Hội nghị triển khai Hiệp định CPTPP |
Hơn 300 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ chuyên trách Sở Công Thương, Hiệp hội DN các tỉnh, thành phía Nam tham dự.
Sau khi Hiệp định CPTPP được 11 quốc gia thành viên khu vực kinh tế các nước Châu Á - Thái Bình Dương ký kết và có hiệu lực 14/1/2019 tại Việt Nam, từ 8/3 đến nay Bộ Công Thương ban hành thông tư 03/2019/TT-BCT về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định.
Theo quy định về mở cửa thị trường và các nước CPTPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng 78 - 95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97 - 100% dòng thuế. Đáng chú ý là các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam vào thị trường CPTPP được hưởng thuế xuất bằng 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm là nông sản, thủy sản và một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Sản phẩm nông, thủy sản của nước ta đã XK trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2018 tổng kim ngạch XK toàn ngành nông nghiệp đạt trên 42,3 tỷ USD. Trong đó đóng góp vào thành tựu tất lớn không chỉ có nông dân, DN, Bộ NN-PTNT mà còn có Bộ Công Thương. Bộ Công thương đóng vai trò rất lớn trong các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Năm 2019 Chính phủ đề ra chỉ tiêu XK 43 tỷ USD. Trước những thách thức, khó khăn dồn dập trong 2 tháng đầu năm về XK gạo, phòng chống dịch tả lợn châu Phi nhưng với tinh thần quyết tâm cao, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục thúc đẩy SX nông, thủy sản nâng cao hơn nữa để bù đắp thiệt hại cho ngành chăn nuôi, đồng thời tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu trong nước và XK.
Theo Bộ Công Thương, khu vực thị trường CPTPP đầy tiềm năng với 499 triệu người, chiếm 13% GDP toàn cầu với thu nhập bình quân đầu người trên 19.000 USD/người; tạo động lực phát triển công nghiệp phụ trợ; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hỗ trợ tích cực tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
CPTPP có ý nghĩa quan trọng, là sự nâng cấp so với các thỏa thuận tự do thương mại (FTA) hiện có, đồng thời thúc đẩy tạo mối quan hệ FTA mới và thiết lập mạng lưới mới bao gồm chuỗi cung ứng giữa châu Á và châu Mỹ.
Rau quả ĐBSCL đón cơ hội mới từ CPTPP |
Cơ hội từ CPTPP sẽ có tác động tích cực đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường XK; tạo điều kiện cơ cấu lại thị trường XK và nhập khẩu. CPTPP tạo cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên thách thức lớn khi tham gia CPTPP là sức ép cạnh tranh đối với nền kinh tế và DN Việt Nam. Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP, Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chí về XK hàng hóa…
Hiện tổng kim ngạch nhập khẩu của 10 nước đối tác trong CPTPP là gần 2.500 tỷ USD. Hàng hóa XK của Việt Nam xuất sang các nước này mới chỉ chiếm 42 tỷ USD, chiếm khoảng 1,7% tổng nhập khẩu của 10 nước nội khối CPTPP.
Tại hội nghị, Bộ Công Thương chỉ đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ hỗ trợ DN hội nhập sâu hơn, hướng dẫn thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc trong XK từng mặt hàng ở ĐBSCL. Bộ Công Thương phối hợp cùng Bộ NN-PTNT định hướng, tổ chức SX đáp ứng về quy tắc xuất xứ hàng hóa; triển khai chương trình tập huấn chuyên sâu trong từng lĩnh vực ngành hàng; hỗ trợ SX theo tiêu chuẩn quốc tế để nông, thủy sản nước ta có sức cạnh tranh. |