Khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh trên cả nước, thì thông tin về Covid-19 lại có thêm câu chuyện bổ sung F0 vào Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh. Có thể hiểu, trong bối cảnh bùng phát lây nhiễm thì y tế cơ sở không kịp thống kê đúng trình tự thời gian mỗi ngày. Nơi mở ra tiền lệ bổ sung F0 là TP.HCM ở cao điểm Covid-19 năm ngoái. Bây giờ, cũng ở tình huống tương tự, Hà Nội vừa bổ sung 195.000 ca.
Từ ngày 10/3 đến ngày 15/3, nhiều địa phương xin bổ sung F0 như Thanh Hóa bổ sung 30.000 ca, Bình Định bổ sung 6.601 ca, Nam Định bổ sung 35.949 ca, Hưng Yên bổ sung 33.760 ca, Phú Thọ bổ sung 20.784 ca, Bắc Giang bổ sung 42.533 ca, Quảng Ninh bổ sung 32.400 ca, Thái Bình bổ sung 30.000 ca, Lào Cai đăng ký bổ sung 16.016 ca...
Việc công bố F0 ở mỗi địa phương có độ trễ hay độ lùi, cũng dễ thông cảm. Bởi lẽ, mỗi ngày trạm y tế xã thống kê rồi báo cáo lên trung tâm y tế huyện, sau khi rà soát thì trung tâm y tế huyện lại báo cáo lên Sở Y tế. Và từ số liệu của Sở Y tế trên cả nước gửi về, Bộ Y tế mới cập nhật Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh. Có khi Sở Y tế không làm kịp danh sách F0, khiến Bộ Y tế ghi nhận hôm ấy không có ca nhiễm mới và hôm sau lại cộng dồn số ca nhiễm mới của cả hai ngày.
Quy trình ấy rất bình thường, nhưng việc bổ sung F0 đôi khi cũng có vẻ bất thường. Ví dụ, tỉnh Vĩnh Phúc liên tục đăng ký bổ sung F0. Một địa bàn không lớn, dân số cũng không đông, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc lại bổ sung F0 khá thường xuyên, ngày 10/3 bổ sung 21.182 ca, ngày 11/3 bổ sung 19.326 ca và ngày 14/3 bổ sung 25.112 ca. Thật khó hiểu, khi ngày 10/3, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ công bố 2.756 ca nhiễm mới, nhưng ngày tiếp theo 11/3 lại bổ sung 19.326 F0. Phải chăng, địa phương cố ý “ém” bớt ca nhiễm mới mỗi ngày để có con số tương đối hài lòng, rồi sau đó khéo léo bổ sung F0?
Với tốc độ lây nhiễm như hiện tại, nhiều chuyên gia đã đề nghị tạm ngừng công bố F0 hàng ngày trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh. Bởi vì, con số này không còn mấy ý nghĩa với cộng đồng, mà góc độ đáng quan tâm hơn là giảm thiểu số ca tử vong. Thế nhưng, dù không công bố thì cũng phải thống kê một cách đầy đủ và chính xác, để nắm vững tình hình và đưa ra những dự báo phòng chống hữu hiệu.
Không ai dám chắc chắn 100% ca nhiễm mới đều khai báo rõ ràng với y tế cơ sở. Thứ nhất, một bộ phận người dân tự cách ly điều trị tại nhà, nên cảm thấy không cần thiết tờ giấy chứng nhận F0. Thứ hai, đội ngũ nhân viên y tế cơ sở có hạn, cũng không thể đảm đương trọn vẹn việc ghi nhận F0 phát sinh tràn lan.
Cho nên, ngành y tế phải thực hiện hai động thái hỗ trợ. Một, nếu không có điều kiện cấp phát thuốc điều trị F0 thì hướng dẫn đơn thuốc tiêu chuẩn tương ứng với các triệu chứng, để người dân tự mua khi mắc bệnh. Hai, áp dụng công nghệ để thu thập thông tin về F0 dễ dàng, thuận lợi và nhanh chóng.