| Hotline: 0983.970.780

Con tôm - câu chuyện vùng nuôi Bắc Trung bộ: [Bài 2] Truân chuyên Quảng Trị

Thứ Ba 28/11/2023 , 13:33 (GMT+7)

Nhiều người đến rồi đi, một số vùng nuôi tôm bãi ngang Quảng Trị tan hoang. Người trụ lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đa phần phải chuyển đối tượng nuôi mới.

Những hồ nuôi bỏ không ở vùng nuôi tôm Vĩnh Thái. Ảnh: Võ Dũng.

Những hồ nuôi bỏ không ở vùng nuôi tôm Vĩnh Thái. Ảnh: Võ Dũng.

“Đừng có chụp ảnh mà tội”

Sau nhiều cuộc điện thoại bất thành, ông Nguyễn Văn Quang, công chức địa chính - nông nghiệp xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh trực tiếp dẫn chúng tôi xuống vùng nuôi tôm của xã. Ông Quang nói, Vĩnh Thái từng là vùng đất hứa của nhiều người có tiền từ TP. Đông Hà (Quảng Trị) và tỉnh Quảng Bình về đây đầu tư nuôi tôm. Thế nhưng, gần như tất cả đều bỏ của chạy lấy người. Nhiều hồ nuôi tôm, trên lý thuyết là chủ cũ nhưng đã được sang tay nhiều đời chủ mới. Vì thế, việc liên lạc để gặp trao đổi về tình hình nuôi tôm ở đây khó như mò kim đáy biển.

Ông Bùi Văn Danh, thường trú tại TP. Đông Hà có lẽ là người hiếm hoi còn sót lại đang nuôi khoảng 3 nghìn m2 hồ tôm ở Vĩnh Thái. Nhưng ông Danh nuôi tôm cũng cực chẳng đã, như chịu đấm ăn xôi.

Năm 2013, ông về đây thuê 9 nghìn m2 đất nuôi tôm. Một vài vụ đầu thắng lớn, ông đầu tư 2 tỷ đồng để nuôi tôm 2 giai đoạn. Thế nhưng, điệp khúc lời - lỗ cứ quấn lấy nhau, hơn 10 năm nay ông chưa thu hồi được vốn. Giờ thì khánh kiệt, ông chỉ nuôi có 3 nghìn m2, cũng năm được, năm mất. Bốn năm trước, vì cụt vốn, ông Danh phải cho thuê 1 hồ nuôi. Nhưng rồi chủ mới cũng bỏ chạy, ông Danh nhận lại đất.

Nhiều chủ hồ tôm đã bỏ của chạy lấy người. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều chủ hồ tôm đã bỏ của chạy lấy người. Ảnh: Võ Dũng.

“Năm nay cũng lãi hơn 100 triệu đồng nhưng phải bù cho năm lỗ. Lãi được đồng nào lại tái đầu tư con giống, thức ăn hết chứ không dư ra đồng nào. Nếu đủ vốn thì tôi cũng đã chuyển sang nuôi cá, nuôi ốc chứ nuôi tôm trầy trật quá, ông Danh buồn bã.

Nuôi tôm thâm canh, mỗi năm lãi hơn 100 triệu đồng thực chẳng bõ bèn gì so với đồng vốn đầu tư. Nhưng nghĩ tới những gì đã phải bỏ ra, ông Danh cố bám trụ đến hôm nay.

“Ngang đâu tính đó! Thành công khó hung (khó lắm – PV)!. Nhiều người bể nợ phải cho thuê lại hồ. Mình còn trụ lại đây là vì không biết làm gì, chỉ mong gỡ gạc đồng vốn thôi” – vẫn lời ông Danh.

Từ năm 2019 đến nay, ông Phạm Cao Quý (trái) chưa được nếm trải thành công từ con tôm. Ảnh: TT.

Từ năm 2019 đến nay, ông Phạm Cao Quý (trái) chưa được nếm trải thành công từ con tôm. Ảnh: TT.

Bài liên quan

Còn ông Phạm Cao Quý, quê tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sau nhiều năm làm kỹ thuật cho các công ty thức ăn chăn nuôi thủy sản, năm 2019, ông Quý về Vĩnh Thái thuê 9 nghìn m2 của một ông chủ cũ người TP. Đông Hà để nuôi tôm. Thế nhưng, kể từ năm 2019 đến nay, với con tôm, ông Quý chưa được nếm trải cảm giác thành công. Khó khăn quá, nhân lúc còn huy động được vốn, năm 2022, ông Quý chuyển sang nghề mới: Thuần hóa con giống cá dìa trên diện tích 6 nghìn m2 để cấp cho người dân. Một hồ công nghệ Biofloc được xây dựng hàng trăm triệu đồng để nuôi tôm 2 giai đoạn nay nằm đó, mặc nắng mưa. Nghề nuôi tôm đối với ông Quý coi như chấm hết.

Từ ngày mất trắng những vụ tôm, ông Quý như người mất hồn. Nhưng cũng như nhiều người, ông Quý không muốn mất trắng những gì đã bỏ ra. Nuôi cá dìa tuy không lãi lớn nhưng ít rủi ro hơn, đảm bảo có thể giúp ông Quý từng bước gỡ lại đồng vốn.

 “Hồ nuôi tan hoang rồi! Đừng có chụp ảnh mà tội! Ở đây, cũng không hiểu sao nuôi tôm hầu hết đều thất bại. Người còn chút lưng vốn thì chuyển sang nuôi cá, nuôi ốc nhưng không biết rồi sẽ trụ đến bao giờ” – ông Quý buồn bã.

Nhiều hộ đã chuyển sang nuôi cá, ốc. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều hộ đã chuyển sang nuôi cá, ốc. Ảnh: Võ Dũng.

Tình trạng này không chỉ xẩy ra ở xã Vĩnh Thái. Đi qua những xã bãi ngang khác của các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Gio Linh… của tỉnh Quảng Trị, chúng tôi cũng gặp tình cảnh tương tự.

Ông Trần Khương Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân (Triệu Phong) cho biết, từ năm 2006, nhiều người đã về đây thuê đất nuôi tôm. Có thời điểm, toàn xã có 37 ha nuôi tôm. Một ha nuôi tôm những năm đó bằng cả chục ha lúa. Tuy nhiên, từ năm 2018, diện tích nuôi tôm giảm hẳn, nhiều hồ nuôi cứ thế để hoang hóa, nước mặn theo các hồ nuôi tôm thẩm thấu vào ruộng đồng gây nên tình cảnh thiếu nước ngọt sản xuất và sinh hoạt.

Thay đổi hay là… chết?

Cạnh trại nuôi tôm của ông Bùi Văn Danh tại thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái là một trại nuôi tôm khác, cũng không biết thực chất ai là chủ cuối cùng. Chỉ biết, hồ tôm này từ lâu trơ đáy, bạt trải còn nằm dưới đáy hồ, ống nhựa dẫn nước văng khắp nơi. Những tấm  fibro xi măng lợp nhà để thức ăn vỡ rơi xuống nền vương vãi. Cánh quạt nhựa quạt nước lấy ô xi cho tôm tấp thành từng đống, bạc màu dưới nắng mưa, sắt thép hoen gỉ, nền đất, nền xi măng cỏ mọc chi chít. Đã lâu rồi, trại tôm này không có người qua lại.

Hoặc chấp nhận thay đổi hoặc trắng tay. Ảnh: Võ Dũng.

Hoặc chấp nhận thay đổi hoặc trắng tay. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Bùi Văn Danh cho biết, nguyên nhân nuôi tôm thất bại thì nhiều vô số nhưng nếu khắc phục được thì giàu to rồi. Người nuôi tôm đến đây, ngoài một chút kiến thức, một chút lưng vốn thì mọi thứ đều phải tự túc bởi hạ tầng nuôi tôm ở đây chỉ là con số không tròn trĩnh.

“Tôi và 3 hộ nữa phải tự lắp một trạm biến áp, kéo điện lưới về đây sử dụng. Vùng này cũng không có hệ thống dẫn nước từ biển vào để nuôi tôm. Dân tự đặt máy hút nước từ biển vào, nuôi tôm xong thì thải ra ngoài môi trường. Chính hạ tầng yếu kém dẫn đến việc không có hệ thống xử lý, không có tính cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản”, ông Danh chia sẻ.

Hạ tầng nuôi tôm tại các xã bãi ngang Quảng Trị gần như bằng không. Ảnh: Võ Dũng.

Hạ tầng nuôi tôm tại các xã bãi ngang Quảng Trị gần như bằng không. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Hữu Trường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái cho hay, cao điểm địa phương này có gần 20 ha nuôi tôm. Chủ hồ nuôi đa phần đến từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Nhưng hiện nay, số hồ nuôi tôm chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

“Từ năm 2016 đến nay, nuôi tôm ở đây gần như mất trắng. Trên lý thuyết, các hồ này đăng ký nuôi tôm nhưng thực tế gần như tất cả đã chuyển sang nuôi các loài thủy sản khác như cá, ốc”, ông Trường cho hay.

Chúng tôi đi dọc các xã bãi ngang khác của huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong… tình hình cũng không mấy khả quan. Ngoại trừ những hồ nuôi được đầu tư đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao thì còn vớt vát được một vài vụ tôm có lãi. Người nuôi tôm các xã bãi ngang cho biết, nguyên nhân khiến nghề nuôi tôm thất bát là bởi điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt; môi trường ở các vùng nuôi ngày càng ô nhiễm. Các dòng sông bị ô nhiễm, hạ tầng các vùng nuôi yếu kém hiện nay dẫn đến những áp lực về môi trường ngày càng tăng.

Trước thực tế này, nhiều hộ buộc phải chuyển sang nuôi cá, nuôi ốc, nuôi xen ghép nhiều loại thủy sản để giảm nguy cơ dịch bệnh và mong có được đồng lãi. Thế nhưng, không phải ai khi chuyển đổi đối tượng nuôi cũng thành công.

Điều này gây nên những áp lực về môi trường nuôi tôm. Ảnh: Võ Dũng.

Điều này gây nên những áp lực về môi trường nuôi tôm. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Đinh Minh Dũng, một hộ nuôi tôm có thâm niên và đầy kinh nghiệm tại thôn 9, xã Triệu Vân cho biết, từ năm 2020 đến nay, có trên 80% hộ nuôi tôm ở đây thất bại. Đến năm 2023, nhiều hộ chuyển sang nuôi cá kình, cá dìa nhưng giá cả thất thường. Theo ông Dũng, nguyên nhân nuôi tôm thất bát, ngoài yếu tố môi trường ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt thì hạ tầng nuôi gần như không có gì khiến việc dẫn nước, điều hòa nguồn nước, thải nước ra môi trường gặp rất nhiều khó khăn. Các nguồn nước này tích tụ dần, gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở vùng nuôi khiến con tôm không thể sống được.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, phong trào nuôi tôm ở địa phương mạnh lên từ năm 2000 nhưng hiện nay một số vùng nuôi chưa được đầu tư nâng cấp, đặc biệt là hạ tầng cấp thoát nước chưa đồng bộ. Cách tốt nhất bây giờ là các hộ tự ghép diện tích lại với nhau để tự đầu tư hệ thống hồ lắng, điện, đường giao thông.

Với hạ tầng vùng nuôi như thế này, người nuôi tôm ở các xã bãi ngang Quảng Trị thất bát là điều dễ hiểu. Ảnh: Võ Dũng.

Với hạ tầng vùng nuôi như thế này, người nuôi tôm ở các xã bãi ngang Quảng Trị thất bát là điều dễ hiểu. Ảnh: Võ Dũng.

“Ô nhiễm môi trường nước hiện nay thực sự là một thách thức đối với người nuôi tôm. Phải đầu tư nuôi tôm công nghệ cao thì may ra mới thành công được. Nhưng thực tế, người dân còn hoài nghi về khả năng thành công, thiếu vốn nên trong số 1,4 nghìn ha nuôi tôm hiện nay thì cũng mới chỉ có khoảng 100 ha tôm công nghệ cao. Nhiều hộ đã phải chuyên sang nuôi các loài cá, ốc”, ông Vinh cho biết.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất