| Hotline: 0983.970.780

Cụ già 88 tuổi gãy cả hai chân 'bị người thân khai tử' lên Hà Nội đòi nhà

Thứ Tư 04/04/2018 , 09:15 (GMT+7)

Cổng Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, một bà cụ gãy cả hai chân vừa lê lết bò vừa khóc. Một vài người qua lại động lòng trắc ẩn đưa cụ ít tiền lẻ khiến cụ lại càng khóc to hơn…

Cho em xin làm người còn sống

“Ối các bác ơi, em không phải là kẻ ăn xin mà em lên đây để thưa kiện. Đẻ con ra những tưởng sau này về già được cậy nhờ có ai ngờ nó cướp hết đất rồi đuổi mẹ ra đường. Em đi đâu bây giờ khi không cửa, không nhà, không vườn, không đất?”. Ở vào cái tuổi 88 mà bà vẫn giữ thói quen của một người nhà quê chân chỉ hạt bột, hễ gặp người lạ là lễ phép gọi bác và xưng em một cách khiêm nhường như thế.

15-51-35_dsc_0925
Bà Đụn đang ngồi trước cổng Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội

Cách đây 3 năm, khi tôi lần đầu tiên gặp và viết bài “Trường ca kiện tụng” về trường hợp của bà thì bà vẫn đi lại bình thường, cười nói rổn rảng. Thế rồi có quá nhiều sóng gió ập đến, nào là tai nạn gãy cả hai chân, nào là con trai thứ mất, nào là chắt nội mất… trong quá trình bà đi đòi lại nhà, đòi lại quyền của một người đang còn sống bị chính người thân mình khai tử. Bà là Nguyễn Thị Đụn ở làng Đa Đinh (An Bình, Nam Sách, Hải Dương).

Câu chuyện tóm tắt như sau: Ông Trần Quang Thảng và bà Nguyễn Thị Đụn cùng nên duyên vợ chồng và ở trên mảnh đất của tổ tiên. Bà 9 lần sinh đẻ nhưng chỉ dưỡng được 7 người, trong đó Trần Quang Thẻ là con trai cả. Do điều kiện ăn ở chật chội quá nên năm 1971 ông bà đã đề nghị và được hợp tác xã cấp thêm một mảnh đất rộng 1 sào 5 thước ở đội 2 cùng thôn. Họ bỏ công sức vượt đất để dựng lên một ngôi nhà tranh vách đất, lúc đầu ông Thảng ở một mình để trông coi sau vì thương người con trai cả đi thoát ly để lại vợ và con mới sinh nheo nhóc đã đón ra ở cùng.

Bà Đụn lúc này vẫn ở cùng người con trai thứ và các con gái ở mảnh đất cũ. Năm 1977 ông Thảng chẳng may mắc bạo bệnh khuất núi mà không kịp để lại di chúc. Khi người con trai thứ kết hôn và ở tại nhà cũ thì bà Đụn cùng các con gái chuyển ra thửa đất mới sống cùng vợ chồng ông Thẻ (lúc này đã trở về quê). Rồi cũng chính sau đó, bà đồng ý cắt miếng đất ra làm hai, phần cho anh trai cả tên Thẻ, phần cho mình ở riêng (rộng 352m2), có ghi rõ trong hồ sơ đo đạc năm 1993 và được đóng thuế đầy đủ.

Thời gian 2001 - 2003 khi bà Đụn vào tỉnh Đồng Nai để ở với con gái tên Nam thì vợ chồng người con trai cả đã tự ý phá bỏ ngôi nhà tranh, vách đất của bố mẹ đi để dựng lên khu chuồng trại chăn nuôi. Năm 2003 khi bà trở về có ý kiến phản đối thì họ đã phải cải tạo ba gian chuồng trại thành chỗ ở cho mẹ. Vì nghĩ xấu con thì hổ mẹ nên bà đành nhẫn nhịn chịu đựng.

Năm 2009 bà Đụn bị ốm nặng, phải nằm viện. Trên giường bệnh bà vẫn còn cố nhắc nhở người con trai cả về chuyện đóng thuế đất hộ mình nhưng anh này tỉnh bơ bảo: “Bà không có đất sao phải đóng thuế?”. Lúc này bà mới giật mình và tìm hiểu. Thì ra ngay từ năm 2001, khi địa phương tổ chức đo đạc lại đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thì mảnh đất của bà lại được gộp vào mảnh đất của người con trai cả rồi được chia luôn cho người cháu nội.

Bà đã nhiều lần khuyên can con trả lại đất cho mình nhưng đều không thành vì anh này cứ khăng khăng rằng: Đất ấy trên giấy tờ là của chúng con, mẹ không có đất nên muốn ở đâu thì ở. Vậy là từ bấy bà trở thành kẻ không nhà, không đất, phải đâm đơn đi kiện chính đứa con mình từng dứt ruột đẻ ra, cho bú, cho mớm.

Chuyện đớn đau đâu chỉ có mỗi mất đất. Khi bà tròn 80 tuổi, chị Trần Thị Lâm - con gái bà mới đem sổ hộ khẩu của mẹ ra UBND xã làm thủ tục để lĩnh trợ cấp hàng tháng cho người già. Thế mà lúc trình bày xong thì cán bộ bảo: “Bà đã chết rồi làm sao mà lĩnh trợ cấp được?”. Giật nẩy người, chị xem lại quyển sổ hộ khẩu thì đúng như vậy thật, có người đã khai mẹ mình đã chết năm 2008 và bên dưới trang giấy còn có chữ ký, con dấu của anh Phó công an xã chứng nhận cho điều đó.

Mấy người con còn lại lúc này mới nhớ ra từ trước đến nay bà Đụn vẫn chung sổ hộ khẩu với gia đình anh con trai cả Trần Quang Thẻ. Một vài lần họ có cho cháu Trần Quang Văn - con ông Thẻ mượn sổ đỏ cùng sổ hộ khẩu để vay vốn gì đó rồi xảy ra việc kể trên. Quyển sổ hộ khẩu gốc về sau đã bị chữa lại một cách hết sức trắng trợn trong đó chữ “chết” ở trang của bà Đụn bị thành chữ “chuyển” nhưng trước đó mấy người con của bà đã kịp phô tô lại để làm bằng chứng không thể chối cãi.
 

Ba lần xử đều thắng nhưng…

Trước yêu cầu chính đáng của bà Đụn, năm 2011, UBND huyện Nam Sách đã tổ chức xác minh và kết luận ở thời điểm năm 2001 xã An Bình xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Quang Thẻ và Trần Quang Thùy (con trai ông Thẻ) gộp cả phần diện tích đất của mẹ vào là hoàn toàn sai nên phải thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận này. Thế nhưng trước quyết định đó, gia đình người con trai cả nhất định không đồng ý và gửi đơn khiếu kiện mẹ.

Năm 2015 Tòa án Nhân dân huyện Nam Sách xử tuyên phần thắng thuộc về bà Đụn nhưng họ vẫn kiện tiếp. Năm 2016 Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương xử tiếp tục tuyên phần thắng thuộc về bà Đụn nhưng họ vẫn tiếp tục đâm đơn.

15-51-35_dsc_9484
15-51-35_dsc_9485
Sổ hộ khẩu khai bà Đụn chết và sau đó sửa chữ "chết" thành "chuyển"

Năm 2017 Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội quyết định giám đốc thẩm vào ngày 5/10/2017 đã nhận định: “Theo hồ sơ đo đạc bản đồ năm 1993 phục vụ xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư… cụ Đụn sử dụng thửa 35 tờ bản đồ số 6 có diện tích 352m2, ông Thẻ sử dụng thửa đất số 25 tờ bản đồ số 6 có diện tích 406m2 (diện tích tăng thêm do vượt lập, mua thêm). Việc ông Thẻ tách thửa đất làm hai phần được cụ Đụn đồng ý và các con cụ Đụn nhất trí… Năm 2001 ông Thẻ tự ý làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận đối với 528m2, không trao đổi, không được sự đồng ý của cụ Đụn…

Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định: Việc cấp đất cho gia đình cụ Thảng, cụ Đụn năm 1971 là cấp cho hộ gia đình vì lý do gia đình hai cụ đông con và ông Thẻ (con trai cả ông bà) mới lấy vợ. Lúc này ông Thẻ đang công tác xa, bà Chính đang chửa đẻ nên nội dung quyết định kháng nghị cho rằng đất được cấp riêng cho vợ chồng ông Thẻ bà Chính là không phù hợp”.

Vậy là một lần nữa công lý đã thắng cuộc. Tuy nhiên có một điều rất lạ là Quyết định giám đốc thẩm ấy ban hành ngày 5/10/2017 nhưng những người thân của bà Đụn không hề nhận được. Đã bao lần họ lặn lội từ Hải Dương lên tận Hà Nội để hỏi thăm thì đều nhận được những lời hứa sẽ giải quyết sớm. Thế nhưng, cứ chờ, chờ mãi nên ngày 2/4/2018 hai người con gái và con dâu mới quyết định thuê một cái xe ô tô chở mẹ lên ngồi lê la ngay ở cổng tòa, cổ đeo tấm biển đòi công lý, khóc lóc um sùm gây áp lực. Kỳ lạ thay chỉ trong nửa buổi sáng họ được chỉ dẫn và nhận ngay quyết định giám đốc thẩm.

Bà Đụn chia tay tôi trong mừng mừng tủi tủi. Mừng là bởi đã lại thắng kiện mà tủi là bởi mảnh đất xưa năm nào hai vợ chồng bà cùng chung lưng, đấu cật vượt lập, cất nhà hiện vẫn nằm trong tay người con trai cả. Bà không một chốn dung thân đã đành còn bát hương thờ chồng bà cũng không có một bến đỗ bình yên.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm