| Hotline: 0983.970.780

Công phu nuôi trâu chọi ở Đồ Sơn: [Bài 2] Ăn uống tập luyện đặc biệt

Chủ Nhật 22/09/2024 , 08:15 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Sau khi lựa chọn được trâu chọi ưng ý, các chủ trâu ở Đồ Sơn phải chi hàng trăm triệu đồng cho việc chăm sóc, huấn luyện 'ông ngưu' theo chế độ đặc biệt.

Hàng ngày, người chăn phải dậy từ 4-5h sáng để tập trâu, phải lội sông, cho ăn và tắm bùn, phơi nắng để luyện sức bền. Ảnh: Đinh Mười.

Hàng ngày, người chăn phải dậy từ 4-5h sáng để tập trâu, phải lội sông, cho ăn và tắm bùn, phơi nắng để luyện sức bền. Ảnh: Đinh Mười.

Tiền chăm sóc đắt hơn tiền mua trâu

Đối với người Đồ Sơn (Hải Phòng), việc chọn lựa và nuôi dưỡng trâu chọi hết sức quan trọng và khó khăn, họ dồn hết tâm huyết và hy vọng của mình vào trâu. Khi trâu được mua về và trở thành trâu chọi, vật hiến tế thành hoàng thân phận “con trâu” được biến đổi thành “ông trâu”.

Sau khi tìm được trâu ưng ý, điều khiến các ông chủ trâu ở Đồ Sơn lo lắng là quá trình chăm bẵm, rèn luyện để trâu có thể trạng và tinh thần chiến đấu tốt nhất. Việc huấn luyện trâu chọi được thực hiện bài bản, tỉ mỉ, đều đặn và diễn ra trong nhiều tháng trời, thậm chí có thời điểm gần như phải "ăn ngủ tại chuồng trâu".

Thông thường, ngay khi đưa trâu về, chủ trâu phải tìm được người chăn trâu tâm huyết, ham mê trâu chọi, coi trâu như chính của mình. Thường xuyên có cỏ ngon cho trâu ăn no, kết hợp các loại thức ăn bổ sung như: Cây ngô, ngọn mía, cám lợn,... thức ăn cho trâu phải đảm bảo vệ sinh, được hong khô, tiêu hóa tốt.

Khi chăn trâu về phải tắm sạch sẽ, buổi chiều tối cho ra nơi đông người qua lại, đánh trống phất cờ để cho trâu làm quen. Tại lán trâu cũng phải cắm cờ, đánh trống thường xuyên. Khi đêm về phải có màn cho trâu ngủ, không để ruồi, muỗi cắn, luôn tắm sạch sẽ, chế độ ăn uống và luyện tập hàng ngày. Uống nước đủ và điều độ hàng ngày, nước uống nên pha thêm ít muối.

Ông Đinh Đình Hùng, có trâu số 05, một trong những đại diện của phường Hải Sơn tham dự lễ hội năm 2024 chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đinh Đình Hùng, có trâu số 05, một trong những đại diện của phường Hải Sơn tham dự lễ hội năm 2024 chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Qúa trình huấn luyện, việc thử trâu là cần thiết vì đây là yếu tố tiên quyết để quyết định trâu có đủ tiêu chuẩn dự lễ hội không, nếu trâu quá nhát chưa đánh đã chạy hoặc chần chừ coi như loại. Tuy vậy, việc thử trâu cũng cần thận trọng và phải có kinh nghiệm, không nên để trâu quá lâu, vì như thế có thể bị thương cũng coi như bỏ.

“Việc luyện trâu đòi hỏi rất vất vả, hàng ngày phải dậy từ sáng tinh mơ dắt trâu ra đồng, sau khi cho ăn xong cho trâu lội ruộng bùn sâu hàng cây số hoặc cho trâu bơi sông, chạy bộ trên bãi cát, đánh sừng bờ đất nhằm nâng cao sức lực, sự dẻo dai và sự thích nghi thời tiết cho trâu. Bên cạnh đó phải tạo những hình tượng để khơi dậy bản chất hoang dã của trâu”, ông Đinh Đình Hùng, chủ trâu số 05, phường Hải Sơn chia sẻ.

Còn theo anh Lê Bá Tùng, một người có trâu đại diện phường Bàng La tham gia lễ hội năm 2024 cho hay, chi phí để mua trâu không lớn nhưng chăm sóc rất nhiều. Thực đơn hàng ngày, trâu được cho ăn mía, cỏ và các loại rau củ quả nhiều xơ để khỏe mạnh, trong vài tháng đầu, trâu chỉ ăn cỏ và mía, chưa được chăm sóc nhiều, sau giai đoạn này, mỗi ngày cho trâu ăn từ 10 đến 20 quả trứng, 2 đến 3 cân gạo nấu thành cháo.

Vào thời điểm cách lễ hội khoảng 1 tháng, trâu chuẩn bị vào xới chọi càng tốn kém hơn, ngoài chế độ ăn thông thường trâu còn được bổ sung mật ong, cháo bò, tam thất, vitamin C, B1, bia.

Với chế độ ăn uống đặc biệt, vào tháng cuối diễn ra lễ hội trâu có thể tăng được khoảng 100kg. Ảnh: Đinh Mười.

Với chế độ ăn uống đặc biệt, vào tháng cuối diễn ra lễ hội trâu có thể tăng được khoảng 100kg. Ảnh: Đinh Mười.

Chế độ huấn luyện nghiêm ngặt trước khi xung trận

Cùng với đó, để trâu sung mãn, trước hai tháng trâu vào lễ hội, chủ trâu phải áp dụng chế độ huấn luyện cấp tốc như: Hàng ngày người chăn phải dậy từ 4-5 giờ sáng để tập trâu, phải lội sông, cho ăn và tắm bùn, phơi nắng để luyện sức bền. Trong tháng cuối cùng, nếu chăm sóc tốt trâu có thể tăng được khoảng 100kg.

Sau khi tập xong phải đi giãn cơ, rồi thi thoảng phải dắt trâu xuống sân cho quen với môi trường lễ hội. Anh Tùng đánh giá “công việc này rất vất vả, giống như người đi xông hơi” nhưng ngày nào cũng phải lặp đi lặp lại, duy trì đều đặn trong nhiều tháng cho đến khi lễ hội diễn ra.

Với cách chăm sóc đặc biệt như vậy, ngoài tiền mua trâu ban đầu chủ trâu phải bỏ thêm chi phí mua thức ăn, thuê người chăn dắt, huấn luyện,... lên đến vài trăm triệu đồng. Riêng tiền thức ăn các loại, trong giai đoạn sát với lễ hội, trung bình mỗi tháng một "ông" trâu có thể ngốn hết cả chục triệu đồng. Do đó, nếu phải nuôi trâu trong 1 năm từ ngày mua về cho đến lúc tham gia lễ hội, mỗi trâu mất thêm khoảng 300-400 triệu đồng chi phí là chuyện rất bình thường với những người nuôi trâu chọi ở Đồ Sơn.

“Để nói hết những công sức, kinh nghiệm chăm sóc, huấn luyện các ông trâu tham gia lễ hội rất nhiều. Cuộc sống của người chăn trâu không dễ dàng nhưng đây là truyền thống, là nét đẹp văn hóa và sự tự hào của người Đồ Sơn cho nên bất cứ gia đình nào có trâu chọi tham gia lễ hội đều được hưởng ứng của các thành viên trong gia đình”, anh Tùng bộc bạch.

Chi phí nuôi trâu chọi lên đến vài trăm triệu đồng 1 năm. Ảnh: Đinh Mười.

Chi phí nuôi trâu chọi lên đến vài trăm triệu đồng 1 năm. Ảnh: Đinh Mười.

Theo bà Bùi Thị Nguyệt Nga, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, sự độc đáo của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thể hiện ở nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, bản sắc văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng dân tộc. Khi vào hội thì tất cả năm làng đều tham gia, do đó quy mô hội cũng lớn hơn, tính chất liên làng được thể hiện rõ hơn và nhờ đó mà tình cảm cộng đồng cũng bền chặt hơn, điều đó phản ánh một cách sống, cách xử thế của người dân vùng biển, đó là tinh thần đoàn kết và sự hòa hợp cộng đồng.

Để chuẩn bị cho lễ hội truyền thống, sau Tết Nguyên đán, các địa phương đã phải họp bàn về việc mua trâu, nuôi trâu và huấn luyện trâu số lượng trâu được quy định cụ thể. Người được dân làng giao đi mua trâu, đến người được giao chăm sóc, huấn luyện trâu đều được chọn lựa rất cẩn thận và phải tuân thủ những quy định của làng. Đó là người có uy tín, có trách nhiệm và tâm huyết với hội làng, đặc biệt phải là người không có tang chế, gia đình hòa thuận, con cái song toàn.

"Điểm nổi bật ở lễ hội này là hành động chọi trâu bao giờ cũng gắn liền với thần Điểm Tước. Điều đó nhấn mạnh rằng tục chọi trâu ở Đồ Sơn là một hoạt động tín ngưỡng mang tính thiêng liêng của người bản địa, tín ngưỡng thờ cúng thành hoàng. Vì vậy, mọi hoạt động của hội, từ khâu đi mua trâu cho đến khâu chăm sóc, luyện tập và đưa trâu ra sới chọi đều in đậm tính chất tâm linh và vì nhu cầu tâm linh mà tồn tại".

Theo UBND quận Đồ Sơn, trước đây, chọi trâu chỉ mang tính chất hội làng, đến năm 1990 được khôi phục trở lại, đến nay sau 35 năm được khôi phục Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước, bởi tầm quan trọng và ý nghĩa hết sức to lớn trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân ven biển Hải Phòng, bởi hội còn lưu giữ được nhiều lớp giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng, dân gian truyền thống của dân tộc.

Xem thêm
Ra quân hoàn thành sớm tiêm phòng vụ thu đông

BẮC NINH Từ 8/10 - 14/11/2024, UBND huyện Lương Tài chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức ra quân tiêm phòng vụ thu đông cho toàn bộ đàn vật nuôi trên địa bàn huyện.

Chọn tạo được giống sắn có thể đạt năng suất 60 - 70 tấn/ha

Đồng Nai Khu khảo nghiệm những giống sắn kháng bệnh khảm lá của Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc vừa cho thu hoạch, đạt kết quả bất ngờ.

Sẽ tập trung đầu tư hạ tầng cho các viện nghiên cứu

NINH THUẬN Làm việc với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sẽ tập trung đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu.