Tháng 5/2024, bốn loại hạt giống cỏ Tân Cương, mỗi loại nặng 200g, đã được mang lên mặt trăng cùng tàu thăm dò Chang'e-6. Theo thông tin từ Học viện Chăn nuôi Tân Cương (Trung Quốc), những hạt giống này vừa trở về và dự kiến sẽ được trồng thử nghiệm tại Tân Cương vào đầu tháng 3 năm nay.

Cỏ linh lăng là một trong những giống cỏ Tân Cương được mang lên mặt trăng (Ảnh minh họa).
"Đây là lần đầu tiên hạt giống cỏ Tân Cương được mang lên mặt trăng, một cơ hội vô cùng quý giá và hiếm có", ông Trịnh Văn Tân, Phó Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Tân Cương và là người đứng đầu dự án "Nghiên cứu giống cỏ chịu mặn, chịu lạnh trong không gian", cho biết. Bốn loại hạt giống được mang lên mặt trăng lần này bao gồm: Cỏ lạc đà, cỏ linh lăng lá lớn Hòa Điền, cỏ linh lăng lá lớn Tân Cương và cỏ linh lăng tím. Tất cả đều có khả năng chịu mặn, chịu lạnh và chịu hạn tốt.
Trước đó, vào năm 2022, bốn loại hạt giống cỏ Tân Cương cũng đã được mang lên không gian trên tàu vũ trụ Shenzhou 14, gồm: Cỏ lạc đà, cỏ mặn, cỏ sừng và giống cỏ Sudan 1.
Theo ông Trịnh Văn Tân, sau khi trồng, một số hạt giống đã có sự thay đổi rõ rệt, cho sản lượng cao hơn một phần ba so với hạt giống thông thường, đồng thời chúng có khả năng chịu mặn, chịu lạnh và chịu hạn tốt hơn. Hiệu quả của việc nhân giống trong không gian đã vượt quá mong đợi.
"Trong những năm tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu đặc tính của những giống cỏ được mang lên mặt trăng. Đồng thời, kết hợp các công nghệ tiên tiến như 'lai tạo trong không gian, lai tạo sinh học và trí tuệ nhân tạo' để nhân giống các dòng ưu tú, từ đó phát triển các giống cỏ mới có chất lượng cao hơn", ông Tân nói.
Tân Cương là khu vực có diện tích đất hoang mạc và đất mặn lớn nhất ở Trung Quốc, chiếm khoảng một phần ba diện tích đất mặn của cả nước. Việc phát triển giống cỏ chất lượng cao có thể giúp cải tạo đất mặn và hoang mạc, mở rộng diện tích xanh và nâng cao năng suất chăn nuôi. Từ đó, góp phần phát triển ngành chăn nuôi và bảo vệ môi trường tại Trung Quốc.