| Hotline: 0983.970.780

Cơn khát đất nông nghiệp của Trung Quốc

Thứ Ba 04/07/2017 , 12:50 (GMT+7)

Trung Quốc tiêu thụ 20% lương thực thực phẩm của thế giới, với dân số 1,3 tỷ người. Trong khi đó, dù diện tích lớn nhưng nước này chỉ sở hữu 9% diện tích có thể canh tác nông nghiệp của thế giới.

Để đáp ứng cái dạ dày khổng lồ, nước này đương nhiên phải nhìn ngó ra bên ngoài, đặc biệt là những nơi đất canh tác còn đang bị bỏ hoang.

Thiếu đất trồng trọt, từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã nhòm ngó những quốc gia đang dư đất mà lại rất thiếu tiền.

11-51-33_crime-frmlnd-590x437
1/20 diện tích Ukraine đã được Trung Quốc thuê để làm nông nghiệp (Ảnh: NatGeo)

Theo tạp chí National Geographic, trong nhiều thập kỷ, chuyện đông dân thiếu đất canh tác vẫn được người Trung Quốc chấp nhận. Nước này tìm nhiều cách để tối đa hóa nguồn cung lương thực trong một xã hội lấy nông nghiệp làm trọng. Nhưng khi dân số Hoa lục tiếp tục tăng, kèm theo đó là tiến trình công nghiệp hóa nhanh chóng, Trung Quốc có vẻ đang tiến đến một bức tường chắn về góc độ đảm bảo lương thực. Không thể coi là một quốc gia phát triển bền vững khi an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng.
 

Thuê 1/20 diện tích Ukraine

Thực ra đây là một thực tế mà nhiều nước công nghiệp phải đối mặt, tuy nhiên trường hợp Trung Quốc khốc liệt hơn cả. Tại một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển, các quốc gia phải đối mặt với một “cơn bão kinh tế hoàn hảo”: Dân số tăng, kéo theo nhu cầu nhiên liệu gia tăng. Làm nhà ở cho nhiều người hơn đồng nghĩa với việc đất canh tác bị thu hẹp lại và thay đổi môi trường có xu hướng hạn chế sản lượng nông nghiệp.

Gần 10 năm trước, Hàn Quốc, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đều rơi vào tình trạng này. Để giải quyết, các nước này có thể sử dụng nhiều nhân công nông nghiệp hơn, nhưng cái họ thực sự cần là nhiều đất canh tác hơn nữa.

Giải pháp cho vấn đề này là gì? Trong ngắn hạn, là thuê/mua thêm đất, và thuê hay mua từ các nước hoặc không cần diện tích đất đó, hoặc cần tiền hơn. Năm 2008, UAE mua 324ha đất của Pakistan. Một năm sau, Hàn Quốc mua gần gấp đôi diện tích vừa kể của Sudan. Năm 2013, Trung Quốc thông báo hợp đồng thuê đất lớn nhất từ trước đến nay: 3 triệu ha đất của Ukraine, tương đương 1/20 diện tích nước này. Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ trả cho Ukraine mỗi năm 2,6 tỷ USD trong vòng 50 năm. Bắc Kinh cũng gửi đến hạt giống và phân bón, thực hiện xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu ở vùng tự trị Crimea (nay đã sáp nhập vào Nga).

Theo tờ tạp chí Mỹ, đây là xu hướng các nước giàu có khai thác tài nguyên của các nước nghèo hơn dưới vỏ bọc hợp đồng hợp tác kinh tế. Theo một nghiên cứu công bố năm 2013, đã có từ 0,75 - 1,75% đất nông nghiệp được chuyển giao cho các nhà đầu tư nước ngoài khắp thế giới.

National Geographic cho rằng, đây không chỉ là các mối quan hệ giao dịch làm ăn. Trong vòng 50 năm tới (ví dụ hợp đồng giữa Trung Quốc và Ukraine), mối quan hệ này có thể trở thành các vấn đề chính trị.
 

Mỏ đất Lục địa đen

Theo tờ Financial Times, nhiều năm trước, khi giá lương thực, thực phẩm tăng vọt, gây ra các bất ổn từ Bangladesh tới Yemen, đó đây đã râm ran chuyện Trung Quốc đang tìm cách nắm giữ ngày càng nhiều đất ở châu Phi.

11-51-33_cq117
Người Trung Quốc có mặt ở nhiều nước châu Phi để “hợp tác nông nghiệp” (Ảnh: news.at0086.com)

Ở Zimbabwe, một công ty Trung Quốc được nói là đã thuê hơn 100.000ha để trồng ngô phục vụ nhu cầu trong nước, trong khi nạn đói vẫn đang hoành hành ở Zimbabwe. Ở CHDC Congo nghèo nàn và hỗn loạn, ZTE, một công ty viễn thông của Trung Quốc đã đầu tư vào hệ thống đồn điền 3 triệu ha chuyên trồng cọ dầu.

Các công ty Trung Quốc được cho là đã kiểm soát hầu hết diện tích canh tác màu mỡ của Zambia. Người ta tin rằng các công ty của Trung Quốc được điều phối để cùng nỗ lực kiểm soát đất nông nghiệp nước ngoài, phục vụ số dân ngày càng trở nên giàu có ở trong nước.

Đây không phải là lần đầu tiên người ta cảnh báo xu hướng này từ Bắc Kinh. Từ năm 1966, Fulbert Youlou, tổng thống đầu tiên của Congo-Brazzaville (Cộng hòa Congo), đã viết rằng Trung Quốc “trước sau cũng sẽ biến cả lục địa châu Phi thành một cánh đồng lúa khổng lồ”. Tuy nhiên, tác giả Deborah Brautigam của cuốn sách “Châu Phi sẽ nuôi sống Trung Hoa?” cho rằng điều này sẽ không diễn ra sớm. Giáo sư kinh tế chính trị tại đại học Johns Hopkins (Mỹ) này, một chuyên gia về quan hệ châu Phi - Trung Quốc, cho rằng các quốc gia từ Mozambique tới Sierra Leone, cũng như các nước láng giềng của Bắc Kinh đều có vẻ thổi phồng các kế hoạch sử dụng đất nước ngoài của Bắc Kinh. Theo học giả này, các khoản đầu tư của Trung Quốc nằm rải rác và với quy mô tương đối nhỏ.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một loại ý kiến và câu chuyện nắm giữ đất nước ngoài của Trung Quốc cần rất nhiều góc nhìn để có thể mường tượng được bức tranh thực tế.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.