Công ty Cà phê Đắk Uy (thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) hiện có 452 cán bộ, công nhân lao động, quản lý trên 418ha cà phê và gần 12ha cao su. Trong năm 2023, doanh thu của Công ty đạt 54,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 2 tỷ đồng.
Tại hội nghị người lao động năm 2024, Công ty đã thông qua thỏa ước lao động và thực hiện phương án giao khoán giai đoạn 2023 - 2027 được 100% công nhân tin tưởng ký hợp đồng giao nhận khoán theo phương án đề ra.
Về nhiệm vụ giải pháp cụ thể thực hiện trong năm 2024, theo đó công ty giữ vững ổn định và phát triển; tập trung hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt việc chăm sóc vườn cây cà phê, cao su và phấn đấu doanh thu đạt 55 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Cao Biền, Giám đốc Công ty Cà phê Đắk Uy cho biết, khó khăn nhất hiện nay của Công ty là nguồn vốn để thực hiện các dự án tái canh cà phê.
Hầu hết số vườn cây cà phê đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh nên cho năng suất thấp, chất lượng giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người lao động.
Bên cạnh đó, niên vụ cà phê năm 2024 đã bắt đầu, thế nhưng Công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn do nắng hạn kéo dài, nguồn nước từ các hồ đập khô cạn không đủ nước tưới, diện tích cao su trồng mới đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tỷ lệ cây chết do nắng hạn khá cao.
Hơn nữa, dịch bọ cánh cứng vẫn còn trên hầu hết diện tích trồng mới và khó có biện pháp phòng chống hiệu quả. Bệnh nấm, tuyến trùng hại rễ đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng phát triển vườn cây cà phê tái canh.
“Nỗi lo lớn nhất của Công ty là nguồn vốn để trồng tái canh 200 ha cà phê già cỗi, với nguồn vốn khoảng 60 tỷ đồng. Muốn phát triển cà phê bền vững, không có lựa chọn nào ngoài việc phải trẻ hóa vườn cây. Bởi vậy, việc tái canh vườn cây được Ban Giám đốc Công ty đặc biệt quan tâm. Nếu không vay được nguồn vốn từ các ngân hàng đơn vị không thể hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ tái canh theo kế hoạch”, ông Biền cho hay.
Ông Biền cho biết thêm, việc tái canh cây cà phê là một quá trình dài, từ khi nhổ bỏ vườn cà phê già cỗi, cải tạo đất, trồng mới bình quân gần 300 triệu đồng/ha, với thời gian là 6 năm.
Để có nguồn vốn tái canh, Công ty đề nghị các ngân hàng cho vay nguồn vốn dài hạn thì chương trình tái canh của công ty mới thực hiện được.