| Hotline: 0983.970.780

Công trình nước sạch bỏ hoang vì nước không sạch

Thứ Năm 18/11/2021 , 17:53 (GMT+7)

Quảng Ngãi Công trình nước sạch được đầu tư tới hơn chục tỷ đồng nhưng khi đưa vào vận hành sử dụng đã không mang lại hiệu quả dẫn đến bỏ hoang nhiều năm nay.

Công trình nước sạch được đầu tư hơn 11 tỷ đồng ở xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi) nhưng đưa vào sử dụng được 1 thời gian thì bỏ hoang. Ảnh: N.Đ.

Công trình nước sạch được đầu tư hơn 11 tỷ đồng ở xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi) nhưng đưa vào sử dụng được 1 thời gian thì bỏ hoang. Ảnh: N.Đ.

Nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân 2 vùng tái định cư ở xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), năm 2011 và 2013, tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành đầu tư 2 công trình nước sạch với công suất thiết kế 550 m3/ngày đêm phục vụ cho khoảng 350 hộ dân tại địa phương này với tổng kinh phí  gần 15 tỷ đồng.

Theo đó, 1 công trình nước sạch giá trị hơn 3 tỷ đồng để phục vụ cho khu tái định cư di dân vùng sạt lở được xây dựng vào năm 2011 và công trình còn lại có mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng phục vụ cho 4 khu tái định cư dự án đường Dung Quất - Sa Huỳnh thực hiện vào năm 2013. Thế nhưng, khi đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì cả 2 công trình đều bỏ hoang gây nhiều bức xúc cho người dân.

Sau 1 thời gian dài không sử dụng, các hạng mục trong công trình đã bắt đầu xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: L.K.

Sau 1 thời gian dài không sử dụng, các hạng mục trong công trình đã bắt đầu xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: L.K.

Ông Ngô Mộng Đạt (67 tuổi, trú thôn Tăng Long, xã Tịnh Long) cho biết, sau khi công trình nước sạch hoàn thành, gia đình ông đã bỏ ra 1 triệu đồng để lắp đồng hồ và bắt ống dẫn nước. Thế nhưng khi sử dụng, ông nhận thấy nguồn nước lấy từ công trình này bị phèn, chất lượng không đảm bảo.

“Hồi mới đưa vào sử dụng, mỗi khối nước được tính với giá 5.500 đồng. So với những nơi khác, thời điểm đó giá này là tương đối cao. Tuy nhiên, nếu chất lượng nước mà đảm bảo thì người dân cũng chấp nhận mua để sử dụng. Đằng này thấy nhiễm phèn như thế nên chúng tôi không yên tâm rồi tự khoan giếng, mua máy lọc nước về sử dụng”, ông Đạt nói.

Người dân bỏ tiền đầu tư đường ống, đồng hồ để sử dụng nước từ công trình nước sạch nhưng bây giờ đành bỏ không. Ảnh: N.Đ.

Người dân bỏ tiền đầu tư đường ống, đồng hồ để sử dụng nước từ công trình nước sạch nhưng bây giờ đành bỏ không. Ảnh: N.Đ.

Còn ông Đoàn Minh Đình (trú khu tái định cư Đồng Bến Sứ, thôn Tăng Long, xã Tịnh Long) thì cho rằng, khu tái định cư mà gia đình ông và những người dân khác đang ở hiện nay trước đây là khu nghĩa địa dẫn đến nguồn nước ngầm có nguy cơ ô nhiễm. Do đó, khi thấy có công trình nước sạch được đầu tư xây dựng thì ai cũng vui mừng hy vọng nước sẽ được xử lý đảm bảo an toàn.

“Vậy mà công trình xây dựng xong thì nguồn nước vẫn bị nhiễm phèn như thế, không ai dám sử dụng rồi bỏ hoang nhiều năm nay gây lãng phí tiền của. Bây giờ không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải chấp nhận khoan giếng để lấy nước ngầm sinh hoạt, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là rất lớn”.

Trao đổi về sự việc này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long, cho rằng, khu vực xã Tịnh Long hầu hết có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Qua đánh giá mức độ ô nhiễm, đơn vị chủ đầu tư đã lựa chọn địa điểm xây dựng công trình cấp nước có mức độ ô nhiễm ít nhất và xây dựng công trình lọc lắng đảm bảo an toàn, nhưng công trình không sử dụng, bỏ phí nhiều năm là điều rất tiếc nuối.

Hệ thống máy móc được đầu tư nhưng không sử dụng, có nguy cơ hư hỏng. Ảnh: L.K.

Hệ thống máy móc được đầu tư nhưng không sử dụng, có nguy cơ hư hỏng. Ảnh: L.K.

Theo ông Tuấn, có nhiều nguyên nhân khiến 2 công trình cấp nước sinh hoạt này dừng hoạt động, bỏ hoang. Với 4 khu tái định cư của dự án đường Dung Quất – Sa Huỳnh được hoàn thành vào năm 2013. Sau khi đến đây ở, người dân đã làm nhà, khoan giếng. Trong khi đó, công trình nước sạch hơn 11 tỷ đồng nói trên đến năm 2015 mới hoàn thành, đưa vào sử dụng.

“Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng nước tại 4 khu tái định cư chỉ còn khoảng 57 hộ.  Không những thế, khi công trình hoàn thành, hệ thống đường ống có chất bẩn, UBND xã kiến nghị chủ đầu tư xả đường ống, mặc dù đã làm sạch nhưng người dân cũng không dám sử dụng lại”, ông Tuấn cho hay.

Về công trình nước sạch 3 tỷ đồng phục vụ di dân vùng sạt lở, ông Tuấn lý giải, người dân vào định cư năm 2003, nhưng đến năm 2011, công trình cấp nước sinh hoạt mới thực hiện. UBND xã vận động người dân tham gia, ngoài trừ các hộ đã khoan giếng thì còn lại rất ít người dân tham gia đấu nối đường ống.

“Công trình sau khi hoàn thành giao xã quản lý, nhưng xã không có chuyên môn, không có nguồn thu để duy tu, bảo dưỡng hằng năm. Lượng nước thất thoát quá lớn trong thời gian dài nhưng không khắc phục được, dẫn đến thua lỗ. Trong 3 năm liên tiếp, địa phương phải bù lỗ hơn 17 triệu đồng nên từ cuối năm 2019, công trình ngưng hoạt động”, ông Tuấn thông tin.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Long cũng cho biết thêm, trước thực trạng trên, nhận thấy địa phương không đủ khả năng tiếp tục vận hành, UBND xã đã xin chuyển giao TP Quảng Ngãi quản lý cả 2 công trình cấp nước trên những vẫn chưa được đồng ý.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.