| Hotline: 0983.970.780

Công trình thuỷ lợi bị xâm hại tràn lan: Chính quyền cơ sở thiếu trách nhiệm

Thứ Tư 27/07/2022 , 06:51 (GMT+7)

Nhiều trường hợp lấn chiếm, xây dựng trên hành lang bảo vệ hồ, đập tại Đắk Lắk gây mất an toàn nhưng khó xử lý.

Cấp giấy chứng nhận sử dụng đất trong phạm vi an toàn đập?

Hồ thuỷ lợi Ea Tul 1, xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana) được xây dựng từ những năm 1990 với dung tích thiết kế khoảng 350 nghàn mét khối nước, cung cấp nước tưới cho hàng chục ha lúa và cây công nghiệp phía hạ nguồn.

Tuy nhiên, thời gian qua một trường hợp đã đào 2 cái ao ở sát chân đập, nằm trong hành lang bảo vệ đập khiến cho hồ thuỷ lợi. Việc này khiến công trình đứng trước nguy cơ vỡ đập, làm cho người dân vùng hạ du lo lắng, đặc biệt khi mùa mưa về. Càng nghiêm trọng hơn khi hộ dân này đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến cho công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều hộ dân xây dựng tường rào, cổng ngay trên hành lang bảo vệ mương thủy lợi của hồ Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Minh Quý.

Nhiều hộ dân xây dựng tường rào, cổng ngay trên hành lang bảo vệ mương thủy lợi của hồ Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Minh Quý.

Ông Nguyễn Đức Phú, Giám đốc Chi nhánh huyện Krông Ana - Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, đơn vị quản lý 15 công trình hồ đập. Theo ông Phú tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn hồ đập đang diễn ra phức tạp và khó kiểm soát.

“Hiện có một số thửa đất nằm trong phạm vi bảo vệ đập đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là vấn đề nan giải trong công tác quản lý hồ đập. Về mặt pháp lý chúng tôi không thể cưỡng chế hay xử phạt. Khi phát hiện vi phạm đã báo với chính quyền nhưng việc quản lý chưa triệt để nên nhiều người vi phạm chây ì không chịu trả lại mặt bằng”, ông Phú nói.

Còn tại TP Buôn Ma Thuột, nhiều hộ dân xây dựng tường rào, cổng trên hành lang bảo vệ mương thủy lợi của hồ Ea Kao, xã Ea Kao. Tương tự, tại huyện Ea Kar, các công trình hồ đập bị lấn chiếm tràn lan, thậm chí có những nơi làm bờ rào kiên cố ngay chân đập.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Giám đốc chi nhánh huyện Ea Kar - Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, những vi phạm an toàn hồ đập trên địa bàn chủ yếu xảy ra từ trước năm 2015.

Theo ông Sỹ, thời điểm này các công trình hồ đập đang do chính quyền cấp xã, cấp huyện và các công ty cà phê, hợp tác xã quản lý bảo vệ nên nhiều thửa đất nằm ngay trên mái đập hoặc trong phạm vi lòng hồ nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Tại hồ thuỷ lợi Ea Bư, xã Cư Huê có hơn chục hộ dân được chính quyền địa phương cấp sổ đỏ trong lòng hồ khiến cho công tác quản lý, vận hành hồ thuỷ lợi gặp rất nhiều khó khăn, xảy ra tranh chấp, kiện tụng kéo dài”, ông Sỹ thông tin.

Nhiều hộ dân lấn chiếm và trồng cây trong lòng hồ thủy lợi. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều hộ dân lấn chiếm và trồng cây trong lòng hồ thủy lợi. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV QLCT Thủy lợi Đắk Lắk trong 6 tháng đầu năm công ty này phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản 61 trường hợp vi phạm an toàn hồ đập. Cụ thể giữa tháng 5/2022, 3 trường hợp đã tổ chức cơi nới, vi phạm vùng phụ cận đối với lòng hồ Ea Súp thượng, huyện Ea Súp. Cụ thể các trường hợp đã cày xới cách chân đập khoảng 10 m để gieo trồng. Khi phát hiện, cơ quan chức năng đã yêu cầu các hộ trên trả lại mặt bằng hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, hai hộ trên vẫn ngoan cố, không hợp tác. Để đảm bảo an toàn cho công trình, Chi nhánh thủy lợi huyện Ea Súp đã báo cáo, đề nghị cơ quan chức năng xử lý.

Không thể dỡ bỏ?

Ông Nguyễn Công Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình Thủy lợi Đắk Lắk cho biết, đơn vị hiện đang quản lý, vận hành và khai thác 257 hồ chứa, đập dâng.

Theo ông Hạnh, tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình đang diễn ra phức tạp, dưới nhiều hình thức. Trong năm 2021, công ty phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, phát hiện 150 vụ vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi.

“Việc lấn chiếm này một phần là do công tác đo đạc, cắm mốc các công trình còn nhiều bất cập, hiện vẫn còn hơn 200 công trình ranh giới chưa rõ ràng. Đặc biệt, có trách nhiệm rất lớn của chính quyền và ngành chức năng địa phương khi mà hàng loạt địa điểm vi phạm, lấn chiếm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công ty đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương rà soát lại, có hướng thu hồi những bìa đỏ trên hành lang hồ đập”, ông Hạnh nói.

 Một trường hợp tự ý xây dựng cầu trên mương thủy lợi tại xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Minh Quý.

 Một trường hợp tự ý xây dựng cầu trên mương thủy lợi tại xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Minh Quý.

Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương có 785 công trình thủy lợi. Các công trình vi phạm chủ yếu là hồ chứa, kênh mương. Các công trình bị vi phạm chủ yếu là trồng cây trong phạm vi lòng hồ, đổ rác thải, nước sinh hoạt, một số trường hợp xây tường rào lấn chiếm bờ kênh… “Những vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm rất lớn của các đơn vị chủ quản và chính quyền, ngành chức năng cấp xã, cấp huyện. Địa phương đã phân cấp quản lý toàn bộ 785 công trình thuỷ lợi cho các đơn vị. Đối với những vi phạm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần rà soát lại quy trình và thời điểm cấp bìa để xử lý trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan”, ông Long cho biết.

Vị Chi cục trưởng cho biết thêm, luật quy định rõ, công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ công trình thuỷ lợi phải thực hiện các giải pháp khắc phục. Trường hợp không thể khắc phục, phải dỡ bỏ hoặc di dời. Thực trạng vi phạm, lấn chiếm tràn lan các công trình hồ đập tại tỉnh Đắk Lắk cho thấy đã có những bất cập trong công tác quản lý đất đai tại địa phương. Nhiều vi phạm có dấu hiệu được tiếp tay, được hợp thức hoá khi được chính quyền cấp xã xác nhận hồ sơ, cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hiện nay, địa phương gặp khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện xử lý các trường hợp vi phạm là người dân chưa ý thức và hiểu biết về hậu quả gây ra từ các hành vi vi phạm của mình. Đắk Lắk có số lượng công trình thủy lợi lớn, phân bố rộng trên địa bàn toàn tỉnh; đa số các công trình thủy lợi được xây dựng lâu năm, được bàn giao về địa phương, đơn vị theo hiện trạng, chưa có nguồn kinh phí để đo đạc, lập hồ sơ giao đất, cắm mốc chỉ giới; sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý công trình và cơ quan chức năng ở địa phương chưa chặt chẽ, kịp thời.

“Những vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm rất lớn của các đơn vị chủ quản và chính quyền, ngành chức năng cấp xã, cấp huyện. Đối với những vi phạm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cần rà soát lại quy trình và thời điểm cấp sổ đỏ để xử lý trách nhiệm những cá nhân, tập thể liên quan. Còn với những vi phạm làm mất an toàn công trình, phải có giải pháp khắc phục. Nếu không thể khắc phục, phải dỡ bỏ hoặc di dời”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Công Hạnh: “Mặc dù có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, phần lớn các trường hợp vi phạm đều được các đơn vị lập biên bản gửi chính quyền địa phương đề nghị xử lý, tuy nhiên kết quả đạt được rất thấp, thậm chí chính quyền địa phương cơ sở biết vi phạm nhưng không xử lý, giải tỏa dẫn đến số vụ vi phạm tồn đọng nhiều.

Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để cắm mốc hành lang bảo vệ công trình nhằm giảm thiểu tình trạng lấn chiếm. Chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, chủ động xử lý những trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn hồ đập”.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.