận các phản ánh của cơ quan báo chí. Sự việc đang trong quá trình điều tra, chúng tôi chưa thể cung cấp thêm thông tin. Nếu xác định được danh tính những kẻ hành hung, chúng tôi sẽ xử lý ngay, bất kể đó là cán bộ công chức của cơ quan nào”.

Trung tá Tùng cho biết thêm, tháng 11 năm ngoái, một số gia đình nông dân cũng phản ánh tới cơ quan công an về việc bị đánh, song sự việc “chưa đến mức phải truy cứu”.

Về việc một số đối tượng đi xe máy, kéo theo dao dài, Trung tá Tùng cho biết sẽ cử lực lượng xuống địa bàn xác minh. “Chúng tôi kêu gọi người dân nếu có camera an ninh, thì trích xuất để gửi cơ quan công an”, ông Tùng nói.

Những bụi tre hàng chục năm tuổi của người dân trồng dọc bờ sông cũng bị đốt bằng lốp xe. Ảnh: Tùng Đinh.

Những bụi tre hàng chục năm tuổi của người dân trồng dọc bờ sông cũng bị đốt bằng lốp xe. Ảnh: Tùng Đinh.

Một số ý kiến của người dân cho rằng các đối tượng côn đồ trồng cây để đợi đền bù dự án, Phó chủ tịch xã Mai Pha cho rằng điều đó là không thể. “Nếu nông dân canh tác nhiều năm thì có thể sẽ được xem xét đền bù.

Còn hành hung, dọa dẫm nông dân để trồng cây thì không được. Hơn nữa, theo bản đồ địa chính, dự án không vào đây nên khó có chuyện đền bù. UBND xã ghi nhận ý kiến này và sẽ cho điều tra nghiêm túc”, ông Trung cho biết.

Tuy nhiên, gần một tuần đã trôi qua, các nông dân ở thôn Khòn Pát, xã Mai Pha, cho biết họ vẫn chưa thể xuống trồng ngô như mọi năm.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.