| Hotline: 0983.970.780

Công ty Kiên Ngọc nổ mìn khai thác đá khi chưa đảm bảo an toàn?

Thứ Tư 06/03/2024 , 16:12 (GMT+7)

HẢI PHÒNG UBND huyện Thủy Nguyên vừa có văn bản yêu cầu Công ty Kiên Ngọc tạm dừng hoạt động nổ mìn khai thác tại một mỏ đá vôi để xác định bán kính an toàn.

Khu vực nổ mìn khai thác đá sát với khu vực Di tích lịch sử hang Huyện ủy. Ảnh: Đinh Mười.

Khu vực nổ mìn khai thác đá sát với khu vực Di tích lịch sử hang Huyện ủy. Ảnh: Đinh Mười.

Ngày 6/3, ông Nguyễn Văn Viển - Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, cho biết đã nắm được tình hình vụ việc xảy ra tại tại khu vực nổ mìn khai thác đá ở xã An Sơn của Công ty TNHH Kiến Ngọc (Công ty Kiên Ngọc).

Cụ thể, vào các ngày 2-3/3, tại khu vực mỏ phía Tây Nam, khu B - Trại Sơn, một số hộ dân thôn 5 và 6 xã An Sơn, bức xúc, tập trung đông người tại cổng Công ty Kiên Ngọc và yêu cầu doanh nghiệp này dừng hoạt động nổ mìn khai thác ảnh hưởng đến đời sống, mất an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn.

Sau sự việc, UBND huyện Thủy Nguyên đã có thông báo yêu cầu Công ty Kiên Ngọc  tạm dừng hoạt động nổ mìn khai thác tại khu vực nói trên để xác định bán kính an toàn khi nổ mìn khai thác đá. Mặt khác, khẩn trương phối hợp với UBND xã An Sơn tổ chức họp, đối thoại với một số hộ dân thôn 5 và 6 về việc bồi thường, hỗ trợ đối với tài sản, vật kiến trúc bị ảnh hưởng, thiệt hại trong bán kính an toàn nổ mìn.

“Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức làm việc với UBND xã An Sơn và Công ty Kiên Ngọc và các tổ chức liên quan để xác định rõ phạm vi bán kính an toàn nổ mìn và việc thỏa thuận hỗ trợ ảnh hưởng do nổ mìn khai thác khoáng sản, việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác”, ông Nguyễn Văn Viển - Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên yêu cầu.

Anh Trần Văn Sơn - một người dân bức xúc chỉ về khu vực Công ty Kiên Ngọc khoan, cắt, nổ mìn mới đây, ngay sát khu dân cư. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Trần Văn Sơn - một người dân bức xúc chỉ về khu vực Công ty Kiên Ngọc khoan, cắt, nổ mìn mới đây, ngay sát khu dân cư. Ảnh: Đinh Mười.

Theo người dân địa phương, hằng ngày Công ty Kiên Ngọc tổ chức nổ mìn phá đá 2 lần. Mỗi khi mìn nổ, bụi đất đá như đám mây khổng lồ bao trùm khu dân cư gây ảnh hưởng tới không khí, môi trường.  Dù người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng không có sự thay đổi nên buộc phải bố trí thay nhau trực chốt, chặn xe ra vào khai trường này.

“Đợt gần tết, toàn bộ đứng trên đỉnh núi sát nhà người dân, ngay gần khu vực di tích lịch sử hang Công an, phía công ty tổ chức bắn, khoan đá tè tè cả ngày. Lo sợ quá chúng tôi phải lên tận nơi yêu cầu, họ mới thôi”, anh Trần Văn Sơn - một người dân bức xúc.

Vấn đề này, trước đó, từ ngày 31/1, UBND huyện Thủy Nguyên đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Kiên Ngọc.

Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này, không được khai thác khoáng sản khi chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định, không được khai thác trong phạm vi đã thống nhất để cắm mốc bảo vệ hang Công an (Huyện ủy), giữ lại hiện trạng theo biên bản họp đã thống nhất trong khi chờ chỉ đạo cụ thể.

Người dân xô ra đường, ngăn chặn xe khai thác đá. Ảnh: Cắt từ clip.

Người dân xô ra đường, ngăn chặn xe khai thác đá. Ảnh: Cắt từ clip.

Sau đó, ngày 2/2, UBND xã An Sơn đã có văn bản đề nghị Công ty Kiên Ngọc thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND huyện Thủy Nguyên.

Ngày 27/2, UBND xã An Sơn mời đại diện Công ty Kiên Ngọc về trụ sở để làm việc, tiếp tục đề nghị. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không dừng lại mà tiếp tục tiến hành khoan trên đỉnh núi rất gần hang Công an, hang Huyện ủy, nơi đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố.

Thậm chí, quá trình nổ mìn đất đá văng sang khu vực thung thôn 5, thôn 6, khói bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh đến hưởng cây cối, hoa màu và ảnh hưởng trực tiếp khu mộ của nhân dân mà chưa được đền bù, hỗ trợ, gây bức xúc trong nhân dân.

Hiện tại, việc xác định hành lang an toàn nổ mìn còn chồng chéo giữa các doanh nghiệp và việc hỗ trợ cho người dân vẫn còn nhiều ý kiến, nhiều hộ dân cho rằng chưa thỏa đáng bởi vị trí các hộ phải di dời và các hộ không phải di dời chỉ cách nhau một con đường.

“Những hoạt động vừa qua của Công ty Kiên Ngọc ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cũng như công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản theo Luật Khoáng sản 2010, công tác bảo vệ cụm di tích lịch sử đã được thành phố xếp hạng”, ông Nguyễn Văn Đăng - Chủ tịch UBND xã An Sơn thông tin.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.