| Hotline: 0983.970.780

Công nhân đào hầm thủy điện ở Sơn La kêu cứu vì bị nợ lương

Thứ Hai 08/03/2021 , 11:36 (GMT+7)

Báo NNVN nhận được đơn kêu cứu của nhiều công nhân đào hầm thủy điện về việc bị các chủ thầu gây khó dễ, không trả lương ăn Tết.

Công nhân Việt Nam và Trung Quốc viết giấy đề nghị được thanh toán tiền công. Ảnh: Quang Dũng.

Công nhân Việt Nam và Trung Quốc viết giấy đề nghị được thanh toán tiền công. Ảnh: Quang Dũng.

Công nhân đào hầm kêu cứu

Khoảng 83 công nhân người Việt Nam và Trung Quốc, gửi đơn kêu cứu đến báo NNVN về việc Cty cổ phần Việt Dũng (Cty Việt Dũng) và Cty TNHH Xây dựng và Thương mại Tiến Anh (Cty Tiến Anh) tìm cách gây khó dễ, không thanh toán.

Số công nhân đào hầm thủy điện này làm thuê cho ông Điền Trung Phú, quốc tịch Trung Quốc, thi công  tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Ông Phú cho biết vì là người nước ngoài, ông ủy quyền cho bà Nguyễn Tú Lệ (phiên dịch), đứng ra ký hợp đồng với hai Cty nêu trên. Tuy nhiên, bà Lệ bị ông Phú tố cáo nhiều lần lấy tiền của đối tác, lấy tiền của ông Phú song không chi trả cho công nhân.

Về việc này, ông Phú đã cùng trợ lý của mình là bà Lưu Kim Anh (quốc tịch Việt Nam) liên hệ với Cty Việt Dũng và Cty Tiến Anh, song chưa được xử lý thỏa đáng. Ông Phú nói với PV báo NNVN rằng mình bị lừa vì không biết tiếng Việt.

Nhiều công nhân đào hầm vì không được thanh toán tiền lương trong nhiều tháng, nên Tết không thể về nhà. Số ít thì vay mượn ông Phú và người quen để về ăn Tết.

Trả lời phỏng vấn báo NNVN tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, nơi có các công trình thủy điện của Cty Việt Dũng và Cty Tiến Anh, anh Cháng Văn Khái (thôn Lũng Buông, xã Thuận Hoà, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) cho biết bắt đầu làm cho công ty Việt Dũng từ 1/4/2020 cho tới khi khoan xong hầm.

Đến hiện tại, anh Khái vẫn còn bị nợ 30 triệu tiền lương chưa được thanh toán. “Việc này là do bà Lệ chưa trả cho tôi, ở đây cũng có nhiều anh em chưa lấy được tiền. Tết vừa rồi may được anh Phú cho tạm ứng mới dám về nhà”, anh Khái nói.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Tiến Hưng (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) bắt đầu làm từ ngày 5/2/2020 tại cửa hầm số 4 của Cty Tiến Anh và đến tháng 4/2020 chuyển sang làm cho Cty Việt Dũng. “Từ thời điểm đó đến nay tôi chưa có đồng lương nào. Số tiền phải thanh toán cho tôi là hơn 70 triệu. Giờ tôi muốn biết bà Lệ có thanh toán cho tôi hay không vì bà ý gọi tôi đến đây làm thì phải có trách nhiệm với tôi”.

Bà Lê Bích Phượng ( Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái), nói: “Ngày 12/6/2020 chị Lệ gọi tôi lên nấu cơm cho công nhân ở cửa hầm số 1 với mức lương 7 triệu/tháng, hiện vẫn còn nợ tôi hơn 10 triệu. Cả bà Lệ và Cty Tiến Anh từ trên xuống dưới không hề quan tâm đến công nhân, không trả lương cho người ta. Cả một năm đi làm mà tết vừa rồi ứng được mấy triệu. Công nhân hỏi thì bà Lệ đổ tại Cty Tiến Anh chưa thanh toán, giờ cũng chẳng biết ai sẽ thanh tóan tiền lương cho chúng tôi”.

Công nhân Việt Nam, Trung Quốc bị nợ tiền lương tại hai công trình thủy điện ở huyện Mường La, Sơn La. Video: Quang Dũng.

Cài bẫy đối tác

Ông Điền Trung Phú cho biết khi ký hợp đồng, Cty Tiến Anh và Cty Việt Dũng đã tìm cách “cài bẫy” để trừ tiền công. Đơn cử như việc ngày ký hợp đồng và ngày khởi công trùng nhau. Đây là điều “không thể nào làm được”, theo lời doanh nhân Trung Quốc.

Ông Phú lý giải rằng không có đối tác nào chuẩn bị sẵn ngay được máy móc, công nhân, để lập tức thi công sau khi vừa ký hợp đồng trong ngày. Cụ thể, tại Điều 1 của hợp đồng ghi: “Ngày khởi công là ngày hợp đồng có hiệu lực”. Còn tại Điều 7: Kể từ ngày ký hợp đồng, bên A đảm bảo đủ điều kiện thi công, bên B phải tập kết đầy đủ máy móc và nhân lực.

Tại Điều 13: Tiến độ thi công chậm 5 ngày sẽ bị phạt 10 triệu đồng/ngày.

Ở góc độ kỹ thuật, ông Phú nói về việc bị cố ý gây khó dễ khi đào hầm với “sai số tuyệt đối bằng 0”, nghĩa là đường hầm, cửa vào hầm đều chằn chặn như thiết kế kỹ thuật trên giấy.

Ông Phú cho biết ông đã cảnh báo bà Lệ “không thể ký” các hợp đồng như vậy. Song lợi dụng việc Covid-19, ông Phú không sang được Việt Nam, nên bà Lệ tự ý ký hợp đồng. 

Công nhân ngất khi kiểm tra hầm thủy điện (ảnh trái), bà Lưu Kim Anh ngất xỉu uất ức vì cho rằng bị Cty Việt Dũng làm khó. Ảnh: NVCC.

Công nhân ngất khi kiểm tra hầm thủy điện (ảnh trái), bà Lưu Kim Anh ngất xỉu uất ức vì cho rằng bị Cty Việt Dũng làm khó. Ảnh: NVCC.

Yêu cầu các bên đảm bảo an ninh trật tự

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã Ngọc Chiến xác nhận trước Tết, bà Lệ dẫn theo nhiều người đến khu vực công nhân của ông Phú, có lời lẽ đe dọa và lăng nhục bà Kim Anh. Sau đó, UBND xã Ngọc Chiến phối hợp với cơ quan công an đã hòa giải các bên, yêu cầu giữ an ninh trật tự. “Tranh chấp giữa hai các đối tác với nhau thì cần thương lượng, hoặc đưa ra tòa. Việc này tòa án sẽ phân xử”, lãnh đạo xã Ngọc Chiến cho biết.

Ngày 7/3, Cty Việt Dũng cho biết trước Tết đã “tạm ứng một phần” cho đối tác, đang phối hợp cùng ông Phú giải quyết tiếp thanh toán hợp đồng. Cty Tiến Anh xác nhận việc bà Lệ đại diện ký hợp đồng, còn việc thanh toán tiền cho công nhân sẽ được giải quyết trong tuần tới.

Bị giang hồ chặn xe, dọa đánh

Ngày 3/3, bà Lưu Kim Anh cho biết bà và ông Phú đến Cty Tiến Anh làm việc. Chiều cùng ngày, khi rời trụ sở Cty thì bị bà Lệ dẫn một số đối tượng “xã hội đen” đến đe dọa, lăng nhục. Một trong số này còn tự xưng là cảnh sát.

Bà Kim Anh đã gọi điện cầu cứu lực lượng Cảnh sát 113, Công an TP. Sơn La và luật sư. Đến tối 3/3, cơ quan công an phường Chiềng Sinh, nơi xảy ra vụ việc, đã lập biên bản, yêu cầu hai bên hòa giải. Việc có người mặc thường phục, tự xưng là cảnh sát yêu cầu ông Phú rời xe, cơ quan công an phường Chiềng Sinh cho biết sẽ tách ra xử lý riêng.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.