| Hotline: 0983.970.780

Công bố chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn

Thứ Tư 22/12/2021 , 16:29 (GMT+7)

Sáng 22/12, Bộ NN-PTNT phối hợp với UNICEF tổ chức hội nghị công bố chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đảm bảo việc tiếp cận dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn, chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh môi trường, khu vực công cộng, hộ gia đình, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh; nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: Phát triển nước sạch, vệ sinh nông thôn không chỉ là nhu cầu mà là mệnh lệnh để xã hội phát triển công bằng. Ảnh: Trung Quân.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: Phát triển nước sạch, vệ sinh nông thôn không chỉ là nhu cầu mà là mệnh lệnh để xã hội phát triển công bằng. Ảnh: Trung Quân.

Theo đó, đến năm 2030, 65% dân số sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, tối thiểu 60 lít/người/ngày; 100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% thực hiện vệ sinh cá nhân; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Đến năm 2045, 100% người dân sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết: UNICEF rất vui mừng khi được đồng hành cùng Bộ NN-PTNT trong hành trình triển khai chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn trong thời gian tới. Chiến lược này đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng cho Việt Nam trên con đường thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn về ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam cần phải có sự đầu tư bài bản để tìm ra những giải pháp đồng bộ, có tính bền vững, lâu dài thay vì đầu tư vào những giải pháp tình thế như hiện nay.

Cũng theo bà Rana Flowers, nước sạch, vệ sinh nông thôn là yếu tố quan trọng trong phát triển ngành nông nghiệp thông minh, nâng cao năng suất, tăng trưởng kinh tế của quốc gia trong hiện tại và tương lai. Việc được sử dụng nước sạch là vấn đề sống còn đối với mỗi gia đình, cá nhân. Tiếp cận với nước sạch đồng nghĩa với việc con người được bảo vệ trước các loại dịch bệnh…

Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sẽ là công cụ chính sách trọng yếu, định hướng hành động. Giúp cải thiện việc tiếp cận nước sạch, vệ sinh, quan trọng hơn giúp đảm bảo cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, đề xuất 3 vấn đề cốt lõi mà chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải đạt được. Ảnh: Trung Quân.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, đề xuất 3 vấn đề cốt lõi mà chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phải đạt được. Ảnh: Trung Quân.

Trên cơ sở đó, bà Rana Flowers đề xuất, chiến lược cần tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi: Cần có sự đầu tư đủ và sáng suốt, đây không phải là phí tổn mà là đầu tư thông minh, chi nhiều hơn cho nước sạch, vệ sinh nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu phân bổ phù hợp sẽ tối ưu hóa được nguồn ngân sách và tiếp cận với tất cả người dân có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là các địa bàn nghèo, vùng sâu, vùng xa, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, cần có sự tiếp cận đa dạng, phối hợp liên ngành, đòi hỏi công tác chỉ đạo quyết liệt của các cơ quan quản lý. Ngoài ra, trong lĩnh vực vệ sinh, xử lý chất thải rắn hiện nay còn may mún, cần tìm ra giải pháp toàn diện, trên quy mô lớn. Việt Nam sẽ không thể xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn nếu bỏ qua vấn đề nước sạch, vệ sinh nông thôn.

UNICEF cam kết, tiếp tục hợp tác với Bộ NN-PTNT để triển khai chiến lược một cách hiệu quả, tập trung vào các gia đình vùng sâu xa, đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em… để họ được tiếp cận với hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh được quản lý và vận hành an toàn và bền vững.

Đồng bộ các giải pháp, giải quyết triệt để các thách thức

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị công bố chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục đích công bố chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chiến lược. Đồng thời, thúc đẩy cam kết hợp tác giữa các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế thực hiện chiến lược trong thời gian tới.

Cũng theo Thứ trưởng, cùng với nội lực trong nước, việc cấp nước sạch nông thôn thời gian qua của Việt Nam đã được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như WB, ADB, UNICEF… về nguồn lực cũng như kỹ thuật. Giúp xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, thực hiện các mục tiêu quốc gia của Chính phủ nói chung, nâng cao năng lực của ngành nông nghiệp nói riêng.

Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000. Sau hơn 20 năm thực hiện, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ song vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, cần sớm được tháo gỡ, cụ thể:

Vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ cấp nước và vệ sinh giữa các vùng, địa phương, giữa các huyện, xã trong một tỉnh. Số lượng công trình hoạt động kém hiệu quả vẫn còn cao, chất lượng nước ở nhiều công trình cấp nước chưa ổn định, công tác vận hành nhiều nơi còn buông lỏng, tổ chức quản lý, trách nhiệm không rõ ràng, hoạt động kém bền vững.

Kết quả khảo sát trên 16.000 công trình cấp nước tập trung đã xây dựng và vận hành chỉ có 34,7% bền vững, 34,1% trung bình, 16,8% kém hiệu quả và 14,4% không hoạt động. Một trong những nguyên nhân chính là do công tác tổ chức quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công về nước sạch nông thôn ở một số địa phương chưa ổn định, hiệu quả.

Vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ cấp nước và vệ sinh giữa các vùng, địa phương, giữa các huyện, xã trong một tỉnh. Ảnh: TL.

Vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về tỷ lệ cấp nước và vệ sinh giữa các vùng, địa phương, giữa các huyện, xã trong một tỉnh. Ảnh: TL.

Về chất lượng nước, mặc dù tỷ lệ người dân được cấp nước hợp vệ sinh tương đối cao (88,5%) song mới có khoảng 51% cư dân nông thôn được cấp nước sạch đạt QCVN 02:2009/BYT. Nguồn nước cấp cho các công trình cấp nước không ổn định, chưa được theo dõi, giám sát. Nguồn lực đầu tư hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước không đáp ứng được nhu cầu đầu tư ngày càng cao cho cấp nước nông thôn.

Trong giai đoạn gần đây, khô hạn kéo dài, hiện tượng cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và cung cấp nước sinh hoạt phục vụ đời sống người dân nông thôn. Việc thiếu nước ngọt trong sinh hoạt ngày càng gay gắt và có xu thế kéo dài trong mùa khô ở nhiều địa phương.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị Bộ, ban, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong giai đoạn tới.

Trong đó, tập trung đẩy công tác truyền thông theo hướng đa dạng hóa hình thức, phong phú về nội dung, nhắm tới mục tiêu nâng cao, thay đổi nhận thức của các cấp quản lý và người dân trong công tác tiếp cận nước sạch nông thôn.

“Phải giúp người dân thực sự thấu hiểu được lợi ích to lớn của việc giữ gìn, sử dụng nước sạch, vệ sinh một cách đúng đắn sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn, đủ đầy hơn. Đối với các cấp quản lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức được phát triển nước sạch, vệ sinh nông thôn không chỉ là nhu cầu mà là mệnh lệnh để xã hội phát triển công bằng, bền vững, từ đó đưa ra chính sách phù hợp”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện thể chế, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thu hút nhiều hơn các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy xã hội hóa, có cơ chế cụ thể, hợp lý về giá nước sạch, bù chéo giá trong nội bộ địa phương... Văn bản ban hành cũng phải xử lý được triệt để vấn đề quản lý sau đầu tư, phối hợp liên ngành…

Ngoài ra, hoàn chỉnh hệ thống quản lý cấp nước sạch từ trung ương đến địa phương, cụ thể hóa chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng công nghệ xử lý nước vệ sinh môi trường, nhất là công nghệ xử lý nước nhất là sau thiên tai, bảo lũ…

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.