Theo cho biết của Trung tá Cao Trọng Thông, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an huyện Tuy Phước (Bình Định), vụ ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Tuy Phước mang chuông đồng của cơ quan đi bán đồng nát đã được Cơ quan điều tra làm rõ.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Tuy Phước, kết luận hành vi của ông Võ Tuấn Khanh đã được chuyển cho Huyện ủy, UBND huyện Tuy Phước xử lý theo các quy định về mặt Đảng và quản lý nhà nước.
Trước đó, như NNVN đã đưa tin, nhân viên của Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Tuy Phước đã tố giác ông Võ Tuấn Khanh lấy chuông đồng, là tài sản của đơn vị bỏ vào trong bao và đặt ở trong phòng làm việc riêng suốt thời gian dài, sau đó, chiếc chuông đồng nói trên “biến mất” khỏi cơ quan. Để xác minh vụ việc, UBND huyện Tuy Phước đã lập tổ thanh tra về vụ việc.
Trong thời điểm tổ thanh tra làm việc, ông Khanh có mang về một chiếc chuông đồng và báo cáo đó chính là chiếc chuông đồng mà ông đã bán đồng nát. Tổ thanh tra huyện Tuy Phước mời 2 nhân chứng, là những người trước đây thường xuyên nhìn thấy chiếc chuồng đồng trong kho đến nhận diện chiếc chuông. Đó là ông Phạm Văn Long, nhân viên bảo vệ đã bị cho thôi việc sau khi tố giác ông Khanh và họa sỹ Nguyễn Đình Phúc, công tác lâu năm tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Tuy Phước. Sau khi nhìn chiếc chuông ông Khanh mang về, cả 2 nhân chứng nói trên đều khẳng định đó không phải là chiếc chuông trong kho cơ quan đã bị ông Khanh bán.
Ông Phạm Văn Long nhiều lần khẳng định, từ năm 2011, ông Võ Tuấn Khanh đã tự ý đổi ổ khóa kho chứa thiết bị, vật dụng của đơn vị và chỉ tự mình giữ chìa khóa. Sau đó ông Long phát hiện ông Khanh mang chuông đồng bỏ vào bao đặt ở phòng làm việc riêng và chiếc chuông biến mất sau đó.
Sau khi có kết luận của Cơ quan điều tra, Công an huyện Tuy Phước về vụ việc này, ông Nguyễn Đình Phúc, cho biết để phục vụ công tác điều tra, cơ quan công an đã mời ông này đến cơ quan vẽ lại 2 chiếc chuông theo trí nhớ để đối chiếu. Ngay tại chỗ, ông Phúc đã vẽ hình dạng chiếc chuông trong kho mình thương thấy cả về kích thước, hình dáng, bố cục, họa tiết theo trí nhớ của mình. Sau khi so sánh thì thấy chiếc chuông ông Khanh mang về khác xa chiếc chuông bị bán mất.
“Việc các cơ quan chức năng vẫn sử dụng chiếc chuông do ông Khanh mang về làm tang vật vụ án là điều phi lí. Nếu như vậy, hóa ra tôi đã là người vu khống ông Võ Tuấn Khanh”, họa sỹ Nguyễn Đình Phúc bức xúc
Mới đây, nhân viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao huyện Tuy Phước còn phát hiện thêm trong cơ quan không chỉ mất chiếc chuông đồng, mà còn có nhiều tài sản khác của đơn vị cũng đã biến mất. Trong đó, đáng chú ý có bộ máy chiếu phim nhựa Cenon do Liên Xô sản xuất, được đưa về cơ quan này vào năm 1989. Cả tỉnh Bình Định chỉ có 2 chiếc máy chiếu phim loại này, đó là tài sản có giá trị lớn cũng đã biến mất từ khi nào không ai biết.
Tuy nhiên, theo Trung tá Thông, hành vi của ông Khanh không đủ cấu thành tội phạm, vì chiếc chuông đồng tang vật được các cơ quan điều tra xác định không phải là chuông cổ; hành vi mang chiếc chuông bị đem bán để trục lợi là hành vi tham ô, nhưng không đủ để cấu thành tội phạm; ông Khanh chưa bị kỷ luật hay xử lý hành chính về hành vi tham nhũng nên cơ quan điều tra đã không khởi tố vụ án.
“Theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015, bổ sung, sửa đổi năm 2017, thì hành vi tham ô được xác định cấu thành tội phạm khi tài sản tham ô có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Chiếc chuông tang vật được cơ quan điều tra xác định có giá trị gần 1,7 triệu đồng. Tuy nhiên, trước đó, trong báo cáo về vụ bán chuông của ông giám đốc cơ quan văn hóa cho Huyện ủy và UBND huyện Tuy Phước, ông Khanh báo cá đã bán chiếc chuông đồng thu lợi số tiền 2,5 triệu đồng”.