
Logo Google bên ngoài tòa nhà trụ sở chính.
Google vừa nghiên cứu và phát triển một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) mới, được gọi là "cộng sự khoa học ảo", nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh. Các nhà khoa học tại Đại học Stanford ở Mỹ và Imperial College London đã thử nghiệm công cụ này để giúp tổng hợp lượng tài liệu khổng lồ và tạo ra các giả thuyết mới. Kết quả bước đầu cho thấy, AI có khả năng hỗ trợ đáng kể trong việc phân tích và tổng hợp thông tin khoa học.
Trong các thử nghiệm, công cụ AI này đề xuất các giải pháp để ức chế nguyên nhân gây bệnh xơ gan vượt trội hơn so với các giải pháp do chuyên gia đề xuất. "Điều này chứng minh rằng, AI giúp tăng cường và thúc đẩy hiệu quả công việc của các nhà khoa học mà không thay thế họ, từ đó thúc đẩy sự hợp tác khoa học", nhà khoa học Vivek Natarajan cho biết.
AI ngày càng được áp dụng rộng rãi trong môi trường làm việc, từ việc tự động hóa các cuộc gọi đến hỗ trợ nghiên cứu pháp lý, đặc biệt sau sự thành công vượt trội của ChatGPT và các mô hình AI tương tự trong năm qua.
DeepMind, đơn vị AI của Google, luôn đặt khoa học là ưu tiên hàng đầu. Các sản phẩm AI của DeepMind do Giám đốc Hassabis điều hành vươn tới nhiều lĩnh vực khác nhau, như lập trình với AlphaCode, hình học với AlphaGeometry, toán học với AlphaProof. Đó là chưa kể mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) Gemini được coi là đối thủ chính của ChatGPT do OpenAI phát triển.
Bên cạnh đó, Google đã đầu tư hơn 20 triệu USD cho các nhà nghiên cứu AI, tập trung vào các lĩnh vực như nghiên cứu các căn bệnh hiếm gặp, sinh học thực nghiệm, khoa học vật liệu và tính bền vững.