| Hotline: 0983.970.780

Công thần của biển hay phận dã tràng? - [Bài 3] Ứa nước mắt nhìn hàu chết kín bãi triều

Thứ Năm 08/08/2019 , 08:46 (GMT+7)

Hơn tháng nay, ngư dân Đại Yên không buồn ngó ngàng gì đến việc nuôi trồng thủy sản và thu hoạch hàu, hà nữa. Họ thất vọng, chán nản khi tia hy vọng giữ lại bãi triều cuối cùng tắt ngấm.

Hàu chết kín bãi

Con đường đất ngăn biển như con rắn ngoằn ngoèo nuốt dần từng ô, thửa của bãi Cây Táo. Trời vừa mưa nên nó trở nên trơn trượt và đáng sợ hơn bao giờ. Sấp ngửa, chị Hiên vừa thu dọn đống cọc tre vừa mua cách đây 2 tháng, vừa gọi xe ba gác đến để chở về.

Đống cọc tre nằm phơi sương phơi nắng.

Nhưng ngặt một nỗi, đường trơn, lại lầy lội nên chả có chủ xe nào buồn hồi đáp. Chán ngán, chị chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than.

Số cọc tre gia đình chị Hiên vừa bỏ mấy trăm triệu ra mua, định tháng 9 tới bắt đầu xuống giống hàu và hà cho năm tới. Chị nhẩm tính, với số cọc tre ấy, khoảng 20 vạn hàu giống sẽ được thả. Thuận chèo mát mái, tiền tỷ sẽ được thu về để trả nợ ngân hàng và tái đầu tư.

Năm 2017, khi dự án hình thành, 12ha bãi triều của chị đã bị thu hồi. Con đường cắt biển, cắt vịnh vô tình ngăn luôn thửa đầm, đồng nghĩa với việc cắt luôn thu nhập của gia đình chị. Nước ô nhiễm, độ mặn thay đổi khiến hàu chết dạt trắng cả bờ. Chỉ trong vòng 1 tuần, mấy chục tấn hàu của gia đình chị chết sạch. Xót xa, đau đớn, nhưng nào biết làm gì ngoài việc khóc than?

Xác hàu chết trắng bãi biển.

Khi PV xuống hiện trường, xác hàu vẫn trải dài, trắng xóa cả bãi triều. Sáng sớm, sau cơn mưa cả đêm qua, nắng chênh chếch khiến vỏ hàu lấp lánh, sáng rực một dải bờ. Nhưng, hình ảnh ấy trở nên thảm thương hơn với những ngư dân, bởi đó là nỗi đau, là nỗi cơ cực, và cả những bất công mà họ đang gặp phải.

Chỉ tay vào những chiếc can nhựa đựng nước ngọt để sử dụng, chị Hiên bảo, đã lâu lắm rồi không dùng đến chúng nữa. Trước đây, trung bình mỗi ngày gia đình chị và nhân công dùng hết 3 can to. Nhưng nay, đã mang 10 can ra đây cả tháng mà còn nguyên vẹn. Nhân công bỏ đi, anh chị cũng không thiết tha gì với bãi triều nữa.

Những chiếc can nhựa đựng nước sạch lâu ngày không được dùng đến.

Chiếc chòi canh cũng chung cảnh ngộ với đống cọc tre và những chiếc can nhựa. Nó xiêu vẹo, chỉ chực đổ sụp xuống. Cũng lâu rồi, anh Giang và chị Hiên cũng như những nhân công không còn sử dụng và sửa chữa chòi canh nữa, vì không để làm gì. Có lẽ, nó giống chủ của nó, suy sụp và khổ đau.

Lo nhất là những thanh niên mới lớn trong làng, nếu đầm, bãi triều bị thu hồi. Một số đã tính đến việc đi học lái xe để hành nghề taxi, số khác thì không còn thiết tha với nghề nuôi thủy sản nữa. Một cán bộ hưu trí trước đây đã từng nói với PV: “Coi chừng người dân sẽ bị lưu vong chính trên mảnh đất của mình, khi thu hồi đất làm dự án”. Dự cảm ấy không ngờ đến quá nhanh, ít nhất đối với người dân Cầu Trắng.
 

Gần 500 ha đầm sẽ bị thu hồi

Theo quy hoạch TP Hạ Long vừa được phê duyệt điều chỉnh, tại phường Đại Yên và Hà Khẩu sẽ hình thành khu đô thị dịch vụ sinh thái cao cấp. Diện tích khoảng 2.196 ha; đất dân dụng 914 ha; đất ngoài dân dụng 584 ha; dân số đến năm 2040 khoảng 92.000 - 100.000 người.

Khu đô thị này có cơ sở hạ tầng đồng bộ hiện đại; phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, thể dục thể thao và dịch vụ thương mại chất lượng cao, hình thành khu đô thị cửa ngõ phía Tây của TP Hạ Long; bảo vệ các khu vực rừng ngập mặn, rừng phòng hộ…

Để “sốt sắng” thực hiện quy hoạch trên, ngày 22/4/2019, Văn phòng UBND TP Hạ Long ra văn bản số 2602 về việc rà soát công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hạ Long Phạm Hồng Hà giao UBND các phường khẩn trương rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai đã hết hạn giao đất đối với đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất bãi triều của hộ gia đình, cá nhân…

Thời hạn xong trước 20/4/2019.

Văn bản ban hành ngày 22/4, nhưng lại “bắt” các phường phải làm xong trước 20/4. Như vậy, có hay không sự “sốt sắng” quá mức cần thiết khi thực hiện “đúng quy trình” các bước thu hồi, buộc trả lại bãi triều. Trong khi đó, quy định của UBND tỉnh là phải thông báo trước 6 tháng khi thu hồi làm dự án hoặc các công trình công cộng, phục vụ dân sinh?

09-43-27_20190731_072642
Một trong những chòi canh đã sụp xuống.

Trong khi thành phố thực hiện “quá nhanh”, thì phường Đại Yên là có vẻ “đủng đỉnh” hơn. Bằng chứng là trong các quyết định “buộc trả lại” bãi triều đối với ngư dân, được Chủ tịch UBND TP ký từ 7/6/2019, nhưng mãi đến 19/6/2019, phường mới gửi đến cho các hộ dân. Và thời hạn phải trả lại bãi triều là… 30/6/2019 và 10/7/2019.

Một điều nực cười nữa là, thay vì chuyển đến trực tiếp các hộ, thì cán bộ phường lại thực hiện chuyển bằng đường bưu điện. Nhưng không phải bưu điện của địa phương, mà chuyển qua Bưu điện thị xã Quảng Yên, cách đó vài chục km. Chắc để đảm bảo rằng, giấy tờ được chuyển “càng chậm càng tốt”.

Ông Lưu Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Yên, khi được PV hỏi mục đích của việc thu hồi bãi triều, đất đầm, thì không thể trả lời được. Ông Bình nói rằng, cái này phường không biết thành phố thu hồi làm gì, muốn biết phải lên hỏi thành phố (?!).

Theo ông Bình, khoảng gần 500 ha đất bãi triều đang được 69 hộ nuôi trồng thủy sản sẽ được thành phố thu hồi. Hộ bị “buộc trả lại” sớm nhất là 30/6/2019, muộn nhất là 10/7/2019.

Bãi triều nằm trên địa bàn phường, thuộc quyền quản lý của phường. Ấy vậy mà lãnh đạo phường lại không biết mục đích thu hồi để làm gì thì kể cũng lạ!

Theo báo cáo hiện nay, trên địa bàn TP Hạ Long đang triển khai nhiều dự án đầu tư quan trọng nhằm xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị hiện đại, đồng bộ; phát triển TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện; là trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hồi các bãi triều, đất đầm đang khiến vịnh bị thu hẹp, nguy cơ biến đổi khí hậu, độ mặn là nhãn tiền. Ngoài ra, sinh kế của hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy sản nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh có lường hết?

Ngoài các dự án, đồ án quy hoạch do UBND TP Hạ Long thực hiện liên quan đến hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hiện nay thành phố còn có nhiều dự án được thực hiện bởi các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Vingroup, Sungroup, FLC, các dự án của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh, Tập đoàn Thành Công; Công ty TNHH Đầu tư PTSX Hạ Long...

Nhiều lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, những dự án nào đã giao theo quy hoạch phải triển khai, nếu không triển khai phải có chế tài xử lý; kiểm soát chặt chẽ việc chấp thuận địa điểm nghiên cứu quy hoạch đầu tư dự án tại các địa điểm đồi núi; hạn chế san lấp; quản lý kiểm soát chặt chẽ việc khai thác các bãi triều…

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.