| Hotline: 0983.970.780

Kỳ công nuôi trâu chọi ở Đồ Sơn: [Bài 1] Kỳ ngưu xứ đáo

Thứ Bảy 21/09/2024 , 16:10 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Để có trâu ưng ý phục vụ lễ hội, các chủ trâu ở Đồ Sơn phải đi khắp nơi, thậm chí ra nước ngoài để tìm mua rồi chăm bẵm kì công hàng năm trời.

Anh Nguyễn Văn Xô (47 tuổi), có trâu số 02 đại diện phường Bàng La tham dự lễ hội năm 2024. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Văn Xô (47 tuổi), có trâu số 02 đại diện phường Bàng La tham dự lễ hội năm 2024. Ảnh: Đinh Mười.

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn (Hải Phòng) đã tồn tại hàng trăm năm, mang nhiều dấu ấn tâm linh, tín ngưỡng của người Việt từ xưa và đã ăn vào máu thịt của người dân nơi đây từ bao đời nay. Để có không khí tưng bừng của ngày hội, người dân Đồ Sơn thường tiến hành chuẩn bị theo 3 bước rất công phu gồm: Mua trâu, chăm sóc trâu và tập luyện cho trâu.

Thông thường, sau khi lễ hội chọi trâu hàng năm kết thúc, người dân đã bắt tay vào chuẩn bị cho mùa hội năm sau, các tập thể, cá nhân được xét duyệt tham gia trâu chọi năm sau đều phấn khởi và tự hào khi được cùng địa phương tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Điều thú vị là hầu như trâu chọi được mua từ các nơi, ít khi khán giả được chứng kiến một "ông trâu" có nguồn gốc từ Hải Phòng. Cách mua trâu cũng lạ kỳ, người mua, khi gặp được trâu ưng ý, phải thực hiện một số nghi lễ lâm linh: Người mua thắp hương quỳ giữa sân chủ nhà có trâu bán và ngỏ lời mua trâu, với những lời lẽ kính cẩn,...

Tìm về phường Bàng La, địa phương đã từng 3 lần có trâu vô địch, chúng tôi gặp Trưởng giáp Nguyễn Văn Xô (47 tuổi), người sẽ có trâu tham vòng chung kết chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2024. "Ông trâu" của anh Xô có nguồn gốc Thái Lan, thứ tự số 02. Dù chiều cao, chiều dài không mấy ấn tượng nhưng trâu có vòng ngực rộng tới 241cm và độ rộng sừng lớn (93cm).

Anh Xô chia sẻ, trâu được mua về từ tháng 10/2023, việc nuôi trâu chọi tốn nhiều công sức và tiền bạc nhưng lại mang tính chất tinh thần là chính. Quá trình tìm trâu diễn ra vất vả, nhờ đủ mối lái, người quen, có khi mất cả mấy tháng trời rồi thêm thời gian chăm bẵm, trung bình phải mất khoảng 1 năm mới có thể tham gia lễ hội.

Trâu chọi được chọn kĩ càng với hàng loạt tiêu chí khắt khe. Ảnh: Đinh Mười.

Trâu chọi được chọn kĩ càng với hàng loạt tiêu chí khắt khe. Ảnh: Đinh Mười.

Để có một “ông trâu” tham gia lễ hội, từ việc mua, chăm sóc rất vất vả công phu, phải lặn lội đi hàng nghìn cây số, hàng tháng trời đến tận những vùng xa như: Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Tuyên Quang, Bắc Kạn, thậm chí sang cả Lào, Myanmar,…

Chọn trâu là một công việc đòi hỏi tỉ mỉ, công phu và vất vả mới lựa chọn được những ông trâu to khoẻ, sừng đẹp và hội tụ những yếu tố của một “ông trâu” chọi gan lì, can trường ví dụ như: Da đồng, lông móc, một khoang 4 khoáy, ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, lưng tôm bà, sừng cánh cung,...

Cùng với đó, trâu phải có ức rộng, cổ tròn dài và thu nhỏ về phía đầu, lưng càng dài càng phẳng mới có khả năng chống được đòn của đối phương là trâu gan lỳ. Sừng trâu phải đen như gỗ mun, đầu sừng phải vành lớn như 2 cánh cung, giữa hai sừng có túm tóc hoặc chóp trên đầu là khỏe trâu, mắt trâu phải đen, tròng đỏ, mi dày và "Mặt trâu to và dài" mới là trâu chọi hay.

“Những năm gần đây, ở miền Bắc gần như không còn trâu to, chúng tôi thường vào miền Nam hoặc ra các nước láng giềng để tìm, nhiều người thích trâu Thái Lan có sức khỏe tốt, thân hình to, có người thích trâu ta vì bền bỉ và lì đòn. Dù tìm trâu ở đâu vẫn phải đạt các tiêu chí theo kinh nghiệm đã được các cụ truyền dạy”, anh Xô cho hay.

Tại phường Minh Đức, ông Đào Văn Thuyết, người có trâu số 26 đại diện cho địa phương từng vô địch năm 2014 vui vẻ cho hay, chọn trâu không hề đơn giản, ngoài lí thuyết phải có kinh nghiệm thực tế, từng tham gia lễ hội mới có thể thấu hiểu được.

Trâu tham gia chọi phải là trâu trường về hình thể, to, cao, dài, bụng treo, sung mãn. Ảnh: Đinh Mười.

Trâu tham gia chọi phải là trâu trường về hình thể, to, cao, dài, bụng treo, sung mãn. Ảnh: Đinh Mười.

Để có một trâu chọi, khi chọn trâu cần phải chú ý các yếu tố rất quan trọng như: Đuôi trai, dài quá kheo, móng sò, thân u chéo cà, ức nở, độc khoang, bốn khoáy, lông da đen, mi mắt phía trên dày, có nhiều lớp cộm như mắt ếch, mí mắt dưới dày, con ngươi mắt đỏ, lông mi dài, mắt sếch lá le.

Cùng với đó sừng trâu dài, ngắn tùy theo từng con trâu, tai nhỏ sát sừng mật cục, trường đùi, ngắn quản, chân sau bước đúng nốt chân trước. Trâu tham gia chọi phải là trâu trường về hình thể, to, cao, dài, bụng treo, sung mãn. Vòng ngực của trâu phải đạt từ 2,2 mét trở lên, có độ tuổi từ 9 đến 12 năm mới đảm bảo độ dày dạn chịu đòn.

“Trâu để chọi được thường phải ở độ tuổi từ 8 đến 10 năm, ngực nở rộng, háng to bè, cái cổ tròn, mập, dài, thu nhỏ dần về phía đầu,… Sau những tiêu chuẩn ngoại hình đầu tiên đó, còn phải chú ý đến kích thước trâu từ nách đến gáy, đến sừng, đến khoáy tam tinh, đến mắt, đến răng, đến chân. Cẩn thận hơn, còn chú ý đến tiếng thở của trâu, trâu càng kín hơi, càng có sức chịu đòn và gan lỳ trong thi đấu", ông ông Đào Văn Thuyết chia sẻ.

Ông Đoàn Đắc Luyện, Trạm trưởng Trạm chăn nuôi Thú y Đồ Sơn cho biết, trên địa bàn quận hiện người dân đang nuôi 131 con trâu, trong đó 16 con được chăm sóc đặc biệt để phục vụ lễ hội chọi trâu năm 2024. Đến thời điểm hiện tại, đàn trâu vẫn khỏe mạnh, được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin thông thường. Riêng những trâu phục vụ lễ hội được chăm sóc theo chế độ riêng, có chế độ ăn riêng và được tiếp xúc với đông người.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, nguyên Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử thành phố Hải Phòng, phần lớn ông trâu được dự sới chọi là giống trâu ngoài địa bàn Hải Phòng, đến từ khắp các địa phương trong và ngoài nước. Câu đối tại đền Nghè, phường Vạn Hương hiện nay, nơi phát tích tục chọi trâu có ghi “Kỳ ngưu xứ đáo”. Đây có thể là quan niệm của người xưa rằng “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, các vạn cùng nhau đoàn kết thực hiện nghi lễ thờ cúng thần Điểm tước gắn với tục chọi trâu.

Xem thêm
Tiếp thị, quảng bá tổ yến Việt ở thị trường Trung Quốc

Tổ yến Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc còn khiêm tốn do chưa được nhiều người biết tới, vì vậy, cần có chiến lượng tiếp thị, quảng bá tại thị trường này.

Tình trăm năm giữa cây hồi và vùng đất dốc Vân Trình

Cao Bằng Trên miền đất dốc, cây hồi bám trụ, vươn mình phát triển. Trải qua nhiều thăng trầm, cây hồi đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân trên vùng đất rẻo cao.

Mô phỏng là công cụ độc đáo để trải nghiệm thực hành ảo

Vĩnh Long Mô phỏng là một trong những công cụ độc đáo hiện nay để hỗ trợ việc giảng dạy và học tập các khái niệm khoa học phức tạp thông qua trải nghiệm thực hành ảo.