Đã trải qua gần 2 năm chống dịch và đã có Nghị quyết 128 thích ứng linh hoạt an toàn với Covid-19, nhưng dường như việc ứng dụng công nghệ thông tin cho quá trình bình thường mới vẫn còn không ít lúng túng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính từ tháng 9/2021 đã yêu cầu cả nước thống nhất dùng chung một ứng dụng khai báo y tế. Từ ngày 1/11, Bộ Thông tin Truyền thông khuyến cáo sử dụng ứng dụng PC-Covid để khai báo y tế toàn dân. Thế nhưng, trên thực tế lại có những diễn biến khá rắc rối.
Khán giả Hà Nội tối 16/11, để vào sân vận động Mỹ Đình theo dõi trực tiếp trận thi đấu vòng loại World Cup giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Saudi Arabia, phải khai báo y tế qua ứng dụng VNeID. Trước đó, giới luật sư cũng than phiền khi vào trại giam để làm việc với bị can, cũng phải khai báo y tế qua ứng dựng VNeID. Như vậy, vai trò của ứng dụng PC-Covid có ý nghĩa như thế nào? Liệu PC-Covid có phải là một chọn lựa trong rất nhiều chọn lựa tự nguyện hoặc miễn cưỡng không?
Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống Covid-19 vô cùng quan trọng. Phát huy tiện ích này, rất nhiều ứng dụng (gọi là "app") ồ ạt ra đời để phục vụ khai báo y tế. Có lúc cao điểm, Việt Nam có đến 12 "app" cùng hiển thị để mời gọi người dùng. Cứ cho rằng, giai đoạn đầu chưa kịp chuẩn bị tinh thần nên mạnh ai nấy thực hiện, kiểu nhất hô bá ứng “đông tay thì vỗ nên kêu”. Còn bây giờ, khi đã xác định PC-Covid là ứng dụng thống nhất toàn quốc thì không thể không dọn dẹp bớt những "app" cục bộ và nhỏ lẻ.
Vì sao cần nhanh chóng ngăn chặn việc nở rộ các loại "app" khai báo y tế? Vì quá nhiều sẽ dẫn đến việc thu thập dữ liệu cá nhân một cách vô nguyên tắc. Nếu đã chấp nhận giá trị của PC-Covid thì tại sao TP.HCM vẫn sử dụng ứng dụng Y tế HCM còn Đà Nẵng vẫn sử dụng ứng dụng Danang Smart City?
Trên diễn đàn Quốc hội, một số đại biểu cũng bày tỏ lo ngại làm sao để ứng dụng công nghệ thông tin chống dịch tránh được hiện tượng “đầu voi, đuôi chuột” dù mang tiếng là phần mềm quốc gia. Rào cản lớn nhất là cơ quan quản lý Nhà nước chưa thống nhất quy định, chưa tường minh quy trình nên dẫn đến hiệu quả quá khiêm tốn, trong khi tiềm năng của công nghệ thông tin rất lớn. Tiêu chí của phần mềm chống dịch cần là đơn giản và rộng mở. Đơn giản là bất cứ người dân nào cũng có thể sử dụng với thời gian nạp dữ liệu ngắn nhất, còn rộng mở là thích ứng, tích hợp được tất cả phần mềm đã, đang và sẽ triển khai.
Một băn khoăn, PC-Covid không thể thay thế “Sổ sức khỏe điện tử”, thì tại sao không tích hợp PC-Covid vào “Sổ sức khỏe điện tử” để thuận tiện cho cộng đồng, khi cuộc chiến với virus corona còn kéo dài? Hoạt động ứng dụng công nghệ phòng chống đại dịch toàn cầu, công nghệ chỉ chiếm 20%, còn 80% thành bại là do mô hình triển khai, trong đó phần dữ liệu đóng vai trò then chốt.