| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ bảo quản là mấu chốt thúc đẩy xuất khẩu trái cây

Thứ Sáu 02/12/2016 , 08:27 (GMT+7)

XK trái cây đang tiếp tục bùng nổ và mở ra nhiều thị trường tiềm năng lớn. Để XK trái cây tiếp tục tăng trưởng mạnh, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là công nghệ bảo quản.

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Chu Hồng Châu (ảnh), Phó GĐ Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II (Cục BVTV, Bộ NN-PTNT) về vấn đề này.

17-37-02_1-ong-chu-hong-chu-pho-gd-trung-tm-kiem-dich-thuc-vt-su-nhp-khu-ii
 

Xuất khẩu trái cây của ta trong năm tới được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ, tiềm năng xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính còn rất lớn. Theo ông, những trái cây chủ lực nào có tiềm năng xuất khẩu mạnh vào các thị trường khó tính trong năm tới?

Tôi cho rằng trái bưởi và chanh đang rất có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường khó tính như Úc hoặc Mỹ. Tuy nhiên, mình cũng còn phải nghe ngóng thêm về tình hình thực tế ở các nước này xem thế nào, nhất là Mỹ khi mới bầu lại Tổng thống nên e rằng chính sách của họ đối với Việt Nam có thể sẽ thay đổi.

Do vậy, trước mắt, mình nên củng cố lại những loại trái cây đang xuất khẩu mạnh sao cho việc xuất khẩu được bền vững, hơn là mải miết đi tìm thị trường mới. Đối với những loại trái cây đang xuất nhưng số lượng chưa nhiều thì phải xem lại còn khó khăn chỗ nào, các tỉnh sản xuất ra sao để hỗ trợ hoặc liên kết các doanh nghiệp thu mua với nhà vườn để thúc đẩy tăng sản lượng xuất khẩu.

Mặt hàng thanh long của ta chủ yếu xuất đi Trung Quốc, nhưng cũng đến lúc ta cần phải mở thêm các thị trường mới để bớt bị phụ thuộc vào thị trường này. Năm tới Cục BVTV sẽ tiếp tục đàm phán với thị trường Úc để xuất trái thanh long được giá cao hơn, từ đó Trung Quốc sẽ không thể ép giá, mua rẻ được. Mặc dù nước này hiện cũng đang trồng thanh long nhiều, nhưng vẫn không thể “đấu” được với thanh long của ta vì họ không thể làm rải vụ để thu hoạch quanh năm như mình.

Thưa ông, trái cây xuất khẩu của ta còn bị vướng những rào cản nào?

Rào cản chính là những quy định về kiểm dịch thực vật (KDTV) hay vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, tất cả những quy định này không có gì khó thực hiện cả, như phải đăng ký mã vùng trồng, ghi chép nhật ký đồng ruộng, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm… Lúc đầu nông dân chưa quen, thấy khó, nhưng dần dần rồi sẽ làm tốt, quan trọng là vấn đề giá sẽ quyết định đến ý thực sản xuất của người dân.

Thực tế do mô hình sản xuất của ta còn manh mún nhỏ lẻ dẫn đến chi phí đầu tư cao, nếu làm đồng loạt sẽ bớt công lao động và có được sản lượng hàng hóa lớn cho xuất khẩu. Do vậy, các vùng trái cây cần có quy hoạch rõ ràng và thành lập các HTX để điều hành từ sản xuất đến thu hoạch và tiêu thụ. Sở Công Thương các tỉnh giúp kết nối giữa các nhà xuất khẩu với nhà vườn và phối hợp với Chi cục BVTV để hướng dẫn kỹ thuật theo đúng quy trình mới cho sản phẩm trái đạt yêu cầu xuất khẩu.

Điều đáng mừng là các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Châu Âu…, đã hiểu rõ các điều kiện cần và đủ để xuất khẩu nên sẽ đặt hàng nông dân sản xuất rồi chọn lựa thu mua rất kỹ. Do vậy, mấy năm qua các lô hàng trái xuất khẩu đều đạt, chưa bị dính về KDTV hay ATVSTP.

Để xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như chiếu xạ hay xử lý nhiệt. Vậy các dịch vụ này hiện có đáp ứng kịp cho nhu cầu xuất khẩu hay không?

Hiện các nhà máy chiếu xạ và xử lý nhiệt của ta đều đáp ứng tốt cho nhu cầu xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính, như nhà máy chiếu xạ Xuân Sơn, An Phú; 5 nhà máy xử lý hơi nhiệt cũng đang hoạt động thường xuyên. Mỗi tuần bình quân mỗi nhà máy xử lý và xuất khẩu được khoảng 3 “công” hàng trái các loại. Chúng tôi cũng đang thăm dò ý kiến thực tế từ các doanh nghiệp và các tỉnh để biết chắc chắn diện tích loại trái cây nào nhiều, mùa vụ ra sao, sản lượng có đủ xuất khẩu không sẽ tiếp tục đàm phán các thị trường mới.

Công nghệ bảo quản của ta so với nhiều nước hiện ra sao? Cần phải làm gì để làm tốt khâu bảo quản, đáp ứng được cho xuất khẩu trái cây?

Tôi thấy chỉ riêng những vùng trồng chuyên canh như cam, nho của Mỹ khi thu hoạch đều bằng máy móc hết, rất đỡ công lao động nên giá thành nông sản của họ đều rẻ hơn mình. Hơn nữa công nghệ bảo quản sau thu hoạch của họ cũng rất tốt, cho nên trái nho Mỹ xuất khẩu qua Việt Nam vẫn đi bằng đường biển dài ngày mà không sợ bị hư hỏng. Cước vận chuyển bằng đường biển rẻ hơn so với đi máy bay nên giá cả cạnh tranh hơn nhiều.

Còn vấn đề bảo quản sau thu hoạch của ta hiện còn quá yếu làm hạn chế khả năng xuất khẩu. Công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch vẫn chưa theo kịp trình độ và năng lực sản xuất của nông dân. Đó là lý do khiến mặt hàng trái Việt như vải thiều, dưa hấu … vẫn xảy ra tình trạng “được mùa, mất giá” khiến cho người nông dân rơi vào tình cảnh sợ… được mùa.

Hiện, chỉ trái thanh long hay nhãn của ta có thể vận chuyển được bằng tàu thủy, còn các loại trái khác như xoài, chôm chôm… thì bó tay vì công nghệ bảo quản không có. Có lẽ đây là "tử huyệt".

Công nghệ bảo quản sau thu hoạch của ta quá yếu. Chủ yếu mới chỉ đi vào nghiên cứu rộng chứ không nghiên cứu sâu, thay vì cần phải được đầu tư việc nghiên cứu bảo quản sau thu hoạch cho tốt vì đây là chuyện sống còn của ngành trái cây Việt Nam.

Sau này trái cây Việt có cạnh tranh được hay không vẫn là do công nghệ bảo quản, nó sẽ giúp hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh thị trường. Thực tế tôi đã từng giới thiệu và dắt những doanh nghiệp xuống tận nhà vườn thu mua xoài xuất khẩu nhưng tất cả đều thất bại vì không có công nghệ bảo quản tốt khiến trái xoài xuất qua các nước bị hư hoặc xuống mã khách hàng không chấp nhận mua.

"Bảo quản sau thu hoạch là mấu chốt của thành công. Như với trái thanh long, nếu vận chuyển bằng đường hàng không giá cước sẽ cao gấp 10 lần so với đường biển.

Ta nên đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu làm sao phải bảo quản được trái cây ít nhất từ 18 đến hơn 20 ngày thì trái cây mới có thể xuất qua các thị trường cao hơn. Nhất là những tín hiệu vui khi trong năm tới tình hình xuất khẩu trái cây của ta sẽ còn tăng nữa, vì Úc sẽ mở cửa để nhập khẩu thanh long của ta.

Đài Loan mới mở cửa lại nhưng sang năm tới lượng trái cây xuất khẩu vào thị trường này sẽ rất khả quan. Còn những loại trái cây chủ lực khác chúng tôi sẽ cố gắng kết nối đàm phán với thêm các thị trường nhập khẩu để sản lượng xuất khẩu sẽ ổn định” - Ông Chu Hồng Châu, Phó GĐ Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II.

 

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất