| Hotline: 0983.970.780

Công trình thủy lợi trên 160 tỷ đồng không tưới được nước?

Thứ Ba 28/12/2021 , 11:57 (GMT+7)

Sau 5 năm đưa vào sử dụng, hồ thủy lợi Troóc Trâu (Quảng Bình) chưa phát huy hiệu quả và có dấu hiệu nguy cơ xuống cấp...

Ông Đỗ Mười, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh- Quảng Bình) cho hay: “Công trình thủy lợi Troóc Trâu đã được đưa vào sử dụng hơn 5 năm nay. Thay vì có nguồn nước sinh hoạt cho người dân, nước tưới cho sản xuất ... thì nó lại vẫn như trước đây của con đập nhỏ và lượng nước chưa được tăng lên để đáp ứng nhu cầu tưới”.

Công trình trọng điểm... mất điểm

Công trình thủy lợi hồ chứa Troóc Trâu có từ những năm 70 của thế kỷ trước với con đập chắn nước nhỏ thấp và chỉ đảm đương được tưới cho khoảng 100 ha lúa ở phía hạ du.

Công trình thủy lợi hồ chứa Troóc Trâu được đầu tư trên 160 tỷ đồng để nâng cấp, sữa chữa, qua 5 năm đưa vào sử dụng chưa phát huy được hiệu quả. Ảnh: Q. Bình

Công trình thủy lợi hồ chứa Troóc Trâu được đầu tư trên 160 tỷ đồng để nâng cấp, sữa chữa, qua 5 năm đưa vào sử dụng chưa phát huy được hiệu quả. Ảnh: Q. Bình

Năm 2010, công trình này được cấp vốn để sữa chữa, nâng cấp. Thời điểm đó, Troóc Trâu được xem là công trình trọng điểm của địa phương nên được chỉ đạo thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Khi công trình thủy lợi này đưa vào sử dụng có tác dụng như tấm lá chắn cắt lũ, ngăn lũ cho vùng hạ du. Nước hồ tích đủ 11 triệu m3 sẽ đảm bảo cung cấp tưới đủ cho hơn 500 ha cánh đồng lúa 2 vụ của các xã Vĩnh Ninh, Lương Ninh, thị trấn Quán Hàu. Theo ông Trương Ngọc Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh, công trình tạo và cấp nguồn nước sạch  cho trên 22.000 người dân các xã Lương Ninh, Vĩnh Ninh, thị trấn Quán Hàu, khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu và các vùng lân cận.

Công trình này được thi công trong 2 giai đoạn với tổng nguồn vốn hơn 200 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, do nguồn vốn cho công trình gặp khó nên nguồn vốn Trung ương bố trí cho công trình bị cắt. Một số hạng mục đã được phê duyệt phải điều chỉnh cắt giảm chuyển sang giai đoạn 2 (được tính trong giai đoạn đầu tư công từ năm 2016 đến 2021).

Tràn xã lũ chưa có trụ bin, hầm thả pha, cửa thép nên không tích được nước như thiết kế ban đầu. Ảnh: Q.Bình

Tràn xã lũ chưa có trụ bin, hầm thả pha, cửa thép nên không tích được nước như thiết kế ban đầu. Ảnh: Q.Bình

Điều đáng nói là hạng mục tràn xã lũ với các mục trụ bin, hầm thả pha, lắp đặt thiết bị cánh cửa tràn cũng bị cắt giảm. Vật tư, thiết bị của hạng mục này đã được nhà thầu chế tạo và vận chuyển về chân công trình đã bị “ách” lại do thiếu vốn được phủ bạt nằm chờ. Phơi mưa nắng trong 5 năm qua, hàng loạt thiết bị này nhuốm màu hoen rỉ.

Gần đây, trong một đêm mưa gió, kẻ trộm đã điều xe cẩu đến “nhấc” 5 cánh cửa thép (mỗi cánh cửa nặng  trên 1,2 tấn) chở đi mất. Công an huyện Quảng Ninh nhanh chóng điều tra, thu hồi đủ cả 5 cánh cửa thép mang về. May mà kẻ trộm chưa kịp cắt xẻ cánh cửa để... bán sắt vụn.

Vì không có hệ thống cửa tràn nên lượng nước mưa chảy về hồ Troóc Trâu lại theo tràn xã lũ chảy xuống sông Nhật Lệ ra biển. Thay vì có dung tích khoảng 11 triệu m3 nước để cấp cho sản xuất, dân sinh thì nước trong lòng hồ chỉ tích trữ được khoảng 5,9 triệu m3. Nghĩa là, sau khi bỏ vốn trên 160 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa thì công trình thủy lợi này cũng không khác gì công trình cũ trước đây. Cũng chỉ tưới được cho diện tích ruộng như vào thập niên trước. Hàng chục ha đất vẫn phải làm 1 vụ bấp bênh...

Dân chờ, huyện đợi... vốn bổ sung

Xã Vĩnh Ninh được ví như đơn vị được hưởng lợi nhiều từ công trình thủy lợi hồ chứa Troóc Trâu. Xã này có hơn 170 ha diện tích lúa 2 vụ, và có gần 8.000 nhân khẩu được hưởng nguồn nước sinh hoạt sạch từ hồ nếu công trình Troóc Trâu phát huy được hiệu quả như đã tính toán .

Cánh cửa thép, thiết bị đã được gia công nhưng bị cắt giảm vốn nên đành để phơi mưa, nắng. Ảnh: Q.Bình

Cánh cửa thép, thiết bị đã được gia công nhưng bị cắt giảm vốn nên đành để phơi mưa, nắng. Ảnh: Q.Bình

Tuy nhiên, 5 năm qua, nhìn lên công trình sừng sững giữa trời đất mà nao lòng. Nước cho sản xuất vẫn thiếu, nước cho sinh hoạt cũng chẳng thấy. Ông Đỗ Mười, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Khi hay tin công trình đã được hoàn thành đưa vào sử dụng thì người dân các xã mừng lắm. Ai cũng hy vọng mùa màng tươi tốt, nước nôi dùng an tâm. Nhưng cứ năm này qua năm khác không thấy có gì thay đổi cả. Bà con nóng lòng hỏi xã, xã báo lên huyện thì chỉ giải thích được với dân là công trình còn thiếu vốn nên nước chưa về được”.

Trên cánh đồng thôn Lệ Kỳ bà con đang chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp đến. Ông Lê Văn Hùng, một nông dân cho hay, nếu có đủ nước thì gia đình tôi gieo cấy được khoảng 10 sào lúa. Nhưng do không đủ nước nên phải chuyển sang làm màu thôi. Hiện 170 ha lúa của Vĩnh Ninh được tưới phải dùng bơm từ sông Lệ Kỳ “đổ” vào hệ thống kênh mương để đưa về ruộng. “Nếu có nước từ Troóc Trâu theo kênh mương dẫn về thì bà con sẽ tăng diện tích lên  đến 200 ha”- ông Hùng nói thêm.

5 cánh cửa thép bị kẻ trộm cẩu đi đã được thu lại. Ảnh: Q.Bình

5 cánh cửa thép bị kẻ trộm cẩu đi đã được thu lại. Ảnh: Q.Bình

Ngoài ra, vùng cánh đồng “tử địa” của thôn Vĩnh Tuy rộng trên 30 ha luôn gặp khô hạn. Nếu có được nước Troóc Trâu về thì mới đưa vào sản xuất 2 vụ lúa chắc ăn.

Gần 8.000 nhân khẩu xã Vĩnh Ninh hằng ngày vẫn đang dùng nước giếng. Vào mùa hạn, nhiều gia đình phải chạy đi xa chở nước vì giếng đã cạn trơ đáy. Nhiều gia đình nước giếng còn nhưng không dùng được vì nhiễm phèn, nhiễm mặn. “Nước sử dụng hàng ngày vẫn là giếng đào đang không được sạch. Vậy cũng phải gạn lọc mà dùng  chứ đợi nước sạch từ Troóc Trâu về thì đợi biết đến khi nào. Tiền Nhà nước bỏ ra cả trăm tỷ làm mà không đưa được nước về cho dân thì thật là quá lãng phí. Biết là khó khăn chung, như nhà tôi khó thôi. Cái gì làm thì làm cho xong mà dùng đã chứ”- ông Lê Văn Hùng nói như tham vãn.

Được biết, giai đoạn 2 của công trình là các hạng mục như  phần đập đất có bê tông gia cố mặt đập, bê tông cơ đập mái hạ lưu; quan trắc thấm đập đất . Đối với tràn xã lũ thì có trụ bin, hầm thả pha , lắp đặt thiết bị.  “Ngoài ra, còn có các công trình phụ trợ như bê tông mặt đường thi công kết hợp quản lý tuyến số 1, nhà quản lý số 2; cáp ngầm chiếu sáng; điện hạ thế 0,4KV từ trạm biến áp ra nhà quản lý số 2. Hệ thống điện chiếu sáng đỉnh đập, nhà quản lý. Hệ thống điện cấp cho động lực, thiết bị cho nhà vận hành tràn xả lũ, cống lấy nước, máy phát điện dự phòng”- ông Trương Ngọc Quý cho biết thêm

Cánh đồng lúa bị thiếu nước nên sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Ảnh: Q.Bình

Cánh đồng lúa bị thiếu nước nên sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Ảnh: Q.Bình

Được biết, công trình thủy lợi hồ chứa này còn có hệ thống kênh mương. Dự án hệ thống kênh mương dẫn nước từ công trình thủy lợi Troóc Trâu đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2016. Nhưng do khó khăn chung về nguồn vốn của Trung ương cũng như địa phương nên phải... đợi chờ. Do vậy, khi vào vụ sản xuất, người dân bơm nước từ sông suối lên hệ thống kênh mương cũ đưa về đồng ruộng.

Có mặt tại công trình thủy lợi hồ chứa Troóc Trâu vào ngày cuối năm. Mặt hồ rộng, thấp khi đứng trên mặt đập nhìn xuống. Những trận mưa lớn, kéo dài của những tháng trước cũng không giữ được trong lòng hồ.

Trao đổi với NNVN, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho hay,  việc đầu tư xây dựng mới các công trình trong danh mục dự án trung hạn giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Nhưng để phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư thì cũng cần hoàn thiện các hạng mục phụ trợ. “Do vậy, sự cần thiết đầu tư hoàn thiện các hạng mục đầu mối theo dự án đã phê duyệt để phục vụ nước tưới, tạo nguồn nước sạch cho sản xuất và đời sống cho các xã Lương Ninh, Vĩnh Ninh, thị trấn Quán Hàu, khu công nghiệp Tây Bắc Quán Hàu và các vùng lân cận là hết sức cấp bách. Qua đó, tạo nguồn lực phát triển kinh tế cho huyện Quảng Ninh nằm trên trục đường giao thông huyết mạch của đất nước”- ông Phạm Trung Đông nói thêm.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất